Tác hại khôn lường của nắng nóng cực đoan

Biến đổi khí hậu cộng hưởng với hiện tượng thời tiết El Nino đang khiến mùa hè năm nay trở thành một trong những mùa hè nắng nóng gay gắt nhất lịch sử tại nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới, tác động hết sức tiêu cực tới sức khỏe con người cũng như vật nuôi và cây trồng.

Nhiều nơi trên thế giới ghi nhận nắng nóng lên tới mức kỷ lục, tác động nghiêm trọng tới sức khỏe con người và các hoạt động sản xuất kinh doanh

Nhiều nơi trên thế giới ghi nhận nắng nóng lên tới mức kỷ lục, tác động nghiêm trọng tới sức khỏe con người và các hoạt động sản xuất kinh doanh

Nắng nóng gay gắt khắp nơi trên thế giới

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mới đây cảnh báo về một mùa hè nắng nóng gay gắt nhất từ trước tới nay ở Bắc bán cầu. Đáng chú ý, tổ chức này cho biết, nhiệt độ trên khắp thế giới dự kiến sẽ tăng cao hơn nữa, sau khi hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện trở lại ở khu vực nhiệt đới của Thái Bình Dương lần đầu tiên trong 7 năm.

Theo Tổng thư ký WMO Petteri Taalas, ở giai đoạn đầu, hiện tượng thời tiết El Nino sẽ làm tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ và gây ra nắng nóng cực đoan hơn ở Thái Bình Dương và nhiều nơi trên thế giới. Người đứng đầu WMO nhận định, 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài trong nửa cuối năm nay.

Thực tế thời gian qua cho thấy, dù mùa hè mới chỉ bắt đầu ở Bắc bán cầu nhưng nắng nóng gay gắt đã bao trùm nhiều khu vực ở châu Âu, Trung Quốc và Bắc Mỹ với dự báo nhiệt độ cao kỷ lục. Theo giới chuyên gia, đây là bằng chứng khốc liệt về những nguy cơ khí hậu Trái đất đang hậu nóng lên.

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới ngày 14-7 vừa qua đã phải kích hoạt trở lại cảnh báo ở mức vàng khi các đợt sóng nhiệt ảnh hưởng tới nhiều vùng trên cả nước. Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc dự báo nhiệt độ ban ngày ở nhiều vùng tại miền Bắc nước này và các vùng giữa sông Hoàng Hà và sông Hoài, cũng như một số vùng ở phía Nam sông Trường Giang và miền Nam Trung Quốc, lên tới mức nắng nóng gay gắt. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân Trung Quốc hạn chế hoạt động ngoài trời vào buổi chiều và những người làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao nhiều giờ dưới ánh mặt trời cần cẩn trọng.

Trong khi đó, khuyến cáo đề phòng nắng nóng cực đoan đã được đưa ra đối với hơn 100 triệu người Mỹ khi Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) dự báo thời tiết đặc biệt nguy hiểm tại các bang Arizona, California, Nevada và Texas. Cư dân ở nhiều nơi phía Nam nước Mỹ trải qua điều kiện nhiệt độ cao bất thường trong nhiều tuần. Giới khoa học cho rằng, nhiệt độ tại Thung lũng chết (Death Valley) ở sa mạc phía Nam bang California là ngang bằng hoặc cao hơn kỷ lục nóng nhất trên Trái đất. Theo dữ liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Thung lũng chết đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 56,7 độ C vào năm 1913.

Tại nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Itallia, Tây Ban Nha, Ba Lan… cũng đang trải qua điều kiện thời tiết nóng khắc nghiệt. Theo Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), tại các đảo Sicily và Sardinia của Italia nhiệt độ có thể lên tới 48 độ C và có khả năng đây là mức nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu. Cơ quan Khí tượng quốc gia Hy Lạp (EMY) cho biết, nhiệt độ trên đất liền tăng cao nhất vào các ngày 15 và 16-7, lên tới 43 độ C.

