Tại sao các thương hiệu xa xỉ chú trọng làn sóng Hallyu

Sự phát triển của Hallyu, làn sóng văn hóa Hàn Quốc, thu hút sự chú ý và đầu tư mạnh mẽ của các thương hiệu xa xỉ vào xứ sở kim chi.

 Các thương hiệu thời trang cao cấp ngày càng chú ý đến Hàn Quốc nhờ vào tầm ảnh hưởng của phim ảnh và âm nhạc của đất nước này. Ảnh minh họa: FilmMagic.

Các thương hiệu thời trang cao cấp ngày càng chú ý đến Hàn Quốc nhờ vào tầm ảnh hưởng của phim ảnh và âm nhạc của đất nước này. Ảnh minh họa: FilmMagic.

Ngày 29/4 vừa qua, thương hiệu thời trang Louis Vuitton tổ chức buổi trình diễn bộ sưu tập giao mùa Thu/Đông (pre-fall) cho mảng thời trang nữ ngay trên cây cầu Jamsugyo bắc ngang sông Hàn tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc).

Thỏa thuận này được đưa ra khi các thương hiệu xa xỉ ngày càng tìm cách tận dụng sự thịnh hành của Hallyu, thuật ngữ biểu thị cho làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc lan rộng khắp thế giới kể từ những năm 1990 đặc trưng với sự thành công của âm nhạc và phim của đất nước này, TIME đưa tin.

 Buổi trình diễn của Louis Vuitton trên cầu Jamsugyo bắc ngang sông Hàn. Ảnh: @luoisvuitton.

Buổi trình diễn của Louis Vuitton trên cầu Jamsugyo bắc ngang sông Hàn. Ảnh: @luoisvuitton.

Màn hợp tác lịch sử

Màn trình diễn thời trang mang tính lịch sử này được hiện thực hóa bởi Nicolas Ghesquìere, Giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton, cùng đạo diễn bộ phim nổi tiếng Trò chơi con mực (Squid Game) Hwang Dong-hyuk - người làm cố vấn sáng tạo về phối cảnh cho show diễn.

Louis Vuitton chọn Seoul vì đây là trung tâm văn hóa tiếp tục thu hút sự chú ý của toàn cầu. Thêm vào đó, thành phố này có chung “tinh thần” mà thương hiệu xa xỉ này hướng tới, theo Pietro Beccari, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Louis Vuitton.

Sự kiện này đánh dấu mối quan hệ hợp tác giữa ba bên là công ty mẹ của thương hiệu Louis Vuitton là LVMH, Tổ chức Du lịch Hàn Quốc và Chính quyền thành phố Seoul, nhằm góp phần thu hút nhiều du khách hơn đến Hàn Quốc.

 Buổi trình diễn thời trang mang tính lịch sử của thương hiệu thời trang xa xỉ và xứ sở kim chi. Ảnh: Lee Jin-man/AP Photo.

Buổi trình diễn thời trang mang tính lịch sử của thương hiệu thời trang xa xỉ và xứ sở kim chi. Ảnh: Lee Jin-man/AP Photo.

Đây là một phần thuộc kế hoạch du lịch lớn mang tên “Visit Korea Year” (tạm dịch: Năm du lịch Hàn Quốc) diễn ra trong khoảng 2023-2024. Sáng kiến này nhằm mục đích khuyến khích khoảng 30 triệu khách du lịch nước ngoài đến thủ đô trong năm 2023.

Màn hợp tác sẽ bao gồm các dự án dài hạn và ngắn hạn nhằm bảo tồn sông Hàn và sự đa dạng sinh học của nó đồng thời thúc đẩy du lịch ở Seoul thông qua triển lãm thời trang và nhiều hoạt động khác nhau.

 J-Hope là đại sứ thương hiệu mới của thương hiệu Louis Vuitton. Ảnh: Louis Vuitton.

J-Hope là đại sứ thương hiệu mới của thương hiệu Louis Vuitton. Ảnh: Louis Vuitton.

Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc

Mary Ainslie, phó giáo sư chuyên về văn hóa và truyền thông khu vực Đông Nam Á tại Đại học Nottingham Ninh Ba Trung Quốc, chia sẻ với TIME rằng các nghiên cứu cho thấy ngành công nghiệp Hallyu là điểm thu hút du lịch lớn đến Hàn Quốc, đặc biệt là du lịch liên châu Á với xu hướng chủ yếu là du lịch theo nhóm được tổ chức bài bản.

Ainslie cho biết các nhóm du lịch muốn đến thăm những địa điểm xuất hiện trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc cũng như các địa điểm mua sắm liên quan khác.

Thương hiệu thời trang muốn tận dụng điều này cũng không quá khó. Điều này chủ yếu phụ thuộc vào khả năng lồng ghép, sáng tạo cũng như ăn nhập với đặc trưng của xứ sở kim chi.

