Suối lạc lưng chừng núi

Ra trường, bố tôi xin về công tác ở huyện miền núi này. Và đúng như nguyện ước của đấng sinh thành, chàng kĩ sư cầu đường giỏi giang kết duyên với cô giáo xinh xắn nhất bản. Nhưng không hiểu sao ngay trong đêm tân hôn, cô dâu trẻ len lén lần xuống cầu thang rồi chạy ào ra cái cọn nước bên suối ngồi khóc. Trăng vỡ òa. Nước chảy róc rách như tiếng nấc nghẹn ngào thổn thức.

Những vạt nắng yếu ớt chưa kịp dắt díu nhau trườn về phía Tây thì mây đã giăng trắng triền núi. Hoa cúc quỳ nở vàng hai bên đường dẫn về bản như cố gom chút sắc ấm của ngày để nhen vào đêm. Mỗi lần bước trên con đường này, khi đôi chân mỏi rã, tôi lại nhủ thầm: thôi cứ để mọi chuyện diễn ra như nó vốn thế, đừng cố khơi lên những điều vốn đã muốn chìm lặng xuống.

Nhưng cứ ngước nhìn cái thác Khuổi Chia như một tấm voan lụa vắt hờ trên triền núi trước mặt thì có điều gì đó lại nghèn nghẹn ở lồng ngực của đứa trai đôi mươi dằng dặc một nỗi nghi ngờ chưa thể hóa giải, vừa khao khát quyết tâm khám phá bí mật cho thỏa mối nghi ngờ truyền kiếp, vừa run rẩy lo sợ niềm tin yêu bị đổ vỡ. Ánh mắt vằn đỏ dữ dội trong cơn say của bố, sự nhẫn nhịn cam chịu đến vô lý của mẹ, tiếng khóc ri rỉ đáng thương của em Yên; tất cả cứ cuộn xoáy trong tôi thành nỗi ám ảnh miên man…

Tôi đứng lặng dưới chân cầu thang. Trên nhà đã le lói ánh đèn. Tôi nghe rõ cả tiếng củi cháy lách tách. Mùi ngô nướng thơm lừng theo gió thoảng qua khiến tôi tưởng như mình đang ngồi trước cái bếp lửa ấm sực ấy, xuýt xoa hít hà cầm cái đóm bên ống tre cạo muội than dính ở bắp ngô. Tôi chợt giật mình bởi một tràng ho rũ rượi phát ra, ho tưởng như móc cuống họng, ho như lôi cả ruột gan ra ngoài. C

ơn ho vừa dứt, tôi nghe thấy tiếng rót nước và tiếng dỗ dành ân cần. Mùi thuốc bắc tỏa ra ngào ngạt. Tim tôi bỗng như có cái cối xay ngô chẹn ngang. Lẽ ra tiếng dỗ dành ấm áp ấy chỉ dành cho bố con tôi. Bố tôi hiện giờ cũng sắp phải vào bệnh viện để phẫu thuật cái khối u ở phổi, anh em tôi đã bàn nhau sắp xếp vừa đi học vừa chăm bố. Còn mẹ tôi lại có thời gian đi chăm người khác ở ngay chính ngôi nhà tuổi thơ của chúng tôi thế này ư?

*

Ông nội và ông ngoại tôi là bạn chiến đấu cũ. Trong một trận chiến cam go, ông nội đã cứu ông ngoại thoát chết. Người miền núi, kẻ miền biển đã kết nghĩa anh em, hứa hẹn sẽ thành thông gia nếu như có duyên. Và mọi sự đúng như cái duyên trời định dẫu có trắc trở gập ghềnh chứ chẳng êm xuôi như lòng người khao khát.

Sau khi phục viên, ông ngoại tôi đi học Trung cấp Nông lâm rồi về làm cán bộ huyện. Bà ngoại không may mắn đường sinh nở, mang thai ba bốn bận mà không giữ được, tưởng như đã uống hết cả vạt lá thuốc ở cánh rừng trước mặt mới sinh được mẹ tôi, nhưng sau đó lại mắc chứng hậu sản, người mong manh như vệt nước quệt ngang phiến đá. Ông nội tôi trở về gắn bó với biển và những chuyến ra khơi vời vợi mưu sinh.

