Sulli, Goo Hara qua đời và sự mục nát không chỉ của Kpop

Không chỉ là những áp lực sau ánh hào quang, cái chết của Sulli, Goo Hara còn phơi bày mặt tối của Kpop - thế giới từng chỉ được biết đến với thứ âm nhạc tươi sáng và cuồng nhiệt.

Đã đến lúc phải thừa nhận phần mục nát của thế giới Kpop.

Ngày 24/11, ca sĩ Goo Hara (cựu thành viên nhóm nhạc KARA) được tìm thấy đã chết tại nhà riêng ở Seoul (Hàn Quốc). 6 tuần trước đó, Sullli - một ngôi sao Kpop khác và là bạn thân của Goo - tự kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 25 sau cuộc chiến dai dẳng với những kẻ bắt nạt trên mạng.

Tự tử, trầm cảm bắt đầu ám ảnh Kpop từ 2 năm trước, khi Kim Jong-hyun - thành viên nhóm nhạc nam SHINee - tự sát vào tháng 12/2017 lúc mới 27 tuổi.

3 ngôi sao của làn sóng hallyu không phải là những người nổi tiếng đầu tiên tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Rocker Kurt Cobain - thủ lĩnh nhóm Nirvana - đã tự tử vào năm 1994. Gần đây là sự ra đi của thần đồng âm nhạc Keith Flint (tháng 3 năm nay) và thành viên Linkin Park Chester Bennington (tháng 7/2017).

Goo Hara qua đời ở tuổi 28. Ảnh: Cosmopolitan.

Tuy nhiên, Goo Hara, Sulli và Kim Jong-hyun có quá nhiều điểm chung khiến chúng ta phải lưu tâm. Cả ba đến từ một quốc gia, là những đại diện tiêu biểu của nền âm nhạc hay rộng hơn là một ngành công nghiệp và lần lượt ra đi trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Không chỉ là những áp lực, mệt mỏi sau ánh hào quang, cái chết của họ còn phơi bày mặt tối nhất của Kpop - thế giới từng chỉ được biết đến với thứ âm nhạc tươi sáng và những vũ đạo cuồng nhiệt.

Năm đại hạn của Kpop

Vòng xoay của “cỗ máy” Kpop tạo ra áp lực khủng khiếp đối với các ngôi sao. Từ thời điểm trở thành thực tập sinh tại công ty giải trí, các thanh thiếu niên rời xa gia đình, bị tịch thu điện thoại, nói không với các mối quan hệ lãng mạn. So với bạn bè đồng trang lứa, họ được dạy để thể hiện sự khác biệt bằng hai hình ảnh đối lập là ngây thơ hoặc gợi cảm.

Và quan trọng, một khi trở thành idol, họ không được phép mắc sai lầm. Bởi những người hâm mộ, đặc biệt là sasaeng (fan cuồng) sẽ quay lưng thậm chí tấn công thần tượng nếu cảm thấy bị phản bội.

Sulli và Goo Hara là những ví dụ điển hình. Họ từng phải chống chọi với sự chỉ trích nặng nề khi vướng vào lùm xùm đời tư. Vài tháng trước khi mất, Sulli bị dân mạng “ném đá” vì livestream tiệc rượu với bạn bè trên trang cá nhân. Trong khi đó, Goo Hara bị tấn công sau scandal bạn trai cũ dọa tung clip nóng.

6 tuần trước cái chết của Goo Hara, Sulli tự tử tại nhà riêng. Ảnh: All Kpop.

Các tiêu chuẩn kép áp dụng cho ngôi sao Kpop là rất khắc nghiệt. Nếu ở một xã hội tự do hơn, những hành động của Sulli và Goo Hara sẽ chẳng có gì đáng bàn cãi chứ chưa nói đến chuyện bị bôi nhọ và bắt nạt trực tuyến.

Nhìn lại năm 2019 với đầy những ồn ào, scandal, nhiều người nói đó quả là năm đại hạn với Kpop. Đầu năm là bê bối tình dục của loạt sao nam Jung Joon-young, Choi Jong-hoon, Seungri. Và cuối năm là tin buồn của hai nữ idol đình đám.

Theo các nhà phân tích, những mặt tối của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc được che đậy trong lớp vỏ hào nhoáng đang ngày càng lộ rõ ở giai đoạn thoái trào.

Những cỗ máy kiếm tiền không cảm xúc

Việc Goo Hara từng cố tự tử vào tháng 5 đáng ra phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty giải trí tại Hàn Quốc. Nhưng thực tế, đó là một thảm kịch không được quan tâm.

Không ai biết cụ thể Goo Hara đã chịu đựng những gì và có thực sự được giúp đỡ hay không. Tuy nhiên, tin tức đầu tiên về nữ idol sau lần tự tử bất thành là kế hoạch lưu diễn và phát hành single tại Nhật Bản chỉ 2 tuần trước ngày mất.

Có thể thấy ưu tiên hàng đầu của công ty quản lý Goo Hara là đưa ngôi sao trở lại sân khấu và kiếm tiền càng sớm càng tốt thay vì giúp cô giải quyết khủng hoảng cá nhân.

Hình ảnh xinh đẹp trên sân khấu của Sulli trước khi ra đi ở tuổi 25. Ảnh: SMTOWN.

Bên cạnh đó, người hâm mộ cũng có một phần trách nhiệm trong các vụ tự tử của thần tượng Kpop. Trước khi mất, Sulli, Goo Hara từng nhiều lần cầu cứu trên mạng. Nhưng lời khẩn khiết đó chỉ được lắng nghe khi họ đã ra đi mãi mãi.

Chính quyền Hàn Quốc dường như cuối cùng cũng phải đối phó với cuộc khủng hoảng của Kpop khi một dự luật mang tên Sulli có thể được trình lên Quốc hội vào tháng tới để chống lại việc bắt nạt trên mạng.

Tuy nhiên, trong cái chết ở tuổi đôi mươi của các idol, nhiều nhà phân tích còn nhìn thấy một hệ thống hỗ trợ, tư vấn tâm lý ở quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước phát triển hoàn toàn bất lực.

Và cho đến khi ngành công nghiệp giải trí vẫn tiếp tục ngó lơ các vấn đề sức khỏe tinh thần của ngôi sao và chỉ xem họ là những "cỗ máy" kiếm tiền không cảm xúc, khủng hoảng có lẽ sẽ chưa thể kết thúc.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/sulli-goo-hara-qua-doi-va-su-muc-nat-khong-chi-cua-kpop-post1017908.html