Sức sống vùng biên giới Tuy Đức

Sau 17 năm thành lập, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Huyện Tuy Đức có gần 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Huyện xác định, nông nghiệp là động lực then chốt để phát triển kinh tế-xã hội.

Nông nghiệp giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện Tuy Đức.

Vì thế, huyện Tuy Đức đã tập trung tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân tích cực sử dụng các giống mới vào sản xuất. Người dân được vận động ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa vào sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm.

Huyện phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao các quy trình sản xuất như: hồ tiêu hữu cơ bền vững; cà phê theo tiêu chuẩn 4C; rau xanh an toàn trong nhà màng; nhân giống khoai lang Nhật Bản bằng nuôi cấy mô; ủ vỏ cà phê bằng men vi sinh làm phân bón; kỹ thuật chăn nuôi heo thịt hướng nạc; nuôi gà an toàn sinh học; chăn nuôi bò thịt chất lượng cao...

Ông Nguyễn Phú Cường, ở thôn 1, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, có 2ha cà phê trồng thuần đã cho thu hoạch năm thứ 14. Những năm qua, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về sản xuất cà phê và áp dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất cà phê ngày càng được cải thiện. Năm nay, ông ước tính thu được khoảng 10 tấn cà phê nhân/2ha.

Huyện Tuy Đức đã triển khai khảo nghiệm và đưa vào sản xuất đại trà nhiều giống lúa lai năng suất, chất lượng cao như: Nghi Hương 2308, Nhị ưu 838, PC15, HT1, VT404, Quy ưu 1. Các giống lúa này đều thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.

Huyện đưa các giống cà phê mới cho năng suất cao như TR4, TR9, TRS1... vào sản xuất. Các loại cây ăn trái chất lượng được thị trường ưa chuộng như: sầu riêng ghép Thái, bơ booth, mít Thái siêu sớm... được nhiều người dân đưa vào sản xuất.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng giống mới ở các loại cây trồng chính của huyện đạt từ 80 – 95%. Giống mới giúp năng suất cây trồng tăng từ 5 – 10%. Ngoài đột phá về giống, yếu tố khoa học, công nghệ được ngành Nông nghiệp Tuy Đức chú trọng.

Mắc ca - cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất quy mô lớn. Trong đó, vùng sản xuất điều tại xã Đắk Ngo, Quảng Tân với 9.780 ha; vùng sản xuất cà phê tại xã Quảng Tân, Đắk R'tíh, Đắk Búk So 12.300 ha;

Vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Quảng Tân, Quảng Tâm và Đắk Búk So 1.800ha; vùng sản xuất mắc ca tại xã Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk Búk So 1.420ha; vùng sản xuất rau xanh tại xã Đắk Búk So, Quảng Tâm 250ha...

Huyện Tuy Đức có hơn 800 ha cây trồng đạt chứng nhận các quy trình chứng nhận như: VietGAP, hữu cơ, 4C... Huyện đang phát triển 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, điều, cao su); 3 sản phẩm chủ lực cấp huyện (khoai lang, sầu riêng, bơ) và 2 sản phẩm tiềm năng có lợi thế cạnh tranh (mắc ca, bò thịt).

Tuy Đức đã xây dựng được 13 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Sản phẩm OCOP của huyện phong phú, đa dạng như: hạt điều, mắc ca sấy khô, chanh dây…

Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức đánh giá, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, được các hộ nông dân tích cực nhân rộng.

Sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Người dân áp dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, đưa năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên.

Cải thiện đời sống người dân

Dân số huyện Tuy Đức có hơn 68.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 41,2%. Nguồn thu nhập trên 70% hộ dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông lâm nghiệp.

Một góc trung tâm huyện biên giới Tuy Đức hôm nay

Thời gian qua, huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội. Huyện triển khai đồng bộ các dự án giảm nghèo với nhiều nguồn vốn lồng ghép để đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

Kết quả đến nay, sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt trên 3.900 tấn/năm. Tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của huyện năm 2023 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với năm 2007.

Lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức cho biết, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và từng bước nâng cao. Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng, đến nay cơ bản đã bê tông hóa, nhựa hóa trên 88%.

Giáo dục, y tế được đầu tư ngày càng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của người dân, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Ông Đinh Ngọc Nhân, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, phát huy những kết quả đạt được, huyện Tuy Đức tiếp tục bám sát các mục tiêu nghị quyết đề ra.

Tuy Đức tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư chế biến để tăng giá trị nông sản.

Huyện từng bước sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/suc-song-vung-bien-gioi-tuy-duc-197154.html