“Tôi nghĩ các hãng thời trang xa xỉ xem Seoul là một thành phố sành điệu vì nó sở hữu bầu không khí trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Dù văn hóa Hàn Quốc từng có một lượng nhỏ người theo dõi, mạng xã hội đã mang đến cho các nghệ sĩ đất nước này nền tảng phát triển tốt.

Bên cạnh đó, chúng còn cho phép họ xây dựng lượng người hâm mộ chủ đạo là những người trẻ tuổi”, Kyoung Eun Rhee, cựu biên tập viên thời trang của tạp chí Elle kiêm nhà tạo mẫu cho các diễn viên trẻ Hàn Quốc, cho biết.

 Sự phát triển mạnh mẽ của Hallyu thu hút được sự quan tâm của các nhãn hiệu cao cấp. Ảnh minh họa: The Times.

Sự phát triển mạnh mẽ của Hallyu thu hút được sự quan tâm của các nhãn hiệu cao cấp. Ảnh minh họa: The Times.

Thế hệ trẻ toàn cầu này đã khiến các thương hiệu sang trọng tập trung vào Kpop. Một ngày nào đó, họ sẽ trở thành tệp khách hàng chính. Vì vậy, việc phát triển thị trường ở các quốc gia khác nhau này là thiết yếu. Ngoài ra, đại sứ thương hiệu phù hợp có thể giúp các sản phẩm xa xỉ trở nên dễ tiếp cận hơn với nhóm người trẻ khắp châu Á, thay vì chỉ là tài sản dành riêng cho thế hệ cũ, Kyoung nói.

Do đó, các ngôi sao Kpop ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các chiến dịch thương hiệu xa xỉ. BlackPink, một trong những nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất thế giới, hợp tác với không ít nhãn hàng đình đám như Celine, Chanel, Dior và Saint Laurent.

Vào tháng 2, Louis Vuitton thông báo rằng thành viên của nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu BTS sẽ là đại sứ thương hiệu mới nhất của hãng. Các thành viên khác là Jimin và Suga trước đó đã lần lượt ký các hợp đồng béo bở với Christian Dior và Valentino.

Đặc biệt, Gucci chuẩn bị tổ chức buổi trình diễn bộ sưu tập du thuyền tại Hàn Quốc để đánh dấu 25 năm thương hiệu có mặt tại quốc gia này vào tháng 5. Ngoài ra, tạp chí Women's Wear Daily đưa tin rằng Saint Laurent cũng đang xem xét tổ chức một buổi trình diễn tại Seoul trong năm 2023.

 Hàn Quốc sẽ còn chứng kiến sự gia nhập và phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu xa xỉ. Ảnh minh họa: Ethan Brooke/Pexels.

Hàn Quốc sẽ còn chứng kiến sự gia nhập và phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu xa xỉ. Ảnh minh họa: Ethan Brooke/Pexels.

Ngày càng phát triển

Theo Statista, nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng, từ năm 2000-2019, lượng khách du lịch đến Hàn Quốc đã tăng 12,18 triệu lượt. Con số ban đầu là 5,32 triệu người năm 2000 và chạm mức 17,5 triệu vào năm 2019.

Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, tổng số người du lịch giảm xuống mức thấp chưa từng có (giảm 85% vào năm 2020 (2,52 triệu) và giảm thêm 62% (97.000) vào năm 2021).

Năm 2023, để hồi phục ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, Tổ chức Du lịch Hàn Quốc quyết định hợp tác thực hiện một chiến dịch video với Netflix để quảng bá các sản phẩm phim và truyền hình Hàn Quốc cho khán giả toàn cầu.

Màn hợp tác này đã củng cố sức hấp dẫn của du lịch Hallyu - điều mà quốc gia này cũng như các thương hiệu xa xỉ hy vọng có thể tiếp tục phát huy trong năm 2023. Ainslie cho hay kể từ khi làn sóng Hallyu bắt đầu thịnh hành ở nước ngoài vào giữa những năm 2000, mảng thời trang dần trở nên quan trọng dù ở mức độ thấp hơn so với mỹ phẩm.

Trước đại dịch, người Hàn Quốc thường mua hàng xa xỉ ở nước ngoài vì chúng có mức ưu đãi tốt hơn.Tuy nhiên, điều này trở nên khó khăn trong đại dịch trong khi nhu cầu ngày càng tăng, Korea JoongAng Daily đưa tin.

Thêm vào đó, số liệu của Morgan Stanley, ngân hàng hàng đầu về giao dịch cổ phiếu, do CNBC báo cáo cho thấy công dân Hàn Quốc đã trở thành người chi tiêu bình quân đầu người (325 USD) lớn nhất thế giới cho các sản phẩm xa xỉ vào năm 2022, vượt qua cả Nhật Bản (280 USD) và Trung Quốc (55 USD).

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tai-sao-cac-thuong-hieu-xa-xi-chu-trong-lan-song-hallyu-post1427561.html