Sức sống vượt thời gian của một cuốn tiểu thuyết

Khi còn là sinh viên Ngữ văn, có một tác phẩm văn học đương đại của Mỹ mà chúng tôi phải đọc, đó là cuốn Giết chết một con chim mốc-kinh (To Kill a Mockingbird) của Harper Lee, do Nhà Xuất bản Lao động xuất bản năm 1973. Các bản dịch sau này là Giết con chim nhại. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay và cũng là duy nhất của nữ nhà văn Nelle Harper Lee (1926 - 2016). Cuốn sách được xuất bản vào năm 1960 và đã giành được giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1961. Cuốn tiểu thuyết rất được yêu chuộng, thuộc loại bán chạy nhất thế giới với hơn 10 triệu bản cho đến nay.

Giết con chim nhại lấy bối cảnh Alabama, một tiểu bang miền Nam rất nặng thành kiến phân biệt chủng tộc và được viết trong thời gian mà phong trào đấu tranh của những người da màu, nhất là của mục sư nổi tiếng Martin Luther King đang lan rộng khắp quốc gia. Nhân vật dẫn chuyện, cô bé Scout Finch 6 tuổi, sống với anh trai Jem và người cha Atticus, một luật sư tuổi trung niên. Người cha Atticus được phiên tòa chỉ định biện hộ cho một người đàn ông da đen tên là Tom Robinson, người bị buộc tội hãm hiếp Mayella Ewell, một cô gái người da trắng, một trọng tội không thể tha thứ ở thời điểm ấy. Dù cho nhiều cư dân của Maycomb chống đối thế nào, ông Atticus vẫn đồng ý biện hộ cho Tom hết sức mình. Ông Atticus hứa sẽ làm hết khả năng để bào chữa cho Tom, vì ông có một niềm tin lớn lao vào quyền bình đẳng của tất cả mọi người. Vì chuyện đó mà lũ trẻ con ông phải chịu bao nhiêu sự phỉ báng của những đứa trẻ khác…

Dù được kể dưới góc nhìn của cô bé 6 tuổi, nhưng tác phẩm đã đề cập tới tất cả những vấn đề gai góc của thời đại: Nạn phân biệt chủng tộc, định kiến khắt khe trọng nam khinh nữ… Hình ảnh “chim nhại” xuất hiện xuyên suốt cả tác phẩm, và theo như lời giải thích của nhân vật trong tiểu thuyết thì đó là “loài chim chẳng làm gì cả ngoài việc hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó”. Tác giả muốn mượn hình ảnh con chim nhại làm biểu tượng của sự ngây thơ trong sạch và những con người hiền lành trong xã hội.

Hơn 60 năm trôi qua, nội dung cơ bản của cuốn sách đề cập vẫn mang tính thời sự, qua đó chứng minh sức sống vượt thời gian của tác phẩm. Giết con chim nhại là một tiểu thuyết viết về những cảm nhận xã hội của cô bé 6 tuổi, nhưng độc giả không nghĩ mình đang đọc sách thiếu nhi vì những vấn đề xã hội đặt ra là quá lớn.

Thủy Ngân

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202305/suc-song-vuot-thoi-gian-cua-mot-cuon-tieu-thuyet-08d4eed/