Ông bà nội cũng chỉ sinh được một mình bố tôi. Khi bố tôi lên mười, trong một chuyến ra khơi giông bão bất ngờ, ông nội nằm lại biển khơi thăm thẳm, gieo cái tiếng sát phu cho người thiếu phụ còn xuân sắc. Bà nội đi bước nữa, nhưng hạnh phúc chưa kịp hồi sinh thì bà cũng qua đời sau một cơn cảm mạo, bỏ lại đứa con trai bơ vơ ngơ ngác tuổi mười lăm.

Ông ngoại tôi đã lặn lội về xuôi đưa bố tôi lên học hết cấp ba ở Trường Dân tộc nội trú huyện rồi về Hà Nội học đại học. Ra trường, bố tôi xin về công tác ở huyện miền núi này. Và đúng như nguyện ước của đấng sinh thành, chàng kĩ sư cầu đường giỏi giang kết duyên với cô giáo xinh xắn nhất bản. Nhưng không hiểu sao ngay trong đêm tân hôn, cô dâu trẻ len lén lần xuống cầu thang rồi chạy ào ra cái cọn nước bên suối ngồi khóc. Trăng vỡ òa. Nước chảy róc rách như tiếng nấc nghẹn ngào thổn thức.

Bố từng kể cho tôi nghe về đêm trăng ấy với nỗi tê tái ghim trong lồng ngực suốt bao năm nay. Giọng bố trầm đục, ánh mắt u uẩn vảng vất những tia hờn giận xa xót. Bố thật lòng yêu mẹ chứ không chỉ là tình nghĩa bắt nguồn từ sự hàm ơn. Khi ông ngoại dẫn mẹ đến thăm bố ở Trường Dân tộc nội trú, bố ngập ngừng chìa tay nhận cái túi thổ cẩm, bắt gặp ánh mắt trong veo của cô thiếu nữ ấy, trái tim bố đã loạn nhịp, lời cảm ơn cứ mắc lại trong ngực.

Khi về Hà Nội học Đại học Giao thông, bố cũng trải qua vài mối tình sinh viên nhưng không thể quên được cô sơn nữ có vẻ đẹp thuần khiết như nước suối ấy. Để rồi mặc dù có cô tiểu thư Hà Nội si mê sẵn lòng đón bố về căn chung cư hiện đại cùng một công việc thật tốt ở Bộ mà bố vẫn quyết tâm trở lại với bản làng mù sương. Nhưng trớ trêu thay, tình nghĩa của đấng sinh thành, tình yêu ăm ắp của bố không đủ để nụ cười nở trên môi mẹ kể từ sau đêm trăng ấy. Những đêm sau, đêm sau nữa, hễ bàn tay ấm áp của bố run run chạm vào bờ vai mảnh dẻ của mẹ thì mẹ lại co người cố lùi sát vào vách, hơi thở như nín lại trong lồng ngực. Bố quay lưng thở dài, bẽ bàng xa xót.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Bố không dám thổ lộ cho ai biết cái sự trớ trêu ấy, kể cả ông ngoại, người mà bố đã coi như cha đẻ. Nửa năm trôi qua, thấy cái bụng của mẹ vẫn cứ phẳng lì, ông ngoại cười khà khà vỗ vai động viên con rể mà ánh mắt ngàn ngạt âu lo. Ông lặn lội đi mua những thang thuốc lá, hì hụi sắc đặc, ăn cơm tối xong đưa cho mẹ uống. Những bát thuốc đắng nghét ấy mẹ mang vào buồng, len lén đổ thấm vào một cái khăn thổ cẩm và sáng hôm sau dậy sớm mang cái khăn ấy ra suối giặt sạch.

Ngày ngày, mẹ vẫn đến trường, ngôi trường nằm bên dòng Khuổi Chia, ngọn thác đổ từ đỉnh núi xuống lưng chừng rồi len lỏi chảy ngang về phía sườn bên kia chứ không xuôi xuống thung lũng hòa vào dòng Nà Ka, tối về mẹ vẫn cùng bà ngoại xay ngô, dệt thổ cẩm. Bố vẫn vượt hơn ba chục cây số đường đèo, một tuần đôi ba lần về nhà, thay ông ngoại chẻ củi, bắc lại cái guồng nước, ghim lại cái chuồng dê đã lung lay sau bao mùa gió.

