Tác động của vụ động đất tại Đài Loan (Trung Quốc) với ngành công nghiệp bán dẫn

Theo các đánh giá ban đầu, trận động đất hôm 3/4 dù mạnh, nhưng thiệt hại đối với Đài Loan (Trung Quốc) đã được hạn chế rất nhiều nhờ sự chuẩn bị tốt. Trận động đất cũng được xem là một bài kiểm tra đối với ngành sản xuất chip bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc), khi hòn đảo này là nơi sản xuất 80 – 90% vi mạch tiên tiến thế giới.

Ngay sau khi vụ động đất xảy ra, các nhân viên tại các nhà máy của TSMC, công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới, đã được sơ tán. Đến chiều qua, một số cơ sở đã bắt đầu hoạt động trở lại. Theo nhận định của truyền thông thế giới, dù các nhà sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) đã dành nhiều năm để tăng cường cấu trúc để chống lại thiên tai, nhưng trận động đất hôm qua vẫn sẽ tác động phần nào đến ngành sản xuất chip bán dẫn.

Tờ Wall Street Journal cho rằng, TSMC sẽ chịu thiệt hại đầu tiên. Dù phía công ty cho biết, vụ động đất không gây thiệt hại đối với các công cụ quan trọng, nhưng theo Wall Street Journal, sự phức tạp của thiết bị và vật liệu được sử dụng để chế tạo chất bán dẫn đồng nghĩa với việc vụ động đất có thể gây ra những thiệt hại khó nhìn thấy bằng mắt thường.

Các tấm silicon được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi môi trường xử lý và kiểm soát chính xác đến từng nanomet. Việc tạm dừng sản xuất cũng có thể làm hỏng một số chip tiên tiến nhất của TSMC, vốn cần được bảo trì trong trạng thái chân không trong nhiều tuần. Đo đó sẽ càng làm trầm trọng thêm sự chậm trễ trong sản xuất. Ngoài ra, việc tái khởi động chuỗi sản xuất có thể tiêu tốn của công ty này hàng chục triệu USD.

Theo hãng tin Reuters, các trục trặc này có thể lan ra toàn cầu và gây ra những tổn thất về ngắn hạn đối với ngành công nghiệp sản xuất điện tử. Thiệt hại sẽ không chỉ giới hạn ở các nền kinh tế lớn tập trung vào các sản phẩm ở đầu nguồn như Nhật Bản và Hàn Quốc, mà cũng sẽ tác động tới các nước chuyên sản xuất các sản phẩm cuối như Trung Quốc và Việt Nam.

Trong khi đó, thế giới vốn đang ở trong tình trạng thiếu chip bán dẫn sau đại dịch Covid-19 bởi nhu cầu về các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, laptop, hay máy tính để bàn lại đang tăng mạnh. Và các báo cáo gần đây cho thấy, nhiều công ty điện tử đang có mức chip tồn kho tương đối thấp, điều có thể dẫn tới việc thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn, khiến một số sản phẩm bị tăng giá.

Theo hãng tin CNN, mặc dù trận động đất ngày 3/4 dường như không tác động lâu dài đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn, nhưng nó cũng phản ánh những rủi ro khi lượng lớn vi mạch thế giới được tập trung sản xuất tại một địa điểm. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất chip và chính phủ nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã đầu tư hàng tỷ USD vào nỗ lực đa dạng hóa hoạt động sản xuất chip. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng quá trình này diễn ra chưa đủ nhanh. Theo giáo sư David Bader của trường Đại học New Jersey của Mỹ, sự mong manh của ngành công nghiệp bán dẫn vẫn sẽ tiếp tục trong vài năm tới, cho đến khi có một nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn như của TSMC, ở khu vực ít nóng hơn về địa chính trị.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Q.T

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tac-dong-cua-vu-dong-dat-tai-dai-loan-trung-quoc-voi-nganh-cong-nghiep-ban-dan-217044.htm