Tác chiến phòng không đánh thắng trận đầu

Chiến công đánh thắng trận đầu đối với không quân Mỹ ngày 5-8-1964 của quân và dân miền Bắc đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như một sự kiện quân sự tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam; đồng thời để lại những kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là nghệ thuật tác chiến phòng không với những nội dung cơ bản sau.

Một là, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, chuẩn bị tốt thế trận phòng không.

Để chuẩn bị chiến tranh phá hoại miền Bắc, từ ngày 17-2-1964, Mỹ đã tăng cường các hoạt động thu thập tin tức, phát hiện hệ thống phòng không, radar, căn cứ quân sự của ta; đồng thời hỗ trợ ngụy quân Sài Gòn đẩy mạnh chống phá miền Bắc. Ngày 7-4-1964, Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ thông qua kế hoạch chọn 94 mục tiêu cần đánh phá ở miền Bắc và dự kiến hoàn thành việc đánh phá trong 12 ngày. Tiếp đó, tàu biệt kích ngụy Sài Gòn bắn pháo vào đảo Hòn Ngư (Nghệ An), Hòn Mê (Thanh Hóa) vào đêm 30, rạng sáng 31-7; tàu Maddox thuộc Biên đội xung kích 77 (Hạm đội 7 Mỹ) xâm phạm vùng biển miền Bắc (1-8)... Đặc biệt, đêm 4-8, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, tạo cớ chính thức mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta.

Bộ đội pháo cao xạ Tiểu đoàn 217 (Trung đoàn 240, Quân chủng Phòng không - Không quân) bắn máy bay Mỹ bảo vệ vùng mỏ Quảng Ninh, ngày 5-8-1964. Ảnh tư liệu

Trước âm mưu, thủ đoạn chuẩn bị chiến tranh của Mỹ, tháng 6-1964, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ”; đồng thời chỉ thị cho cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác phòng không nhân dân. Trước mắt chấn chỉnh và tăng cường hệ thống phòng không bảo vệ những khu vực, mục tiêu quan trọng, lấy lực lượng phòng không và hải quân làm nòng cốt, phát động phong trào dân quân, tự vệ dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay địch. Đến giữa năm 1964, công tác chuẩn bị về thế trận tác chiến phòng không của Quân chủng Phòng không-Không quân và Quân chủng Hải quân cơ bản hoàn thành. Quân và dân miền Bắc đã có bước chuẩn bị tốt cả về tinh thần, lực lượng và thế trận, sẵn sàng đánh địch trên thế chủ động, không bị bất ngờ trong mọi tình huống.

Hai là, xác định khu vực, mục tiêu địch đánh phá; tổ chức quan sát, phát hiện, thông báo kịp thời cho các lực lượng phòng không đánh trả máy bay địch.

Trong tác chiến phòng không, xác định những khu vực, mục tiêu để bảo vệ là vấn đề rất quan trọng. Trước tình hình địch dùng máy bay trinh sát, tung các toán biệt kích ra phá hoại, gây rối ở cầu Hang (Thanh Hóa), tập kích Nhà máy nước Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An), cuối tháng 7-1964, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân và Quân chủng Hải quân sẵn sàng chiến đấu; đồng thời dự kiến các căn cứ hải quân, trận địa phòng không và các cơ sở hậu cần, kỹ thuật của ta ở ven biển từ Quảng Bình trở ra địch sẽ tập trung đánh phá, như: Cảng sông Gianh (Quảng Bình); Bến Thủy-Vinh (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) và Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Trước những hành động phá hoại trắng trợn của địch, Đảng ta nhận định: Từ các hoạt động phá hoại, chúng sẽ chuyển thành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc (theo cuốn "Chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ", tập II, NXB QĐND, năm 1983). Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân và Quân chủng Hải quân tăng cường bảo vệ các khu vực, mục tiêu quan trọng, trong đó chú trọng tổ chức mạng lưới quan sát, thông báo, báo động phòng không ở các cấp. Nhờ chuẩn bị chu đáo, các vọng quan sát phòng không, đài radar cảnh giới của ta đã phát hiện máy bay địch ngay từ đầu và thông báo cho các đơn vị phòng không, hải quân và dân quân, tự vệ kịp thời đánh trả.

Ba là, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân.

Trong tác chiến phòng không, tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, quyết định hiệu quả của trận đánh. Mở đầu trận chiến đấu ngày 5-8-1964 diễn ra ở Cửa Hội-Vinh (Nghệ An) lúc 12 giờ 30 phút, Trung đoàn Phòng không 280 tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với tàu của các phân đội thuộc Đoàn 135 Hải quân, lực lượng phòng không trên đảo Hòn Ngư và dân quân, tự vệ các địa phương kiên cường đánh máy bay địch. Sau đó 10 phút, tại cảng sông Gianh, tàu của các phân đội hải quân hiệp đồng chặt chẽ với các trận địa phòng không trên hai bờ sông Gianh, gồm tự vệ ngư trường sông Gianh, đồn công an nhân dân vũ trang, lực lượng dân quân một số xã thuộc huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn) và huyện Bố Trạch (Quảng Bình) kịp thời đánh chặn các đợt ném bom, bắn phá của địch.

Tiếp đó, các đơn vị hải quân, phòng không phối hợp với dân quân, tự vệ kiên cường chiến đấu tiêu diệt máy bay Mỹ ở Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh). Nhờ tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, trận chiến đấu của bộ đội phòng không phối hợp với bộ đội hải quân, lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh (từ 12 giờ 30 phút đến 17 giờ ngày 5-8-1964) đã kết thúc thắng lợi. Kết quả, ta bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc, bắt sống và tiêu diệt nhiều phi công Mỹ. Chiến công đánh thắng trận đầu đã ghi dấu ấn mở đầu thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi trận đầu ngày 5-8-1964 của Bộ đội Hải quân và quân, dân miền Bắc đối với không quân Mỹ thể hiện bước phát triển của nghệ thuật tác chiến phòng không, trong đó nổi bật là nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, xác định những khu vực, mục tiêu bảo vệ; tổ chức quan sát, phát hiện, thông báo kịp thời và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân. Kinh nghiệm tác chiến phòng không đánh thắng trận đầu vẫn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển sáng tạo, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

DƯƠNG ĐÌNH LẬP

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/tac-chien-phong-khong-danh-thang-tran-dau-737445