Bố như cái cột trong nhà, dựa đỡ cây cột cái là ông ngoại đang yếu dần. Bố mẹ ít khi nói cười với nhau, ông bà ai cũng hiểu tính mẹ nhu mì ít nói, nhưng cứ trông ánh mắt ấm áp của bố nhìn mẹ, cái cử chỉ ân cần gỡ từng mảnh xương cá hay khẽ khàng xách ấm nước nóng vào buồng pha cho mẹ ngâm chân thì ông bà chẳng ngờ được cái khoảng cách của bố và mẹ trong gian buồng nhỏ xíu ấy còn hoang hoải mênh mông hơn cả cái thung lũng Tả Van thăm thẳm ngút ngàn mây này.

Ông ngoại bị đột quỵ trong một chiều mưa lạnh căm căm. Ông đi cắt thuốc lá về, bước lên ba bậc thang thì ngã vật xuống. Những thang thuốc lá xổ tung vương vãi dưới nền đất lấm lem lồi lõm. Nhận được tin, bố tức tốc thuê xe của bệnh viện huyện lao như xé đêm tối về bản. Xe đỗ ở tít ngoài đường to, bố hì hụi cõng ông trên lưng băng qua con đường lầy lội bùn đất. Một mình bố đưa ông xuống bệnh viện tỉnh. Suốt dọc đường, ông mê man, cứ nắm chặt tay bố không rời.

Rồi sau một tuần ở bệnh tỉnh, bố lại lặn lội đưa ông xuống Hà Nội, cậy nhờ những người bạn cũ chạy chữa thuốc thang giành giật lại sự sống cho ông. Ông trở về, người đờ đẫn, nói không tròn tiếng, cáu gắt với tất cả mọi người lại gần, chỉ không cáu gắt với con rể. Bố xin nghỉ không lương để ở nhà chăm ông. Ông nằm liệt giường gần một năm rồi mất, phút lâm chung vẫn nắm chặt tay con rể, ánh mắt vời vợi tha thiết. Khi ông nấc lên, bố ôm lấy ông ngào ngào khóc.

Lo hậu sự chu toàn cho ông ngoại xong, bố mẹ ngồi lặng trong buồng cả buổi. Mấy lần bố định mở lời mà lại thấy ngực như có tảng đá chẹn lại. Mãi sau bố lẳng lặng gom tất cả áo xống đồ đạc của mình nhét vào ba lô để xuống cơ quan. Bố vẫn yêu mẹ tha thiết nhưng không muốn mẹ phải tiếp tục diễn vai người vợ nhu mì hiền thục nữa. Ông ngoại mất rồi, nhà còn bà ngoại cũng lúc tỉnh lúc lẫn. Mẹ đâu cần phải trói chặt thanh tân của mình trong căn buồng hiu quạnh này nữa. Bố sẽ xuống cơ quan rồi xin đi tăng cường cho đội thi công cầu đường ở Lao Chải, một vài tháng trở lại thăm nhà một lần, hai người sẽ xa nhau dần dần để mẹ có thể đi tìm hạnh phúc đích thực của mình nếu muốn.

Mẹ vẫn đẹp lắm. Bố biết trước khi mẹ đồng ý làm vợ bố (theo ý ông ngoại) có nhiều trai bản lăm le muốn bắt về làm vợ. Hồi mới cưới, có lần bố lên trường đón mẹ, thấy mẹ chạy từ mạn thác Khuổi Chia về, má ửng hồng, mắt long lanh như cô gái mới lớn trong cuộc hẹn hò đầu tiên. Bố không muốn nghi ngờ mẹ nhưng buồn đến thắt lòng. Giờ ông ngoại mất rồi, mẹ không ưng bố thì thôi, bố có thể coi mẹ là em gái được mà. Bố không muốn tim mẹ phải đập những nhịp nặng nề khắc khoải nữa. Bố vẫn sẽ lo cho bà, cho mẹ. Mảnh đất này, căn nhà sàn này bố đã coi là máu thịt của mình từ lâu rồi.

