Tài liệu chiến lược của New Zealand: Bước chuyển mình là đây?

Các văn bản chiến lược mới cho thấy New Zealand mong muốn tham gia sâu hơn trong hợp tác quốc phòng, thậm chí là cân nhắc trở thành một phần của AUKUS.

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Andrew Little vừa công bố ba văn bản chiến lược quan trọng của nước này. (Nguồn: AP)

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Andrew Little đã công bố ba báo cáo chiến lược cùng một lúc, bao gồm Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên, cùng báo cáo về Tuyên bố chiến lược và Chính sách quốc phòng tập trung vào năng lực quốc phòng. Tài liệu thứ ba, “Các nguyên tắc thiết kế lực lượng tương lai” đưa ra khuyến nghị chung để tái cấu trúc quân đội New Zealand. Ba tài liệu với độ dài tổng cộng là 82 trang và 12.000 chữ, đã khiến giới quan sát đối ngoại và an ninh của New Zealand “dậy sóng”.

Đầu tư lớn

Trước hết, đó là khoản đầu tư đáng kể dành cho quốc phòng. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, hiện New Zealand đang chi 1,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quân đội và con số này chắc chắn không dừng ở đây. Tháng Năm vừa qua, Công đảng tuyên bố sẽ bổ sung 747 triệu NZD (452 triệu USD) cho lĩnh vực quốc phòng. Đây là một con số lớn trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng hằng năm của quốc gia 5 triệu dân này chỉ là 5,3 tỷ NZD (3,2 tỷ USD).

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Little đẩy nhanh tiến trình xem xét lại năng lực quốc phòng để công bố trong năm nay, thay vì 2024 như dự kiến.

Sự thay đổi mạnh mẽ này của Wellington có lẽ không bất ngờ. Hồi năm 2021, nước này từng đưa ra một bản đánh giá cứng rắn, trước khi tham gia các hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 2022 và 2023 với tư cách khách mời.

Một chủ đề chính của Tuyên bố chiến lược và Chính sách quốc phòng mới xoay quanh nỗ lực để quân đội New Zealand tăng cường “năng lực chiến đấu” và mở rộng hoạt động trong khu vực tranh chấp ở Thái Bình Dương, phía Bắc nước này.

Báo cáo đề cập “tăng cường tính hiệu quả trong năng lực chiến đấu và các khả năng” đồng nghĩa rằng nước này sẽ dành một khoản đầu tư không nhỏ vào nguồn nhân lực và khí tài. Gần đây, New Zealand đã tiếp nhận chiếc cuối cùng trong thương vụ 4 máy bay do thám Boeing P8-A Poseidon trị giá 2 tỷ NZD (1,2 tỷ USD) năm 2018.

Quan điểm mới

Điểm thay đổi khác là thái độ của New Zealand với Trung Quốc và phương Tây.

Trong các văn bản này, từ “Trung Quốc” chỉ được đề cập trên dưới chục lần. Song rõ ràng một trọng tâm của tài liệu này là xử lý ổn thỏa quan hệ giữa Wellington và Bắc Kinh. Chiến lược an ninh quốc gia New Zealand khẳng định: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc là động lực quan trọng dẫn đến thay đổi địa chính trị”. Theo tài liệu này, Bắc Kinh đang “quyết đoán hơn và sẵn sàng hơn trong thách thức các quy tắc và chuẩn mực quốc tế hiện hành” và sử dụng “sự ép buộc kinh tế” để đạt được mục tiêu của mình.

Theo tiêu chuẩn của Mỹ hay Australia, giọng điệu này không có gì là quá xa lạ. Tuy nhiên, với Wellington, quốc gia vốn giữ quan hệ tốt với Bắc Kinh ngay cả khi quan hệ giữa cường quốc châu Á và phương Tây xấu đi, sự thay đổi về ngữ điệu, câu chữ và nội hàm trong ba văn bản nêu trên phản ánh một bước chuyển mình lịch sử.

Thậm chí, New Zealand ủng hộ quan điểm của phương Tây về thắt chặt tiền tệ với Trung Quốc, dù Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Wellington. Hơn một phần tư sản lượng xuất khẩu của New Zealand có điểm đến là Trung Quốc.

Trong nhiều thập niên, New Zealand tự hào về “chính sách đối ngoại độc lập”. Lập trường này xuất hiện vào những năm 1980 sau khi Mỹ đình chỉ nghĩa vụ của mình đối với New Zealand theo Hiệp ước ANZUS (khối hiệp ước quân sự gồm Australia, New Zealand và Mỹ). May mắn thay, Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc và trong ba thập niên sau đó, New Zealand tận dụng tối đa những cơ hội mới mở ra ở khắp mọi nơi, từ Bắc Kinh đến Bogota.

