Tác dụng của cây húng quế

Húng quế không chỉ là rau gia vị, sử dụng phổ biến trong các món ăn mà còn là một trong những loại rau mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

BSCK2. Trần Ngọc Quế,Phó Viện trưởng Viện Dược liệu Toàn cầu cho biết, húng quế còn có tên khác là: Húng giổi, rau é, é tía, é quế, hương thái… Tên khoa học: Ocimum basilicum L, thuộc họ: Hoa môi (Labiatae).

Húng quế là cây thân thảo mọc quanh năm, mọc hoang dại hoặc được trồng, thân hình vuông, cao khoảng 40 - 60 cm, có khi cao hơn tùy chất đất và khoảng cách trồng. Lá hình xoan, mọc đối, các chồi thường hay đâm ra từ các nách lá nên cành húng quế thường xum xuê. Lá màu lục xanh có loại màu tím đen nhạt.

Hoa nhỏ màu trắng hay tía, mọc thành chùm đơn hay phân nhánh với những hoa mọc thành vòng có từ 5 đến 6 hoa.

Quả chứa hạt đen nhánh khi ngâm vào nước có chất nhầy màu trắng bao quanh. Rễ mọc nông, ăn lan trên mặt đất.

1. Thành phần hóa học của húng quế

BSCK2. Trần Ngọc Quế cho biết, húng quế chứa nhiều đạm (có khoảng 6% lượng protein), nhiều axit amin quan trọng như: Tryptophan, methionine, leucine… Trong húng quế có khoảng 0,4 - 0,8% tinh dầu màu vàng nhạt, thơm nhẹ, dễ chịu.

Ở nước ta hiện có nhiều vùng đã trồng trên quy mô lớn để cất tinh dầu dùng trong công nghiệp, chất thơm, mỹ phẩm… để sử dụng ở trong nước và xuất khẩu ra ngoài nước.

Húng quế là cây thân thảo mọc quanh năm, mọc hoang dại hoặc được trồng làm gia vị và làm thuốc.

2. Lợi ích của húng quế với sức khỏe

Húng quế là nguồn cung cấp vitamin K dồi dào, đặc biệt là lá húng quế khô. Vitamin K giúp xương chắc khỏe, đóng một vai trò lớn trong khả năng đông máu của cơ thể. Húng quế còn có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm, tăng cường sức khỏe tinh thần.

Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe của húng quế:

2.1. Bảo vệ khỏi tổn thương tế bào

Lá húng quế chứa nhiều chất chống oxy hóa, hợp chất tự nhiên bảo vệ tế bào của cơ thể. Các tế bào dễ bị tổn thương do stress oxy hóa khi chúng có quá nhiều gốc tự do. Cơ thể tạo ra các gốc tự do để phản ứng với căng thẳng và viêm nhiễm. Các gốc tự do cũng đến từ sự tiếp xúc với môi trường, như khói thuốc lá và bức xạ cực tím (UV). Chất chống oxy hóa hoạt động như một lá chắn chống lại các gốc tự do - và các vấn đề sức khỏe mà chúng gây ra.

Nếu không được kiểm soát, stress oxy hóa có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe bao gồm: Bệnh ung thư, tim mạch, đục thủy tinh thể, các bệnh viêm nhiễm như viêm khớp…

2.2. Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư

Một số nghiên cứu đã chứng minh tiềm năng của tinh dầu húng quế ngọt trong việc ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Trong các nghiên cứu cho thấy, húng quế ngọt đã ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư ruột kết ở người trong ống nghiệm. Húng quế cản trở khả năng phát triển và phân chia của tế bào ung thư, cuối cùng tiêu diệt chúng.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy húng quế có thể là một công cụ phòng ngừa ung thư hiệu quả, nhưng cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn trên người để xác nhận những kết quả đầy hứa hẹn này và hiểu rõ mọi người nên tiêu thụ bao nhiêu húng quế.

2.3. Hỗ trợ kiểm soát huyết áp và cholesterol

Y học cổ truyền Trung Quốc đã dùng húng quế điều trị bệnh tim mạch trong nhiều thế kỷ. Các nghiên cứu đã cho thấy húng quế có thể hỗ trợ làm giảm huyết áp cao và cải thiện mức cholesterol.

Ngoài ra, húng quế có chứa eugenol, một loại dầu có thể giúp hạ huyết áp bằng cách thư giãn mạch máu.

2.4. Cải thiện lượng đường trong máu

Cả nghiên cứu trên người và trong phòng thí nghiệm đều cho thấy khả năng đặc biệt của húng quế trong việc quản lý lượng đường trong máu. Các nhà khoa học quan sát thấy rằng chiết xuất húng quế góp phần làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở các mô hình phòng thí nghiệm về bệnh tiểu đường.

Các nghiên cứu trên người đang ở giai đoạn đầu nhưng cũng cho thấy một số lợi ích tiềm năng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và bệnh đái tháo đường type 2. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về tác động của các loại húng quế khác nhau đối với sức khỏe lượng đường trong máu.

2.5. Tăng cường sức khỏe tinh thần

Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ húng quế hàng ngày có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe tinh thần. Trong 4 nghiên cứu khác nhau trên người, húng quế thánh đã được chứng minh là:

Tăng cường chức năng nhận thức bao gồm trí nhớ ngắn hạn và sự chú ý.
Cải thiện tâm trạng.
Giảm căng thẳng và lo lắng.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tinh dầu húng quế có khả năng làm giảm chứng trầm cảm, căng thẳng và mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác.

3. Cách thêm húng quế vào chế độ ăn uống lành mạnh

Húng quế có thể dùng tươi hoặc khô. Hương vị húng quế khô có xu hướng mạnh hơn khi dùng tươi. Vì vậy, nếu bạn dùng húng quế khô, nên sử dụng từ ½ đến 1/3 lượng húng quế tươi mà bạn cần.

Một số loại húng quế, như húng quế ngọt và húng quế Ý, tốt nhất nên dùng tươi để trang trí. Những loại khác, như húng quế Thái, có thể chịu nhiệt và nấu chín được.

Húng quế không chỉ kích thích vị giác mà còn giúp cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu bạn muốn thêm húng quế vào chế độ ăn uống của mình để cải thiện một tình trạng bệnh lý cụ thể, trước tiên cần xem xét nguồn thực phẩm chứ không phải thực phẩm bổ sung và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi đưa húng quế vào thói quen ăn uống hàng ngày.

Điều này có thể giúp bạn đảm bảo rằng ăn khi ăn húng quế sẽ không tương tác với bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng, vì húng quế có thể tương tác bất lợi với một số loại thuốc như: Thuốc làm loãng máu (húng quế có thể làm tăng loãng máu và nguy cơ chảy máu), đường huyết hoặc huyết áp có thể xuống quá thấp khi ăn húng quế cùng với thuốc điều trị những vấn đề này.

Bảo Lâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tac-dung-cua-cay-hung-que-169240504144004092.htm