Mẹ vẫn ngồi như bất động, không cả đáp lời từ biệt của bố. Nhưng khi bố khoác ba lô lên vai, vừa dợm bước xuống cầu thang thì mẹ từ trong buồng chạy ào ra, ôm ngang lưng bố, nghẹn ngào: “Anh đừng đi…”. Bố ngỡ ngàng quay lại. Mặt mẹ nhòe nhoẹt nước, bờ vai mảnh mai rung lên, vòng tay mẹ xiết chặt hơn. Bố gỡ ba lô xuống, lóng ngóng ôm ghì lấy mẹ. Cưới nhau gần ba năm, đây là cái ôm đầu tiên của hai người. Gió chiều thổi hun hút. Bếp lửa giữa nhà chợt bùng lên một tay lửa rực hồng…

Tôi được ba tuổi thì bố chuyển công tác xuống tỉnh, rồi năm sau bố được điều về Hà Nội. Thi thoảng cuối tuần bố được xe của cơ quan đưa về. Khi mẹ sinh em Yên thì bà ngoại yếu hẳn, chẳng làm được gì ngoài việc cời cho đám than củi giữa nhà lúc nào cũng đỏ hồng và lấy cháo cho anh em tôi ăn. Buổi sáng mẹ dậy sớm, ủ một nồi cháo to tướng trên bếp, nhét lá lang leo đầy máng cho đám dê rồi đi trường đến tối mịt mới về. Em Yên thiếu sữa mẹ, khóc ra rả cả ngày.

Mẹ bàn với bố cần một người đến trông ba bà cháu và chăm cả đàn dê đang kì sinh nở lúc nhúc dưới chuồng kia. Bố im lặng, chẳng ra đồng ý cũng chẳng ra phản đối. Hôm sau, mẹ đưa bác Phàn đến. Nghe mẹ nói thì đó là người bà con họ xa, không chồng không con, sống gần lưng suối Khuổi Chia, căn lều của bác vừa bị gió lốc cuốn sạch. Nhà tôi có thêm người đàn bà khác chăm anh em tôi hơn cả mẹ. Từ ngày có bác Phàn, tôi thấy mẹ hay nói hay cười hơn.

Bình thường, bác Phàn ngủ với mẹ và em Yên ở trong buồng, tôi và bà ngoại nằm ở gian ngoài. Bác bảo rằng không chịu được tiếng ngáy của bà ngoại. Hôm nào bố tôi về thì bác mới ra gian ngoài nằm. Đêm, hình như bác không ngủ, thi thoảng trở dậy cời lửa, cái bóng to lớn của bác hắt lên vách thành một hình thù kì dị khiến tôi hoảng sợ. Suốt đêm, tôi mơ thấy dòng Khuổi Chia đổ ào xuống cái nhà sàn của mình. Tôi hét lên, choàng tỉnh, thấy bà ngoại vẫn ngáy đều đều. Lửa vẫn hồng rực giữa nhà.

Năm tôi học lớp bốn thì bà ngoại mất. Bố bàn với mẹ chuyển cả nhà xuống Hà Nội. Nhưng mẹ cứ lần khân. Tôi thì háo hức muốn về Hà Nội lắm. Mùa hè trước tôi được bố đón xuống đó chơi. Tôi thích thú với những que kem mát lạnh, những hộp cơm có đủ thịt cá, đặc biệt là đám đồ chơi siêu nhân mà mấy cô chú cùng cơ quan bố cho.

Tôi được bố chuyển về Hà Nội kịp vào học lớp sáu. Mẹ tôi miễn cưỡng về theo. Mẹ bỏ nghề dạy học, mở một tiệm may nhỏ ngay tại nhà, bán thêm cả đồ thổ cẩm nữa, một ngày hai lần đưa đón anh em tôi đi học. Phòng của mẹ và em Yên ở giáp ban công, còn tôi ngủ với bố trong phòng làm việc ngay cạnh cầu thang. Buổi tối, mẹ thường làm đến khuya. Mỗi lúc nghe tiếng chân mẹ khẽ bước lên cầu thang, tôi lại thấy bố thở dài.

Thi thoảng mẹ tôi lại bắt xe khách về Cao Phạ. Mẹ xin bố được về nơi ấy chừng nào cái chân còn bước nổi. Ngày giỗ ông bà ngoại, bố đưa mấy mẹ con tôi về bản. Mẹ ở lại thêm vài ngày. Mỗi lần mẹ vắng nhà như thế, bố đi làm thì chớ, hễ về nhà là khục khặc cáu gắt. Có đêm, bố say khướt, đạp tung sạp thổ cẩm của mẹ rồi ngồi khóc tu tu.

