Tai nạn lao động vẫn 'đáng' báo động!

Mặc dù có xu hướng giảm, nhưng trong năm 2023, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng trên địa bàn cả nước vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đã đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều biện pháp, giải pháp, trong đó có việc, tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chăn ngừa từ sớm những nguy cơ mất ATLĐ.

Tai nạn lao động vẫn đáng lo ngại

Thông tin với báo chí về công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và tình hình TNLĐ năm 2023, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Chu Thị Hạnh cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc; giảm số vụ TNLĐ, giảm thiệt hại do TNLĐ gây ra. Mặc dù vậy, công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại. Tuy có xu hướng giảm, nhưng số vụ TNLĐ, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

An toàn lao động luôn được lãnh đạo doanh nghiệp và Công đoàn quan tâm hàng đầu (Ảnh: Lãnh đạo Bộ LĐTBXH kiểm tra việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động tại Công ty thuốc lá Thăng Long).

Cụ thể, năm qua, cả nước có tới 7.394 vụ TNLĐ làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Trong số các ngành nghề để xảy ra nhiều TNLĐ chết người, lĩnh vực xây dựng chiếm 18,27% tổng số vụ và 20,03% tổng số người chết; lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 16,14% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết...

Chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, ước tính thiệt hại về vật chất do TNLĐ là hơn 16.357 tỷ đồng (tăng khoảng 2.240 tỷ đồng so với năm 2022) và hơn 149.770 ngày công; thiệt hại về tài sản trên 722 tỷ đồng (tăng khoảng 454 tỷ đồng so với năm 2022). Trong khu vực không có quan hệ lao động, diễn biến tình hình TNLĐ có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn.

Theo lãnh đạo Cục An toàn lao động, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, đặc biệt, còn chủ quan, lơ là trong lao động sản xuất. Cùng với đó, chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác ATVSLĐ...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới, những tác động từ quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ LĐTBXH nhận định, thời gian tới, công tác ATVSLĐ còn rất nhiều thách thức.

Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác ATVSLĐ tại địa phương; bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động đồng thời cần chú trọng công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro..

Trước mắt, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 1/5 đến 31/5 nhằm tạo đợt cao điểm trong thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết, với vai trò là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ trung ương, Bộ LĐTBXH đã đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác ATVSLĐ; thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng.

Cùng với đó, Bộ LĐTBXH đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, nhằm chủ động phòng ngừa TNLĐ, từ tháng 2 đến tháng 5/2024, Thanh tra Cục An toàn lao động phối hợp với Sở LĐTBXH địa phương tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động đối với 16 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với Hà Nội, phát biểu tại cuộc họp của Ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024, Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 dự kiến sẽ được tổ chức vào 8h ngày 19/4 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.

Dịp này, Thành phố sẽ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ đồng thời tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động; tuyên truyền, huấn luyện cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động…

“Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSLĐ không chỉ tập trung tổ chức trong ngày phát động, trong tháng 5, mà sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục”, bà Bạch Liên Hương khẳng định.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, có thể tin tưởng những nguy cơ mất ATVSLĐ sẽ sớm được ngăn chặn, qua đó hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động.

Theo Bộ LĐTBXH, để tạo chuyển biến tích cực cho công tác đảm bảo ATVSLĐ, đẩy lùi TNLĐ, cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, doanh nghiệp; về phía người lao động cũng cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, tại nơi làm việc, trong doanh nghiệp, hộ gia đình.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tai-nan-lao-dong-van-dang-bao-dong-168895.html