SV tốt nghiệp khối ngành ngôn ngữ tại UTM có cơ hội việc làm, mức lương ra sao?

Sinh viên tốt nghiệp khối ngành ngôn ngữ có thể hòa nhập nhanh chóng vào thị trường lao động trong và ngoài nước với nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế, các ngành như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc… được đánh giá có triển vọng nghề nghiệp rộng mở, đa dạng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM), các ngành học thuộc khối ngành Ngôn ngữ được nhiều thí sinh lựa chọn theo học. Sau khi tốt nghiệp, các bạn có được những cơ hội việc làm với mức lương khởi điểm khá hấp dẫn.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các cựu sinh viên các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Trung Quốc của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.

Trịnh Thị Thu (cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh) cho biết, hiện cô đang làm giáo viên tại một trung tâm Tiếng Anh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trịnh Thu đánh giá, Ngôn ngữ Anh là ngành học có nhiều triển vọng và cơ hội nghề nghiệp rộng mở, nhưng cũng là ngành học khá đặc thù và có độ khó, đòi hỏi người học phải có nền tảng ngoại ngữ và sự kiên trì, đam mê. Bởi nếu chọn ngành này mà không tìm hiểu kỹ thì sẽ rất chật vật để theo đuổi nó đến cùng.

Nhiều em chọn các ngành liên quan đến ngoại ngữ vì nhận thấy triển vọng nghề nghiệp rộng mở. Ảnh minh họa: UTM.

"Ngành Ngôn ngữ Anh khá đặc thù, thiên về nghiên cứu ngôn ngữ, sinh viên được trang bị kỹ năng chuyên sâu về thực hành tiếng, kỹ năng phân tích, tổng hợp và đánh giá các vấn đề liên quan tới chuyên ngành. Khi học đến phần nào thì sẽ được thực hành đến phần đó nên việc tiếp nhận kiến thức cũng có phần thuận lợi hơn. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, tôi nhận thấy ngành này có cơ hội việc làm rất đa dạng.

Các công việc có thể làm như biên - phiên dịch hay hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giảng dạy... Mức lương khởi điểm trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí công việc cũng như đơn vị tuyển dụng. Khi đã có thâm niên và kinh nghiệm thì mức thu nhập sẽ cao hơn. Ngoài giờ làm việc, nếu có khả năng ngoại ngữ, bạn cũng có thể nhận thêm những công việc khác để gia tăng thu nhập cho bản thân", Trịnh Thu cho hay.

Còn Hoàng Thị Thu Hương (cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga, hiện đang phụ trách mảng tin học, ngoại ngữ và giảng dạy tiếng Nga tại một trường đại học) cho rằng, muốn theo đuổi ngành này sinh viên phải thật sự có quyết tâm cao. Bởi Ngôn ngữ Nga là ngành học đặc thù, có độ khó và cách học cũng khá phức tạp.

Theo học ngành Ngôn ngữ Nga, sinh viên được trang bị kiến thức tổng quát về các nhóm ngành khoa học nhân văn và xã hội; có khả năng vận dụng kiến thức khoa học cơ bản trong các lĩnh vực hoạt động của đời sống; có hiểu biết về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa và môi trường của Việt Nam và thế giới.

Quá trình học đại học, các em cũng có kiến thức nền tảng cơ bản và chuyên sâu về tiếng Nga, kiến thức nền tảng về văn hóa, văn học, xã hội, lịch sử - địa lý của nước Nga, kiến thức chuyên ngành về dịch thuật tiếng Nga, tiếng Nga thương mại và du lịch...

Cùng trao đổi với phóng viên, Đỗ Thành Công (cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc) cảm thấy hài lòng vì đã học thêm ngành này. Trước đó, Công làm công việc liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.

"Tôi học Ngôn ngữ Trung Quốc một phần vì nhận thấy đây là một ngành học thú vị, có thể giúp tôi tìm kiếm và hiểu được các tài liệu tiếng Trung Quốc, hỗ trợ rất tốt công việc của tôi. Theo tôi, đây cũng là ngành học mở ra nhiều cơ hội công việc với các lĩnh vực khác nhau như du lịch, nghiên cứu, giảng dạy", Thành Công cho biết.

Theo đó, sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, người học có thể làm ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Chương trình đào tạo chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc trình độ đại học cung cấp cho sinh viên kiến thức lý thuyết cơ bản về ngôn ngữ Trung Quốc như ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng; cung cấp kiến thức chuyên ngành phiên dịch tiếng Trung Quốc, bảo đảm cho sinh viên đạt được trình độ nghiệp vụ đủ để hoạt động và công tác có hiệu quả trong các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ phiên dịch như hướng dẫn viên du lịch quốc tế, biên dịch và biên tập cho các cơ quan truyền thông và các hoạt động dịch vụ khác cần sử dụng ngôn ngữ này.

Chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng và liên ngành

Để có thêm thông tin tổng quát về một số ngành học trong khối ngành ngôn ngữ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Sơn cho biết: "Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị hiện đào tạo 3 ngành trong nhóm ngành ngôn ngữ, đó là: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Trung Quốc. Ngoài ra các ngành đào tạo khác của trường với các học phần ngoại ngữ, sinh viên có thể tự do đăng ký lựa chọn học các ngoại ngữ như Tiếng Anh, Hàn Quốc, Nga, Nhật, Trung Quốc tùy theo định hướng và sở thích của bản thân.

Những năm gần đây, chương trình đào tạo các ngành ngôn ngữ của nhà trường được điều chỉnh theo hướng ứng dụng và liên ngành để đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên môn một năm sau khi tốt nghiệp luôn đạt trên 90%.