Trước đó, tháng 6 vừa qua cũng được xem là tháng 6 nóng nhất theo nghi nhận của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan theo dõi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU). Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh, thời tiết cực đoan trên thế giới bắt nguồn từ hiện tượng nóng lên của Trái đất và “thật không may đang trở thành bình thường mới”.

Theo giới khoa học, một yếu tố quan trọng góp phần vào nhiệt độ cao hơn của năm nay là hiện tượng thời tiết El Nino. Hiện tượng El Nino, xảy ra 2-7 năm/lần, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn mức trung bình ở trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương gần Xích đạo. El Nino thường kéo dài từ 9 - 12 tháng. Trong năm nay, theo ghi nhận, nhiệt độ các đại dương ở mức “cao đặc biệt”.

Trong thời gian xảy ra hiện tượng El Nino, gió thổi về phía Tây dọc theo đường Xích đạo chậm lại và nước ấm bị đẩy về phía Đông, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn. Theo WMO, El Nino thường liên quan đến lượng mưa tăng lên ở các vùng phía Nam của khu vực Nam Mỹ, miền Nam nước Mỹ, vùng Sừng châu Phi và Trung Á, song lại gây nắng nóng gay gắt và hạn hán ở nhiều khu vực khác ở Bắc bán cầu. Cách đây 7 năm, trùng với thời điểm El Nino xuất hiện năm 2016, thế giới từng ghi năm nóng kỷ lục.

Cấp bách ngăn Trái đất nóng thêm

Dù mới hoành hành chưa tới 3 tháng, nhưng hiện tượng thời tiết nắng nóng cực đoan đã tác động hết sức tiêu cực tới sức khỏe con người cũng như vật nuôi và cây trồng. Theo WMO, nắng nóng quá mức là một trong những hiện tượng khí hậu gây tử vong nhiều nhất đối với con người. Nghiên cứu gần đây cho thấy, trong mùa hè nóng kỷ lục năm 2022, châu Âu đã có hơn 61.000 người tử vong vì các nguyên nhân liên quan nắng nóng.

WMO cho rằng, cùng với mùa màng khô héo, sông băng tan chảy và tăng nguy cơ cháy rừng, nhiệt độ cao hơn bình thường do nắng nóng cực đoan gây ra các vấn đề sức khỏe của người dân như sốc nhiệt, mất nước, các vấn đề về tim mạch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, trong năm 2023- 2024, hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại virus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. Biến đổi khí hậu vì thế cũng có thể thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền.

Nắng nóng gay gắt đã và đang tác động nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh khác trên thế giới.

Liên quan tới vấn đề này, một báo cáo của Viện Kỹ sư Cơ khí (IMEchE, Anh) đã phác thảo những tác động của nhiệt độ tăng lên đối với người lao động. Theo đó, làm việc trong môi trường với nhiệt độ cao không chỉ khiến người lao động trở nên mệt mỏi, kiệt sức và mất tập trung, mà còn có nguy cơ làm gia tăng các sự cố hay tai nạn, bởi tư duy nhận thức của mọi người không nhạy bén như bình thường. Thời tiết quá nóng có thể dẫn đến mất năng suất kinh tế, ảnh hưởng tới kinh tế của quốc gia và toàn thế giới.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang chứng kiến hiện tượng thời tiết cực đoan với những diễn biến đáng lo ngại. Từ đầu mùa hè tới nay, khu vực miền Bắc và miền Trung nước ta đã trải qua 3 đợt nắng nóng, trong đó có đợt ghi nhận nhiệt độ lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, do El Nino nên nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng trong các tháng mùa khô năm 2023.

Có thể thấy, nước ta cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới đang trải qua giai đoạn hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu cộng hưởng với hiện tượng El Nino. Theo đó, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất cao hơn gần 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đã gây ra các đợt nóng gay gắt hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và các cơn bão mạnh hơn do nước biển dâng. WMO nhấn mạnh, tình trạng nắng nóng hiện nay cho thấy rõ tính cấp bách của việc chống biến đổi khí hậu, điều quan trọng nhất là giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tac-hai-khon-luong-cua-nang-nong-cuc-doan-post546010.antd