Tái hiện lịch sử qua những hiện vật sống động

Cùng với khí thế Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra sôi sục trong cả nước, 75 năm trước, Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nhất tề đứng lên giành chính quyền thắng lợi. Thông qua những hiện vật quý giá còn lưu giữ được tại Bảo tàng tỉnh cùng với một số sự kiện lịch sử, chúng ta có thể hình dung được phần nào hào khí của cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập, tự do của ông cha ta.

 Một số hiện vật thời kháng chiến chống thực dân Pháp được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh - Ảnh: ĐV

Một số hiện vật thời kháng chiến chống thực dân Pháp được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh - Ảnh: ĐV

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc tổng khởi nghĩa” của Hồ Chủ tịch và Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ngày 19/8/1945, Ban thống nhất Đảng bộ triệu tập hội nghị đại biểu toàn tỉnh. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Trần Hữu Dực làm Chủ tịch và quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh dự định khoảng từ ngày 21 đến 25/8/1945. Từ ngày 19/8/1945, cùng với Hà Nội, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã giành chính quyền thắng lợi. Trong không khí sôi sục đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong tỉnh, chiều ngày 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đã phát lệnh khởi nghĩa. Đúng 5 giờ sáng ngày 23/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị kết thúc thắng lợi.

Đến 9 giờ ngày 23/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trước tòa Công sứ Pháp, lúc này là trụ sở của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng trong toàn tỉnh trước sự reo hò như sấm dậy của quần chúng. Đêm 22, rạng ngày 23/8/1945, các phủ, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh đều đồng loạt khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Đến 6 giờ sáng ngày 24/8, tại Cam Lộ khởi nghĩa đã giành thắng lợi. Tại thị trấn Đông Hà, sáng 25/8/1945, chính quyền cách mạng đã làm chủ. Riêng huyện Hướng Hóa, trước ảnh hưởng của phong trào cách mạng ở các địa phương khác, chính quyền địch đã tự tan rã. Chính quyền cách mạng ở Hướng Hóa được thành lập vào ngày 25/8/1945. Như vậy, việc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trong toàn tỉnh đến ngày 25/8/1945 đã kết thúc thắng lợi.

Cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân đã trôi qua 75 năm, nhiều hiện vật gắn liền với sự kiện này hiện nay đã được sưu tầm và lưu giữ khá nguyên vẹn và trang trọng ở Bảo tàng tỉnh. Đó là những vũ khí như kiếm, giáo mác, rựa… được tìm kiếm và sưu tầm được từ nhà dân ở các địa phương. Tháng 5/2004, cán bộ Bảo tàng tỉnh tiến hành đợt sưu tầm hiện vật cách mạng kháng chiến giai đoạn 1930 - 1945 trên địa bàn các xã của huyện Đakrông. Tại đây đoàn đã sưu tầm được rất nhiều hiện vật, trong đó có hiện vật quý giá là cây mác có kích thước lưỡi dài 35 cm; rộng nhất 3,7cm. Cây mác được tìm thấy ở nhà ông Hồ Văn Lăng, Thôn 5, xã Hải Phúc, huyện Đakrông. Cây mác còn nguyên dạng, có mòn do quá trình sử dụng. Đầu mũi mác nhọn, lưỡi mũi được gắn vào cán dài. Mác được tra vào một cán tre dài, đây là một loại vũ khí rất phổ biến ở vùng miền núi, vừa để đánh giặc vừa để săn bắt thú. Theo như lời kể của chủ nhân hiện vật, cây mác này ông làm vũ khí để tham gia giành chính quyền năm 1945.

Cũng tại huyện miền núi Đakrông, vào tháng 5/2005, các cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh trong đợt đi sưu tầm hiện vật dân tộc học đã sưu tầm được hiện vật là chiếc kiếm tại nhà ông Hồ Văn Chuôi, bản Ly Tôn, xã Tà Long. Kiếm được đúc bằng kim loại gồm 2 phần chuôi và lưỡi, chuôi hình trụ, cong hình lưỡi liềm, lưỡi nhọn dần về phía mũi giữa chuôi và lưỡi được ngăn bằng một tấm lá kim loại hình chữ nhật. Kích thước kiếm: Thân dài 71 cm (phần chuôi dài 16 cm; phần lưỡi dài 55cm). Theo lời kể của chủ nhân thì cây kiếm này có từ đời cha ông để lại dùng để giành chính quyền năm 1945. Sau khi giành được độc lập, thực dân Pháp tiếp tục âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Cây kiếm này được ông sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và trở thành một trong những vũ khí chính của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đánh trả những trận càn của địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trước đó, trong khoảng thời gian từ 20/6/2000 đến 2/7/2000, trong đợt đi điền dã và sưu tầm hiện vật với đề tài: “Nhân dân Quảng Trị trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ” của Bảo tàng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trường Đại học Khoa học Huế, đoàn đã sưu tầm được chiếc rựa tại gia đình ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Cây rựa này có kích thước tổng thể dài 79 cm, lưỡi dài 37,5 cm, rộng bản 3,6 cm, dài cán 31,5cm. Sau khi điều tra kỹ lai lịch của hiện vật, đoàn đã làm các thủ tục đưa về kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh để nghiên cứu và làm rõ vấn đề. Theo lời kể của ông Bảy thì cây rựa này lúc đầu được lấy từ chiến khu Thủy Ba (năm 1950). Thời gian kháng chiến chống Pháp, ông Bảy thường mang theo cây rựa này để mở đường. Thời kỳ chống Mỹ, do ở địa phương bị giặc khủng bố, đàn áp nên ông Bảy phải sang hoạt động ở bờ Bắc sông Bến Hải, vợ của ông là bà Lạc ở lại bám trụ ở địa phương đã sử dụng cây rựa này để đào hầm (chặt rễ cây) nuôi giấu cán bộ cách mạng. Vợ chồng ông Bảy đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cây rựa này đã được ông bà Bảy sử dụng vào những công việc có ích cho cách mạng, đã góp phần vào sự nghiệp chung của đồng bào cả nước lần lượt đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Với ý nghĩa to lớn, tính tiêu biểu và gắn chặt với cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Quảng Trị, Bảo tàng tỉnh đã quyết định đưa những hiện vật nói trên về kho cơ sở của Bảo tàng để phục vụ nghiên cứu, bảo quản và phục vụ công tác trưng bày. Thông qua những hiện vật lịch sử này sẽ góp phần giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau. Bà Nguyễn Thị Lệ Hiền, Trưởng ban quản lý Nhà trưng bày bảo tàng, Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị cho biết, gian trưng bày Quảng Trị thời thuộc Pháp và 9 năm kháng chiến chống Pháp có tổng số 804 hiện vật, với những chất liệu chủ yếu như sành sứ, vải, đồ mộc, dệt, giấy, kim loại. Hiện vật có từ hai nguồn, đó là được đưa ra từ tỉnh Bình Trị Thiên khi chia tách tỉnh; được cán bộ Bảo tàng tỉnh sưu tầm được. Theo bà Hiền, những hiện vật gắn với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Trị không có nhiều. Tuy vậy, đây được đánh giá đều là những hiện vật quý giá, khó tìm kiếm. Cũng vì vậy, công tác bảo quản, bảo dưỡng đối với những hiện vật này luôn được chú trọng, để đảm bảo cho hiện vật luôn trong tình trạng tốt nhất nhằm trưng bày và phục vụ cho khách tham quan.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=150862