Sum vầy ngày giẫy mả

Những tờ lịch cũ dần thưa thớt, nhường chỗ cho tấm lịch mới nôn nao khoe vẻ tươi tắn riêng mình. Ấy cũng là lúc chuyến tàu năm cũ réo lên hồi còi báo hiệu một sứ mệnh sắp hoàn thành.

Minh họa: ĐẶNG THỊ THỌ

Trong xóm nhỏ, nhà bên này đang nô nức chuẩn bị củ kiệu, dưa hành. Nhà bên kia có đứa con đi học xa mới về nghỉ tết đang phụ mẹ giặt giũ. Còn nhà tôi, các bà các mẹ loay hoay nấu nướng cho ngày giẫy mả.

Một số địa phương người ta gọi là ngày chạp mả. Một số nơi khác gọi là ngày giẫy cỏ mả. Còn quê tôi từ xa xưa đến nay vẫn rộn ràng cuối năm ngày giẫy mả. Hồi còn bé, tôi hay hỏi bà về việc làm là lạ đến khó hình dung vào những ngày cận tết. Bà cười, đôi bàn tay đã hằn màu tháng năm nhẹ nhàng vuốt mái tóc đứa cháu thơ ngây lý giải.

Lúc còn sống, cả nhà cùng quây quần, sinh sống dưới một mái nhà. Đến lúc một trong số thành viên đã trả hết nợ đời, người ta về với đất mẹ. Khi ấy, mồ mả chính là căn nhà thứ hai. Năm cũ dần qua đi, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, nôn nao xuân về tết đến thì “căn nhà” của ông bà cũng cần được sửa sang cho khang trang, sạch sẽ. Mỗi nhà chọn một ngày trong tháng Chạp, rồi truyền từ đời này đến đời khác cho cả họ. Ấy gọi là ngày giẫy mả. Nhưng vì sao lại chọn ngày này, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ trong trí óc tôi mãi về sau.

Những tháng ngày tuổi thơ gửi lại trên từng con thoi thời gian, lớn hơn một chút tôi bắt đầu để ý và hiểu thêm nhiều điều về cái ngày thật nhiều ý nghĩa. Tôi chắc nhà tôi hay bất kỳ nhà nào cũng chuẩn bị cho ngày giẫy mả thật tươm tất.

Trước ngày giẫy mả, các bà các mẹ thường quây quần bên chái bếp. Mỗi người một tay, mỗi người một công việc. Dường như điều này đã trở thành thông lệ từ tận xa xưa. Đứa cháu nhỏ là tôi nhận nhiệm vụ rửa chén rồi mang đi phơi nắng chuẩn bị cho ngày mai. Người lớn bắt tay vào việc gói bánh nậm, bánh ít lá gai và cả bánh bột trắng bên trong có nhân đậu xanh hầm thịt. Những lớp bánh phẳng phiu, vuông vức lần lượt lấp đầy chiếc rổ xảo to.

Tôi mừng tíu tít khi được bà cho cạo nồi. Dù ở đâu, hễ nghe tiếng bà gọi, tôi cũng co giò chạy về thật nhanh. Lớp bột còn sót lại hòa cùng miếng nhân đậu xanh quấn quýt nơi đầu lưỡi làm đứa trẻ tôi mê đắm đuối.

Ngày giẫy mả, những người đàn ông trong gia đình thức dậy thật sớm, nhâm nhi cùng nhau ly nước trà rồi từng người vác cuốc, cầm rựa lên đường. Họ đi sớm phần tranh thủ tiết trời buổi sáng mát mẻ, phần có nhiều thời gian để việc dọn dẹp được chu đáo hơn. Những “căn nhà” của tổ tiên nơi xa được con cháu giẫy sạch cỏ, đốn cây bụi và trang hoàng bằng những chậu vạn thọ vàng ươm.

Giữa nghĩa trang gia tộc, ông nội chỉ cho cha tôi biết về những phần mộ. Cả những tấm bia đã mờ đi con chữ nhưng ông vẫn nắm rõ “địa chỉ” của người thân ruột thịt. Có những năm, tôi còn nghe ông và cha bàn bạc việc xây dựng lại phần mộ cho những nấm đất lô nhô, hay đổ thêm đất cát, trồng thêm cây cảnh xung quanh…

Khi đàn ông xong việc trở về thì cơm canh, thịt thà cũng đã xong xuôi. Ngọn khói bếp là đà không ngừng nghỉ cả buổi sáng bên nhiều câu chuyện rộn rã cả năm qua. Nén hương trầm đã hửng đỏ, việc cúng bái bắt đầu bởi một người đàn ông lớn tuổi và có vai vế của dòng họ.

Ngoài ngõ, tiếng còi xe của những thành viên khắp chốn bốn phương đã tề tựu đông đủ. Dù ngày giẫy mả không trùng vào ngày nghỉ, nhưng ai nấy đều tranh thủ, không thể về sớm ngày hôm trước thì có mặt ngày hôm sau. Bên mâm cơm, tay bắt mặt mừng cùng những lời hỏi han, những câu chuyện vui buồn của năm qua được bày tỏ. Những kế hoạch, dự định cho năm mới sắp đến cũng được bật mí. Rồi cả việc người lớn chỉ dạy đứa cháu nhỏ xưng hô vai vế thế nào cho đúng. Từng mối quan hệ huyết thống chằng chịt được tường tận để những người trẻ còn biết đến nhau khi một mai lớp già chín rụng.

Ngày giẫy mả không chỉ có dòng họ mà còn có sự góp mặt của bà con trong xóm nhỏ. Người mang đến hộp bánh ngọt, người xách trên tay lốc nước, mấy thanh niên còn mang cả thùng bia rồi trêu nhau rằng “Bữa nay có đám giỗ gần/ Trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm”.

Với những thành viên trong gia đình, ngày giẫy mả không chỉ là ngày con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, tri ân nguồn cội mà còn là dịp để anh chị em sum vầy, sẻ chia ngọt bùi suốt một năm tất bật. Giẫy mả trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân trên khắp đất nước Việt Nam nói chung và trong xóm nhỏ nơi chốn hoa vàng cỏ xanh quê tôi nói riêng. Thật khó nói hết vô vàn ý nghĩa giữa một ngày cuối Chạp ấm áp, thắt chặt tình thâm.

LÊ TRƯƠNG THÚY DIỄM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/313094/sum-vay-ngay-giay-ma.html