Nhà trường đã đưa vào chương trình nhiều môn học có tính ứng dụng, liên ngành như ngoại chuyên sâu về: du lịch, kinh tế, công nghệ thông tin, báo chí, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, tài chính – ngân hàng…..đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện nay, thêm cơ hội việc làm thú vị cho sinh viên sau khi tốt nghiệp".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Thi Thi.

Cũng theo thầy Sơn, sinh viên khi theo học các ngành ngôn ngữ tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị còn được tham gia học tập trải nghiệm tại các trường đại học trên thế giới theo các chương trình hợp tác quốc tế của nhà trường.

Về cơ hội việc làm, thầy Sơn cho rằng, sinh viên tốt nghiệp khối ngành ngôn ngữ có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, với mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng hoặc có thể cao hơn. Bên cạnh đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ để trở thành chuyên gia/giảng viên chính, giảng viên cao cấp trong các viện nghiên cứu có liên quan.

Sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành ngôn ngữ cũng có thể hòa nhập nhanh vào thị trường lao động trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau như biên dịch, phiên dịch, giáo viên các cấp từ trung học phổ thông thông tới đại học, biên tập viên tại ở các cơ quan thông tấn báo chí, nhà xuất bản, biên kịch tại hãng sản xuất phim, truyền thống, sản xuất nội dung, hướng dẫn viên hay quản lý du lịch, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam….

"Hiện tại, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị có quan hệ đối tác với nhiều trường đại học ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga, Anh, Cuba, Venezuela... Vì vậy, sinh viên có cơ hội được đi thực tế, trải nghiệm ở các nước này.

Đặc biệt năm 2024, 100% sinh viên trúng tuyển hệ đại học chính quy sẽ được nhà trường sắp xếp chỗ ở miễn phí tại ký túc xá (nếu sinh viên có nhu cầu), sinh viên các khối ngành còn lại khi đăng ký học song bằng với các chuyên ngành thuộc khối ngành ngôn ngữ được nhà trường cấp học bổng bằng 50% học phí", thầy Sơn cho biết thêm.

Điểm khác biệt khi học khối ngành ngôn ngữ tại UTM

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Sơn cũng chia sẻ một số điểm khác biệt khi học Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nga và Ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đi thực tế tại Trung Quốc. Ảnh: NTCC.

Đối với ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc, cấu trúc chương trình gồm 5 khối kiến thức và kỹ năng rõ ràng: không chỉ kiến thức chuyên môn về ngôn ngữ, xã hội mà còn chú trọng kiến thức căn bản của lĩnh vực thương mại hoặc công nghệ thông tin để có thể dễ dàng ứng dụng ngôn ngữ trong các lĩnh vực trên. Sinh viên được phát triển cá nhân và thực hành tại doanh nghiệp.

Mỗi giai đoạn được đào tạo định hướng để sinh viên chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho việc phát huy khả năng của bản thân, lĩnh hội cao nhất kiến thức và kỹ năng cần thiết

Giai đoạn học tập thực tế tại doanh nghiệp là điểm khác biệt đặc biệt, không chỉ giúp sinh viên củng cố, áp dụng kiến thức và kỹ năng đã được tích lũy mà qua đó các em tự khám phá, lên kế hoạch học tập, rèn luyện những kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp hoặc kỹ năng mềm khác cần tích lũy. Qua đó có thái độ học tập tốt hơn nữa trong giai giai đoạn học tiếp theo ở nhà trường để có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội.

Ngoài ra, các khối kiến thức được thiết kế vừa đảm bảo tính tích lũy, vừa kích thích sự hứng khởi của sinh viên bằng việc học các kiến thức khối ngành ngay từ học kỳ đầu tiên và được kéo dài dàn trải trong nhiều học kỳ tiếp theo. Các môn học tích hợp: Học kiến thức chuyên môn với sử dụng công nghệ thông tin.

Đối với ngành Ngôn ngữ Nga, sinh viên có thể sử dụng hiệu quả các kiến thức có được, đặc biệt là kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa Nga - Việt... Có kỹ năng giao tiếp tốt bằng văn bản và lời nói (trao đổi, thuyết trình). Các em cũng có kỹ năng thu thập, phân tích, xử lý thông tin liên quan đến công việc và sử dụng hiệu quả các thông tin thu được; kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả, giải quyết và xử lý vấn đề, kỹ năng nhận xét và phản biện. Sinh viên có năng lực phát triển nghề nghiệp, có khả năng tự đánh giá, tự học và tự rèn luyện nhằm nâng cao năng lực bản thân, chất lượng, hiệu quả công việc.

Bên cạnh đó, nhà trường có chính sách miễn, giảm học phí toàn khóa cho sinh viên học tiếng Nga. Đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số, con thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng được giảm tiếp 20% học phí.

Đặc biệt, sinh viên được tham dự kỳ thi Olympic tiếng Nga toàn quốc được tổ chức vào tháng 3 hàng năm để thụ hưởng học bổng của Nga và Việt Nam đi học tại Liên Bang Nga hết chương trình thạc sĩ.

Ngoài ra, các em cũng được học song bằng, chọn 1 trong các chuyên ngành sau: Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Du lịch, Luật kinh tế, Quản lý nhà nước (lấy bằng đại học chính quy).

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sv-tot-nghiep-khoi-nganh-ngon-ngu-tai-utm-co-co-hoi-viec-lam-muc-luong-ra-sao-post241758.gd