Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được chuyển nhượng quyền thu phí tối đa là 10 năm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tại nghị định quy định, thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.

Không áp dụng đối với hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia

Nghị định 44/2024/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 44) quy định phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (TSKCHTGTĐB) gồm: cơ quan quản lý tài sản trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.

Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được chuyển nhượng quyền thu phí tối đa là 10 năm. Ảnh minh họa: H.T

Trường hợp cần thiết thực hiện khai thác TSKCHTGTĐB theo phương thức khác với các phương thức quy định trên, Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), UBND cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập đề án khai thác TSKCHTGTĐB, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nội dung chủ yếu của đề án khai thác TSKCHTGTĐB theo Mẫu số 02Đ tại Phụ lục kèm theo Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là TSKCHTGTĐB hoặc một phần TSKCHTGTĐB được thu phí sử dụng đường bộ (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).

Sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải, UBND cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đề án khai thác TSKCHTGTĐB thuộc phạm vi quản lý.

Nghị định của Chính cũng nêu rõ, trường hợp chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản mà phải thuê tư vấn lập đề án khai thác tài sản thì chi phí thuê tư vấn lập đề án khai thác tài sản được tạm ứng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của cơ quan quản lý tài sản và được trừ vào tiền thu được từ khai thác tài sản. Việc lựa chọn đơn vị thuê tư vấn lập đề án khai thác tài sản thực hiện theo quy định.

Đối với việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng TSKCHTGTĐB, NĐ 44 quy định Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho tổ chức theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.

Phạm vi tài sản được chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng là TSKCHTGTĐB hoặc một phần TSKCHTGTĐB được thu phí sử dụng đường bộ (trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí).

Đặc biệt, nghị định của Chính phủ nêu rõ, việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng TSKCHTGTĐB không áp dụng đối với TSKCHTGTĐB có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia; TSKCHTGTĐB thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 44/2024/NĐ-CP.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng TSKCHTGTĐB được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa là 10 năm, phù hợp với từng tài sản hoặc một phần TSKCHTGTĐB được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định 44/2024/NĐ-CP phê duyệt tại quyết định phê duyệt đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.

Bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng TSKCHTGTĐB có quyền tổ chức thực hiện khai thác tài sản theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký kết. Ảnh TL minh họa.

Về thẩm quyền phê duyệt đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng TSKCHTGTĐB, Nghị định nêu rõ, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng TSKCHTGTĐB do cơ quan quản lý tài sản ở trung ương quản lý. UBND cấp tỉnh phê duyệt đề án chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng TSKCHTGTĐB do cơ quan quản lý tài sản ở địa phương quản lý.

Bên nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ thanh toán tiền chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản (bao gồm cả khoản tiền nộp bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 9 Điều này) đầy đủ, đúng hạn theo quy định; trường hợp quá thời hạn thanh toán theo quy định mà bên nhận chuyển nhượng chưa thanh toán, hoặc chưa thanh toán đủ thì phải nộp phạt hợp đồng; mức phạt tương đương với mức tiền chậm nộp xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Quá thời hạn thanh toán việc nhận chuyển nhượng sẽ phải nộp phạt

Quy định cụ thể hơn về việc nhận chuyển nhượng, nghị định của Chính phủ nêu rõ, bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng TSKCHTGTĐB có quyền tổ chức thực hiện khai thác tài sản theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký kết.

Quyết định phương thức, biện pháp khai thác tài sản bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và hợp đồng ký kết. Được thu phí sử dụng đường bộ và các dịch vụ khác liên quan đến tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết.

Bên nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nghĩa vụ sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, nhiệm vụ của tài sản; không được chuyển đổi công năng sử dụng, chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, thế chấp hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác; thực hiện bảo trì công trình thuộc tài sản theo hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bên nhận chuyển nhượng cũng có nghĩa vụ thanh toán tiền chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản (bao gồm cả khoản tiền nộp bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 9 Điều này) đầy đủ, đúng hạn theo quy định.

Trường hợp quá thời hạn thanh toán theo quy định mà bên nhận chuyển nhượng chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ thì phải nộp phạt hợp đồng; mức phạt tương đương với mức tiền chậm nộp xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Hàng năm, bên nhận chuyển nhượng phải báo cáo doanh thu từ việc khai thác tài sản nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kèm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo quy định, gửi bên chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tai-san-ket-cau-ha-tang-giao-thong-duong-bo-duoc-chuyen-nhuong-quyen-thu-phi-toi-da-la-10-nam-149787.html