Suýt chết do sốc phản vệ với thuốc bôi ngoài da Diclofenac

Do mắc bệnh trĩ, người đàn ông dùng thuốc bôi ngoài da và thuốc đặt hậu môn Diclofenac để điều trị trĩ. Không ngờ ông xuất hiện xuất hiện khó thở, thở rít, mức độ khó thở ngày càng tăng, kèm theo ngứa và nổi ban đỏ toàn thân, được người nhà đưa tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103.

Theo đó, ông Phạm Phú L, 65 tuổi ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội nhập viện BV quân y 103 trong tình trạng thở ngáp cá, mất ý thức, không bắt được mạch bẹn và mạch cảnh, huyết áp không đo được, da tím tái. Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trĩ nội và dị ứng với nhiều loại thuốc.

Bệnh nhân sau phẫu thuật trĩ gặp sốc phản vệ độ 4 với thuốc Diclofenac đường dùng ngoài da

Bệnh nhân sau phẫu thuật trĩ gặp sốc phản vệ độ 4 với thuốc Diclofenac đường dùng ngoài da

Khai thác bệnh sử, được biết, sáng cùng ngày nhập viện cấp cứu (ngày 21/12/2023), bệnh nhân thắt búi trĩ tại một bệnh viện, sau đó về nhà dùng thuốc uống theo đơn. Đến tối, ngay sau khi bệnh nhân bôi thuốc ngoài da và đặt hậu môn thuốc Diclofenac để điều trị bệnh trĩ thì xuất hiện khó thở, thở rít, mức độ khó thở ngày càng tăng, kèm theo ngứa và nổi ban đỏ toàn thân, được người nhà đưa tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103.

Các bác sĩ nhận định, đây là trường hợp ngừng tim phổi do sốc phản vệ độ 4 với thuốc Diclofenac đường dùng ngoài da trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trĩ nội độ 2-3 được thắt vòng cao su giờ thứ 10.

Bệnh nhân được xử trí cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ, kết hợp đồng thời với cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng nhiều biện pháp kĩ thuật chuyên sâu như đặt ống nội khí quản, thở máy thông khí nhân tạo, kiểm soát huyết động, cân bằng dịch điện giải và toan kiềm, hoàn thành các xét nghiêm…

Sau khoảng 5 phút cấp cứu tích cực, tim bệnh nhân đập trở lại, đồng tử co nhỏ, phản xạ ánh sáng dương tính, da hồng ấm trở lại. Tiếp tục theo dõi trong khoảng 1 giờ, bệnh nhân tiến triển tốt, huyết động ổn định.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển Khoa Hồi sức Nội tiếp tục được theo dõi và điều trị, được rút ống nội khí quản sau 6 giờ. Tình trạng bệnh nhân sau đó ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, theo dõi 24 giờ sau không có diễn biến bất thường, xuất viện sau 36 giờ điều trị.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phản vệ được chia 4 mức độ, trong đó độ 1 (nhẹ), độ 2 (nặng), độ 3 (nguy kịch) và độ 4 (ngừng tim phổi).

Hiện nay, có nhiều người nghĩ rằng chỉ có thuốc dùng đường uống hoặc đường tiêm truyền mới gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở bệnh nhân sốc phản vệ này xảy ra ngay sau khi sử dụng thuốc Diclofenac đường bôi ngoài da. Tuy ít gặp hơn so với đường uống và tiêm truyền nhưng thuốc bôi ngoài da vẫn có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Khi bị phản vệ, bệnh nhân cần được cấp cứu nhanh chóng, đúng phác đồ, tại cơ sở y tế gần nhất. Dị ứng có thể xảy ra với bất kì ai, đặc biệt hay xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng. Thuốc dùng đường uống, tiêm truyền và bôi ngoài da đều có thể gây phản vệ. Trước khi dùng thuốc người bệnh nên tư vấn bác sĩ và đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Đào Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/suyt-chet-do-soc-phan-ve-voi-thuoc-boi-ngoai-da-diclofenac-169240130202108243.htm