Tuy nhiên, thời đại đó bây giờ dường như đã kết thúc.

Một chủ đề xuyên suốt khác là việc New Zealand cần “hợp tác” với "các quốc gia có cùng chí hướng”. Chiến lược an ninh quốc gia cho thấy đây chủ yếu là các nước thuộc liên minh tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes) và các quốc gia phương Tây, bao gồm Australia, Mỹ, Anh, Canada, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc không nằm trong danh sách này.

Theo tiêu chuẩn của Mỹ hay Australia, giọng điệu này không có gì là quá xa lạ. Tuy nhiên, với Wellington, quốc gia vốn giữ quan hệ tốt với Bắc Kinh ngay cả khi quan hệ giữa cường quốc châu Á và phương Tây xấu đi, sự thay đổi về ngữ điệu, câu chữ và nội hàm trong ba văn bản nêu trên phản ánh một bước chuyển mình lịch sử.

Lịch sử xoay chiều?

Cuối cùng, điểm đáng chú ý nhất trong lộ trình mới của Wellington là về AUKUS, thỏa thuận an ninh giữa Australia, Anh và Mỹ.

Trước văn bản này, quan điểm nói chung của New Zealand là tránh xa AUKUS. Wellington cho rằng khía cạnh hạt nhân của thỏa thuận sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” của chính sách phi hạt nhân từ những năm 1980s. Đồng thời, việc gia nhập AUKUS sẽ đi ngược lại với tinh thần chính sách đối ngoại độc lập hiện nay.

Tuy nhiên, Chiến lược an ninh quốc gia mới dường như đã “bật đèn xanh” cho đất nước Nam Thái Bình Dương tham gia “Trụ cột hai” của AUKUS, nêu rõ: “Trụ cột thứ hai của AUKUS có thể tạo cơ hội cho New Zealand hợp tác với đối tác an ninh thân cận về công nghệ mới nổi”. Hồi tháng Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Andrew Little cũng đã úp mở câu chuyện này khi khẳng định Wellington “sẵn sàng khám phá” việc tham gia chương mới của thỏa thuận, tập trung vào các công nghệ tiên tiến.

Trong nội bộ Công đảng dường như không đồng thuận quan điểm về AUKUS. Ngoại trưởng Nanaia Mahuta không mấy hào hứng với thỏa thuận này, khi trả lời giới truyền thông nhân chuyến thăm Wellington của người đồng cấp Mỹ Antony Blinken rằng, “chúng tôi không dự tính tham gia AUKUS”.

Thủ tướng Chris Hipkins lại cho thấy lập trường trung lập hơn. Hồi tháng Năm, ông cho rằng khả năng New Zealand gia nhập AUKUS vẫn chỉ là “giả thuyết”. Song tại cuộc họp báo sau đó với Ngoại trưởng Antony Blinken, nhà lãnh đạo này khẳng định chính quyền Wellington “sẵn sàng thảo luận” về tư cách thành viên AUKUS.

Trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) ngày 26/7, Thủ tướng Chris Hipkins cho biết New Zealand sẽ 'sẵn sàng đối thoại' về AUKUS. (Nguồn: AFP)

37 năm trước, Công đảng cầm quyền đã bỏ phiếu để đưa New Zealand rời ANZUS. Giờ đây, chính đảng này lại đang mở đường để Wellington tham gia AUKUS, một thỏa thuận an ninh khác với Mỹ là thành viên quan trọng.

Quyết định cuối cùng chưa chắc đã nằm trong Thủ tướng Hipkins. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo tại New Zealand sẽ diễn ra ngày 14/10. Do đó, dường như chính phủ tiếp theo mới có tiếng nói cuối cùng về gia nhập AUKUS.

Mặc dù vậy, AUKUS không phải là phương án duy nhất. New Zealand vẫn còn thời gian để tìm kiếm con đường khác, tương đồng hơn với chính sách đối ngoại độc lập hiện nay. Một trong số đó là tập trung nhiều hơn vào giảm leo thang, đối thoại và ngoại giao để hạ nhiệt địa chính trị ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của New Zealand mô tả rằng sự xuất hiện của các văn bản này “mới chỉ là sự khởi đầu” cho bước chuyển mình lịch sử của Wellington. Tuy nhiên, người xưa từng nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Tìm kiếm sự thay đổi vừa phù hợp với quá khứ, vừa thích ứng trước thời cuộc mà vẫn hướng tới tương lai sẽ là bài toán không hề đơn giản đối với chính quyền New Zealand.

(theo Responsible Statecraft)

Hải Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-lieu-chien-luoc-cua-new-zealand-buoc-chuyen-minh-la-day-237696.html