Tôi mơ hồ nhận ra những điều bất thường ở mỗi chuyến về quê của mẹ. Cứ nhìn ánh mắt vằn lên dài dại của bố, tôi có cảm giác thương bố và giận mẹ. Nỗi giận hờn ấy cứ lớn dần, len lỏi trong trái tim của đứa trai mới lớn. Nhất là cái lần mẹ về quê hôm trước thì hôm sau em Yên bị tai nạn.

Hôm ấy, lần đầu tiên em Yên đòi đi bộ về nhà, một chiếc xe máy tạt ngang xô em văng về phía trước, máu túa ra từ mang tai. Hôm sau mẹ mới kịp về, mẹ lao vào phòng hồi sức, bố đang xúc cháo cho em Yên ăn, đứng bật dậy tát mẹ một cái đau điếng. Tóc mẹ xổ tung, mẹ quỳ sụp dưới chân bố khóc không thành tiếng. Em Yên sợ hãi co rúm người lại ri rỉ khóc. Tôi đứng trân trân nhìn cảnh ấy, thấy đau đớn mà không hiểu sao lại len lỏi cả một thoáng hả hê. Sau lần ấy, bố đi công tác tận Tây Nguyên đến gần một năm mới về. Và trong khoảng thời gian ấy, mẹ chỉ về quê một lần vào ngày giỗ ông ngoại.

Tôi vào đại học, thi thoảng rủ đám bạn thân về quê, cả bọn thuê homestay đốt lửa hát hò suốt đêm, biêng biêng ngây ngất say với rượu men lá. Đêm Hà Nội sáng lung linh, che bớt đi những ánh mắt lo âu muộn phiền vời vợi mưu sinh. Còn ở nơi đây, đêm mênh mông trùm lên những phận đời, ẩn chứa cả những bí mật thăm thẳm mà tôi đang khao khát kiếm tìm. Lần nào về đây, tôi cũng trăn trở một điều: phải chăng trái tim mẹ đã dành cho ai trong quá khứ nên cứ mãi khắc khoải không nguôi về nơi ngút ngàn mây gió, về dòng Khuổi Chia lạc giữa lưng chừng núi này?!

Sau một trận ốm ho sốt liên miên, bố tôi thấy người khang khác, đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện một khối u trong phổi. Qua mấy lần chụp cắt lớp và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận khối u đó cần phải phẫu thuật ngay. Khi bác sĩ gọi tôi và mẹ vào phòng trực, đưa ra các tình huống bất thường có thể xảy ra nếu phẫu thuật, không hiểu sao mẹ tôi cứ hỏi đi hỏi lại rằng: có triệu chứng ho sốt như vậy là sẽ có khối u, là phải phẫu thuật mới khỏi được hay sao?

Bố tôi trầm tính hẳn, hay nhìn mẹ với ánh mắt đau đáu da diết. Bố bình tĩnh làm mọi việc với tâm thế chuẩn bị tất cả cho một chuyến đi xa. Bố tâm sự với tôi nhiều hơn, như thể trút nỗi niềm, như muốn tìm được sự đồng cảm sẻ chia. Trong những câu chuyện rời rạc về quá khứ có len lỏi một chút tự ái, một chút ân hận nhưng trùm lên tất cả vẫn là tình yêu, thứ tình yêu được bắt nguồn từ tình nghĩa thì sâu đậm lắm, càng yêu thì càng day dứt, hoài nghi ghen tuông mà không dễ dàng từ bỏ.

