Tái diễn thủ đoạn xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng

Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội để điều tra về tội nhận hối lộ. Lợi dụng sự quan tâm của dư luận, các đối tượng xấu đã đẩy mạnh hoạt động chống phá, ra sức xuyên tạc, thổi phồng sai phạm để tấn công chính quyền.

Tham nhũng là hiện tượng tiêu cực, thể hiện ở việc người có chức vụ, quyền hạn bị tha hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền để phục vụ lợi ích cá nhân. Tham nhũng xâm phạm trực tiếp đến sự công bằng xã hội, ảnh hưởng đến tài sản nhà nước, xâm phạm đến lợi ích cộng đồng. Tham nhũng thường đi liền với các hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền, xa dân. Chính vì vậy, tâm lý chung của quần chúng là khinh ghét tham nhũng. Lợi dụng việc Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các đối tượng xấu cũng tích cực “mượn gió bẻ măng” để chống phá chính quyền. Xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải là mới. Tuy nhiên, dưới sự “múa mép” của các “nhà dân chủ”, những thông tin sai trái đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm, nhận thức của cộng đồng.

Liên quan đến việc Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam, các đối tượng xấu tung ra những luận điệu cho rằng Đảng đang “đấu đá nội bộ”, “khác phe bắt, khởi tố ngay, còn cùng phe thì đề nghị kỷ luật”. Chúng hù dọa người dân bằng luận điệu “tham nhũng là bản chất của chế độ”, “quan chức ăn hối lộ ở Việt Nam giống như chứng bệnh ung thư, mãi không bao giờ diệt được hết”. Chúng lừa lọc dư luận với quan điểm cho rằng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập sẽ không có tham nhũng”, “phải thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng mới có thể thành công trong phòng, chống tham nhũng”…

Thực tế, tham nhũng không phải là “đặc sản” và cũng chẳng phải là “sản phẩm riêng” của Việt Nam. Tham nhũng là sự tha hóa của quyền lực. Một khi quyền lực nhà nước vẫn còn tồn tại thì khi đó, tham nhũng vẫn có cơ hội nảy sinh. Ngày 13-12 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã thống nhất bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch EP đối với bà Eva Kaili do liên quan đến các cáo buộc về tham nhũng. Trước đó, các cơ quan chức năng của Bỉ đã điều tra bà Eva Kaili nhận tiền và quà từ một “quốc gia vùng Vịnh” nhằm tác động đến các quyết định tại EP. Đây là một vụ bê bối lớn và nhận được sự quan tâm không chỉ của châu Âu mà còn của cả thế giới. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đã đăng trên Facebook: “Từ giờ trở đi, Nghị viện châu Âu sẽ không thể nói về chống tham nhũng một cách đáng tin cậy”.

Quay lại với trường hợp ông Chử Xuân Dũng, việc bị khởi tố, bắt tạm giam là kết quả của quá trình mở rộng điều tra vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố liên quan đến những chuyến bay giải cứu. Ngoài những trường hợp bị xử lý hình sự, các cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm đối với những trường hợp có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 24, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, đề nghị kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, trong đó có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Khi xử lý bất cứ trường hợp nào, các cơ quan chức năng cũng phải đánh giá một cách khách quan, xem xét kỹ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm để có hình thức xử lý tương xứng. Nguyên tắc nhất quán là ai sai đến đâu thì xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định rõ các nguyên tắc: “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”, “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”. Vì vậy, không thể có chuyện thích xử lý hình sự thì xử lý hình sự, không thích xử lý hình sự thì sẽ xử lý kỷ luật như giọng điệu được các “nhà dân chủ” tuyên truyền. Quan điểm cho rằng “khác phe bắt, khởi tố ngay, còn cùng phe thì đề nghị kỷ luật” là một sự xuyên tạc trắng trợn và không thể chấp nhận.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải là việc đơn giản. Tham nhũng là hành vi được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn, nắm quyền lực. Chính vì vậy, để chống tham nhũng thành công đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất lớn. Rất may mắn khi thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã nhìn nhận rõ những tác hại của tham nhũng và kiên quyết xử lý đối với tất cả trường hợp vi phạm. Việc nhiều cán bộ, đảng viên, thậm chí là cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự không phải là do “bản chất chế độ đầy tiêu cực” như một số kẻ cố tình tuyên truyền. Đây là minh chứng rõ nhất chứng minh chúng ta không khoan nhượng, không bao che, không dung túng và không chùn bước trước tiêu cực, tham nhũng.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quyết tâm, nỗ lực, kiên quyết, kiên trì trong phòng, chống tham nhũng, lấy xử lý một vụ nhằm răn đe, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Việc phủ nhận những kết quả mà Việt Nam đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng chỉ là chiêu trò “tát nước theo mưa” của những con “ếch ngồi đáy giếng” núp bóng dân chủ, nhân quyền nhằm chống phá đất nước, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Bảo An

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/140144/tai-dien-thu-doan-xuyen-tac-cong-tac-phong-chong-tham-nhung