Sưởi ấm những phận đời nơi 'xóm chạy thận'

Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhiều cá nhân, tổ chức tìm đến 'xóm chạy thận' động viên, chia sẻ và trao tặng nhiều phần quà tới các hoàn cảnh khó khăn. Những hành động này như liều thuốc tinh thần cho những bệnh nhân nghèo nơi đây.

Chuyện buồn nơi "xóm chạy thận"

Trong cái lạnh cắt da cắt thịt, "xóm chạy thận" nằm trên đường Tôn Thất Tùng, phía sau Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) càng hiu hắt và cô quạnh hơn. Những con người khổ sở cùng cảnh ngộ đang đùm bọc lấy nhau vượt qua bĩ cực cuộc đời.

Anh Đặng Ngọc Quý vẫn run rẩy dù khoác trên mình nhiều lớp áo.

Mệt mỏi trở về phòng trọ sau ca chạy thận dài hơn 4 tiếng, anh Đặng Ngọc Quý (SN 1985, trú xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa) chỉ biết khoác thật dày những lớp áo và nằm trong chăn ấm để trốn cơn gió buốt xế chiều. Bởi bếp lửa nhỏ ở góc sân cũng không thể xua đi cái lạnh.

Là người có thâm niên hơn 7 năm chạy thận, cứ 3 lần/tuần đều đặn, thiếu lần nào sức khỏe anh suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn... Dấu vết để lại, trên cánh tay gân guốc là chi chít những vết kim tiêm nổi thành u cục to tướng. Cùng với đó, anh bị thêm bệnh về tim và dạ dày mà anh cho là do sử dụng nhiều thuốc hỗ trợ.

"Bệnh nhân chạy thận đa phần có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng chữa bệnh, sống được ngày nào hay ngày ấy. Căn bệnh này khiến chúng tôi chẳng thể làm công việc gì, chỉ trông đợi vào người thân và các nhà hảo tâm", anh Quý chia sẻ.

Dấu vết để lại, trên cánh tay gân guốc là chi chít những vết kim tiêm nổi thành u cục to tướng.

Anh Lê Ngọc Vương (SN 1992, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa) là người có "thâm niên" hơn 18 năm chạy thận và gần chục năm sống tại khu trọ này. Anh Vương là con trai út trong gia đình có 5 người con, căn bệnh viêm cầu thận đeo đẳng anh từ năm hơn 10 tuổi đến nay. Mang bệnh trong người, sức khỏe anh Vương không tốt nên mẹ anh luôn phải theo sát để chăm sóc.

Tuổi ngoài 30, cuộc sống của anh Vương vẫn phải gắn với những toa thuốc, những lần chạy thận mà anh cảm nhận "nó dài vô tận". Anh buồn vì đáng ra cái tuổi này anh đã có sự nghiệp, gia đình êm ấm để phụng dưỡng người mẹ tuổi xế chiều. Nhưng số phận đâu cho anh may mắn ấy, anh vẫn phải "làm khổ mẹ".

Anh Lê Ngọc Vương khó khăn trong những lần đi chạy thận bởi bị viêm cơ chân.

"Chỉ mong sao những lần chạy thận được ngắn đi bởi những giờ nằm đợi cảm giác nó rất dài và khó chịu. Cũng mong mọi người đừng bệnh tật gì thêm, có sức khỏe để cùng sống với nhau dài lâu nữa", anh Vương chia sẻ.

Thời gian dài ở xóm trọ này, anh Vương chứng kiến nhiều bệnh nhân đến rồi đi và cùng họ trải qua những vui, buồn. Căn bệnh suy thận không khác gì án tử treo lơ lửng trên đầu họ. Sự sống mong manh, họ càng gắn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

"Khu trọ bây giờ ít thành viên hơn, một số người không may mất đi, chúng tôi đau buồn lắm vì sống với nhau lâu xem nhau như người thân rồi. Không biết sẽ xa nhau ngày nào nên chúng tôi cứ luôn động viên nhau vui sống, giúp đỡ nhau khi cần", anh Vương chia sẻ.

Sưởi ấm những phận đời bất hạnh

Tết Nguyên đán cận kề, trong khi người người, nhà nhà tất bật sắm Tết thì những bệnh nhân chạy thận này vẫn "trốn rét" trong khu trọ chờ chạy thận. Cũng như bao người, họ háo hức được về thăm nhà, được đón cái Tết trọn vẹn cùng người thân, nhận những cái ôm, những lời chúc.

Học sinh cùng thầy cô và phụ huynh đến tặng quà, động viên bệnh nhân chạy thận.

Những ngày đoàn viên ít ỏi, những bệnh nhân phải trở lại khu trọ và đến viện tiếp tục hành trình chạy thận kéo dài sự sống.

Hiểu được những buồn tủi và khó khăn đó, những ngày qua nhiều cá nhân, tổ chức tìm đến các khu trọ để tặng quà, động viên những bệnh nhân chạy thận. Những hành động đó như tiếp thêm liều thuốc tinh thần liều cho bệnh nhân bởi họ biết cộng đồng luôn quan tâm và sát cánh sẻ chia với khó khăn của mình.

Trong những người đến thăm, tặng quà bệnh nhân có những học sinh. Đây cũng là dịp để các cháu hiểu được những khó khăn của người bệnh, nuôi dưỡng tinh thần tương ái trong tâm hồn.

"Cuối năm ai cũng hóng Tết, mọi người về nhà 2 ngày, thắp hương gia tiên, thăm làng xóm rồi vào lại để chạy thận. Đa phần đón Tết ở viện và khu trọ. Thật vui mừng khi có dịp lễ, Tết là nhiều đoàn tới tặng quà, động viên. Ai cũng vui vì biết mình được quan tâm, không xa lánh những người mang bệnh như chúng tôi", anh Vương chia sẻ.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Bình luôn quan tâm, giúp đỡ bệnh nhân chạy thận và là cầu nối giữa bệnh nhân và các nhà hảo tâm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Bình cho biết, hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của bệnh nhân chạy thận, hội luôn nỗ lực giúp đỡ và kết nối các nhà hảo tâm. Hội đã trích quỹ và trao nhiều phần quà tới các bệnh nhân chạy thận. Cùng với đó, kêu gọi các nhà hảo tâm để có kinh phí mua 2 máy chạy thận, trao cho BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới phục vụ bệnh nhân trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ngoài việc tặng quà, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Bình còn kêu gọi các nhà hảo tâm tặng máy chạy thận giúp bệnh nhân và cán bộ y tế vơi bớt khó khăn.

"Mong rằng người bệnh sẽ khỏe hơn, có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn để đón một cái Tết ấm áp bên gia đình. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cũng có cơ hội hỗ trợ cho những bệnh nhân phải chạy thận ở xa khi về nhà đón Tết", Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Bình chia sẻ.

BS. Nguyễn Đức Cường, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho biết, hiện đơn vị đang quản lý, điều trị cho gần 250 bệnh nhân suy thận mãn tính phải chạy thận nhân tạo chu kỳ.

Trung bình mỗi tháng có gần 150. 000 lượt bệnh nhân lọc máu chu kỳ và lọc máu cấp cứu. Trong khi bệnh viện chỉ có 31 máy chạy thận nhân tạo, làm việc liên tục 4-5 ca/ngày. Hầu hết các máy sử dụng trên 10 năm, hoạt động với tần suất cao, phần nào ảnh hưởng đến công tác điều trị.

Xom chay than Ha Noi chat vat chong ret.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/suoi-am-nhung-phan-doi-noi-xom-chay-than-169240130141452728.htm