Tai nạn pháo: Chuyện chưa bao giờ hết nóng

Tai nạn pháo vốn rải rác quanh năm nhưng như thường thấy lại rộ lên mỗi dịp cận Tết với những vụ việc không khỏi đau lòng.

Hai vụ tai nạn pháo mới đây nhất đã cho thấy câu chuyện này chưa bao giờ hết nóng cho dẫu với bất cứ độ tuổi nào.

Vụ thứ nhất xảy ra tại cửa hàng sửa chữa xe máy trên phố Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tối 27/12 khiến 3 người bị thương.

Ban đầu nghi là nổ do dùng bình ga mini ăn lẩu song nguyên nhân chính thức được cơ quan chức năng kết luận là tại địa điểm trên có một lượng pháo và chính số pháo này đã khiến cho sức nổ lớn gấp nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ thứ hai xảy ra tại thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, trước vụ nổ trên vài ngày. Hậu quả rất thương tâm khi có 3 cháu nhỏ tử vong, 2 cháu khác bị thương nặng. Rất may là có 2 người khác lúc đó đi ra ngoài nên nếu không hậu quả vụ nổ còn lớn hơn.

Cả hai vụ việc này nguyên nhân chính thức được kết luận là do lên mạng mua thuốc nổ để tự làm pháo.

Hai vụ nổ này đã nối dài thêm số lượng người thương vong từ các vụ tai nạn pháo trong thời gian qua. Hậu quả đã là rõ ràng không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người bị thương với cuộc sống sau này mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng cư dân cũng như an ninh trật tự sở tại. Và nếu như cơ quan chức năng không nhanh chóng vào cuộc, kết luận nguyên nhân vụ việc thì các trang mạng xã hội sẽ phát tán thông tin “bán tín bán nghi” tạo hiệu ứng không tốt trong dư luận.

Nhưng điều đáng nói nhất ở đây chính là việc các nạn nhân của hai vụ nổ này cả người lớn lẫn trẻ em đã có việc làm rất đáng buồn là tự lên mạng tìm mua nguyên liệu nổ về tự làm pháo. Người lớn không thể nói là không hiểu biết nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi hết sức nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng, là điều càng đáng trách. Còn với các cháu nhỏ, ở đây rõ ràng đã thiếu đi vai trò trông coi, giáo dục và cảnh báo trực tiếp của gia đình, cùng đó là không thể không nhắc đến, không thể bỏ qua vai trò của nhà trường, của cộng đồng.

Xử lý các đối tượng kinh doanh pháo nổ (ảnh minh họa)

Hai vụ việc cũng cho thấy những kẽ hở trong việc quản lý nguyên liệu nổ cũng như một mặt trái của internet, của mạng xã hội và đặt ra những yêu cầu quản lý nguyên liệu nổ, các trang mạng xã hội một cách cấp thiết hơn, ráo riết hơn, đặc biệt là trong thời gian trước, trong và sau các dịp lễ, tết.

Việt Nam đã chính thức cấm việc tàng trữ, buôn bán và sử dụng pháo nổ từ năm 1995 và việc thực hiện triệt để các chỉ đạo của Chính phủ về nội dung này đã được coi là một thành công lớn về quản lý xã hội của các cơ quan chức năng cũng như ý thức chấp hành của người dân.

Tuy nhiên việc xảy ra những tai nạn pháo như trên đã cho thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong khi việc truy quét, xử lý các đối tượng mua bán, tàng trữ và kinh doanh pháo nổ luôn được tập trung thì mảng giáo dục, cảnh báo ý thức của người dân tại cộng đồng, ở các độ tuổi dường như chưa có các nỗ lực tương xứng, thường xuyên và liên tục. Thay vào đó chỉ tập trung vào những thời gian cận tết, lễ và chính việc “dồn cục” này đã khiến cho công tác giáo dục, cảnh báo không mang nhiều tính thuyết phục cũng như răn đe.

Đáng quan ngại nữa là có một bộ phận người dân hiểu sai các quy định của Chính phủ về pháo nổ mà gần đây nhất là Nghị định 137/2020/NĐ-CP, rằng, “nghị định này có cho đốt rồi mà”. Đây là một lầm tưởng rất nguy hiểm bởi Nghị định 137 chỉ cho phép người dân đốt pháo hoa chứ tuyệt đối không phải pháo nổ hay pháo hoa nổ. Người dân có thể sử dụng pháo hoa không nổ, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Thế nhưng, nhiều người do vô tình hoặc cố tình không phân biệt pháo hoa nổ và pháo hoa không nổ. Trong khi đó, Nghị định 137 nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ, đồng thời quy định chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.

Câu chuyện tai nạn pháo chưa bao giờ hết nóng hẳn là một câu chuyện không ai muốn ở bất cứ khoảng thời gian nào trong năm, nhất là thời gian này, khi mà các khoảng thời gian nghỉ đón Tết dương lịch và âm lịch đang đến gần. Một cái tết vui tươi, an lành và trọn vẹn là quyền của tất cả mọi người, tất cả cộng đồng. Nhưng điều cần nói là để có được cái quyền ấy thì nghĩa vụ của mọi người, của cộng đồng là cùng với các cơ quan chức năng hiểu đúng, thực thi đúng các quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tai-nan-phao-chuyen-chua-bao-gio-het-nong-232915.html