Tại sao Apple và Samsung phải chạy đua nâng cấp camera điện thoại

Với khoảng 30% số nội dung đăng tải đều là hình ảnh, các hãng điện thoại hiểu rằng một sản phẩm thân thiện với người dùng phải có chiếc camera 'thần thánh'.

Ảnh minh họa. Nguồn: Iphone.

Hành động ghi lại, lưu trữ và đôi khi là chia sẻ những trải nghiệm và thông tin liên quan đến cuộc sống của một người được gọi là nhật ký kỹ thuật số (lifelogging). Thế giới ghi nhật ký kỹ thuật số bao gồm các phương tiện truyền thông xã hội mà chúng ta thường xuyên sử dụng - các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter hay KakaoStory. Những người tham gia vào thế giới ghi nhật ký kỹ thuật số thường đóng hai vai trò chính.

Vai trò đầu tiên là ghi lại tất cả những khía cạnh và khoảnh khắc riêng tư trong quá trình học tập, làm việc và sinh hoạt hàng ngày của bản thân, sau đó lưu trữ những khoảnh khắc này dưới dạng văn bản, hình ảnh hoặc video trên nền tảng trực tuyến. Để ghi lại tất cả những sự kiện này, người ta thường dựa vào trí nhớ của mình hoặc thu thập dữ liệu bằng cách sử dụng máy ảnh trên điện thoại hoặc các thiết bị có thể mang trên người.

Vai trò thứ hai bao gồm việc ghé thăm kho lưu trữ nhật ký của những người dùng khác, ghi lại suy nghĩ của mình, thể hiện cảm xúc thông qua các biểu tượng cảm xúc và dẫn những bài đăng này tới trang nhật ký của riêng mình để xem lại hoặc chia sẻ với những người khác.

Vậy con người ở thế kỷ 21 đang ghi lại những khía cạnh nào trong cuộc sống của mình? Các nội dung thường được mọi người chia sẻ trên mạng xã hội bao gồm những suy nghĩ, hoạt động của họ, những điều họ muốn giới thiệu, các bài báo, tin tức thú vị, nội dung của người khác (những thứ mà người khác đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội), cảm xúc cũng như kế hoạch trong tương lai của họ.

Theo kinh nghiệm cá nhân, phần lớn bài đăng của những người mà tôi theo dõi trên mạng xã hội đều có nội dung như vậy. Điều này dẫn đến một quá trình tương tự việc biên tập các chương trình truyền hình. Thay vì thể hiện vẻ ngoài và cuộc sống tự nhiên, không tô vẽ của mình, mọi người có xu hướng xóa đi những phần họ không muốn người khác nhìn thấy. Những gì còn lại cũng không được đăng tải lên dưới dạng thô mà thường đã tinh chỉnh lại đôi chút.

Theo ước tính, có tới hơn 30% nội dung ghi nhật ký trên mạng xã hội là nội dung ảnh. Điều này giải thích tại sao mỗi khi một chiếc điện thoại thông minh mới được ra mắt, các quảng cáo luôn nhấn mạnh về việc dễ dàng chụp và chỉnh sửa những bức ảnh đẹp bằng chiếc điện thoại đó. Điện thoại thông minh ngày nay được tích hợp nhiều ống kính hiệu suất cao để tạo ra những bức ảnh phục vụ cho quá trình ghi nhật ký kỹ thuật số.

Tóm lại, phần lớn các quá trình lifelogging đều dựa trên việc loại bỏ những phần chúng ta muốn che giấu từ con người thật của mình, chỉnh sửa lại để tạo nên một hình ảnh lý tưởng mà chúng ta muốn thể hiện với thế giới bên ngoài.

Kim Sang Kyun/ NXB Dân Trí & Gieo Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-apple-va-samsung-phai-chay-dua-nang-cap-camera-dien-thoai-post1460738.html