Trước khi bố trở lại viện để làm phẫu thuật, mẹ chuẩn bị mọi thứ chu đáo, dặn dò anh em tôi kĩ càng rồi khẩn khoản xin phép bố được về quê hai ngày. Bố im lặng, ánh mắt cụp xuống u ám như hoàng hôn dốc núi. Mẹ tần ngần xách cái túi thổ cẩm thẫn thờ bước xuống cầu thang. Tôi đưa mẹ ra bến xe. Đợi mẹ đi rồi tôi cũng lặng lẽ lên chuyến xe sau để trở về nơi ấy…

*

Một tràng ho dữ dội lại cất lên. Và sau tiếng dỗ dành là tiếng khóc rưng rức của mẹ. Thì ra mẹ đã đưa một người khác về căn nhà này khi bố đang đứng trước ranh giới sống chết mong manh. Có điều gì đớn đau hơn sự phản bội? Tôi quả quyết bước lên cầu thang, đứng nép vào cửa. Ngay tại chiếc nệm gian ngoài, bên cạnh bếp lửa liu riu cháy, mẹ tôi ngồi kia, ôm ngang lưng một người mặc áo bông xám quay mặt vào vách. Đầu mẹ gục vào vai người ta, thi thoảng nghển lên hôn vào cổ vào gáy người ta, đưa tay về phía trước vuốt vuốt ngực ngăn những cơn ho chực phát ra rồi dỗ dành:

- Ngày mai em đưa Phàn về Hà Nội nhé. Bệnh của Phàn phải chữa ngay. Chứ em sợ Phàn mắc bệnh giống anh Hòa nhà em lắm…

Tôi như muốn khuỵu xuống. Tại sao lại là bác Phàn? Chẳng lẽ bí mật mà bấy lâu tôi khao khát kiếm tìm là đây ư? Trong óc tôi lia nhanh những hình ảnh của người đàn bà ấy cách đây hơn chục năm. Bác Phàn đã đến đây để chăm sóc bà cháu tôi hay là để thắp lên nụ cười trên môi mẹ? Tại sao những ngày bố về thì cả mẹ và bác Phàn lại không nói cười vui vẻ với nhau như bình thường? Tại sao những đêm bố ngủ trong buồng với mẹ và em Yên, bác Phàn lại trở dậy cời lửa rồi ngồi bên bếp thâu đêm? Và nhất là câu chuyện bác loáng thoáng kể với tôi về cái lần một mình giải cứu mẹ khỏi đám trai bản. Chẳng lẽ đó là tình yêu, một thứ tình yêu cũng khởi nguồn từ ân nghĩa nhưng lại bất thường như dòng Khuổi Chia lạc lưng chừng núi kia?

Lại một tràng ho rũ rượi. Mẹ tôi đứng dậy đi ra lấy chiếc chậu gỗ. Tôi chạy ào xuống cầu thang. “Bình ơi! Con ơi!”. Mẹ chới với chạy theo, ngã sõng soài ở bậc cuối cùng. Tôi quay lại đỡ mẹ dậy, mẹ lại hốt hoảng quỳ sụp xuống như cái lần mẹ quỳ dưới chân bố lúc ở bệnh viện chăm em Yên. Tôi gục đầu vào lòng mẹ. Lòng tự ái, sự ích kỷ của thằng trai đôi mươi bỗng nhiên òa vỡ. Gió vẫn hun hút quất vào vách đá. Không có mưa, sao tóc tôi lại đẫm nước mưa thế này?! Trên nhà, những tràng ho vẫn như cứa vào đêm…

Cuộc phẫu thuật của bố thành công hơn mong đợi. Bố trở về nhà, ánh mắt nhìn mẹ vẫn đau đáu tha thiết nhưng hồi sinh những tia ấm áp hơn. Những ngày ở bệnh viện chăm bố, thi thoảng tôi qua phòng thăm bác Phàn. Thật may, bác chỉ mắc chứng lao phổi chứ không có khối u như bố. Tôi hướng dẫn bác làm thủ tục bảo hiểm để hàng tháng nhờ người xuống bệnh viện huyện lấy thuốc. Mẹ tôi thi thoảng vẫn về Cao Phạ, khi trở lại mang theo những thang thuốc lá sắc cho bố uống. Mẹ còn mang về cả hạt hoa cúc quỳ gieo vào những cái chậu nhỏ ngoài ban công.

Mỗi lần thấy mẹ bần thần bên khóm cúc quỳ vàng ấm, tôi lại liên tưởng đến dòng Khuổi Chia và chợt nhớ có lần bố tâm sự với con trai mà như nói với chính mình: “Tình yêu có thể không trọn vẹn nhưng vẫn cứ là yêu. Còn tình nghĩa mới là thứ tình cảm thủy chung nhất”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/suoi-lac-lung-chung-nui-i668221/