Sức sống nông thôn mới nơi có Đền thờ Bác Hồ

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, tại Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, nhiều đoàn người nối tiếp nhau dâng công kính Bác. Năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cù Lao Dung vui mừng kính dâng lên Người thành tích hoàn thành các tiêu chí để trở thành huyện nông thôn mới.

Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Là vùng cù lao cách trở, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, làm thế nào để khu căn cứ cách mạng, nơi có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng lên trong mưa bom bão đạn, biểu tượng cho lòng bất khuất của nhân dân miền nam trung kiên với Đảng trong kháng chiến, được thoát nghèo, vươn lên, là sự trăn trở của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Cù Lao Dung nói riêng, tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Trần Trọng Nguyên tâm sự, là huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã đều là xã đảo, xuất phát điểm nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác. Thực hiện lời dạy của Bác, nhiều phong trào thi đua hành động cách mạng đã được thực thi hiệu quả tại địa phương. Trong đó, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa mạnh mẽ, được nhân dân trên địa bàn huyện đồng thuận cao.

Từ đó, kinh tế-xã hội của huyện có bước phát triển khá, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

Du khách hoạt động vui chơi trên bãi cát bồi ở Cù Lao Dung.

Du khách hoạt động vui chơi trên bãi cát bồi ở Cù Lao Dung.

Huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vươn lên trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng có xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tính đến cuối năm 2023, huyện Cù Lao Dung đã có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Riêng thị trấn Cù Lao Dung thực hiện đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh. Năm 2023, Đảng bộ huyện Cù Lao Dung được xếp loại xuất sắc trong toàn Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng...

Cù Lao Dung có diện tích tự nhiên hơn 24.500ha, trong đó, diện tích nông nghiệp hơn 15.600ha. Toàn huyện có 16.903 hộ với 57.262 dân. Cù Lao Dung có điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với vùng sản xuất mía, cây ăn trái và nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cù Lao Dung còn có tiềm năng phát triển du lịch với các loại hình khá phong phú, đa dạng. Trong đó, du lịch về nguồn có 1 Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia là Đền Thờ Bác Hồ và 3 Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Đền thờ Bác Hồ ở Cù Lao Dung đã trở thành biểu tượng sức mạnh tinh thần, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong lòng nhân dân.

Đây là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ ra sức học tập và làm theo lời Bác để chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Qua đó, tạo sức mạnh to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cù Lao Dung vượt mọi khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Du lịch Văn hóa-tín ngưỡng và du lịch sông nước miệt vườn; du lịch cộng đồng, sinh thái trải nghiệm, khám phá diện tích rừng bần phòng hộ nguyên sinh hơn 1.784ha với nhiều loài động vật hoang dã, thực vật và thủy hải sản đa dạng. Tất các điểm du lịch ở Cù Lao Dung đều bảo đảm cho xe ô-tô đến nơi; có 28 nhà nghỉ và 2 khách sạn du lịch với tổng số 298 phòng...

Trải nghiệm du khảo xuyên rừng nguyên sinh tại Cù Lao Dung.

Trải nghiệm du khảo xuyên rừng nguyên sinh tại Cù Lao Dung.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Cù Lao Dung sẽ hình thành các khu chức năng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng. Huyện phát triển đô thị phù hợp với điều kiện đặc thù; kinh tế nông nghiệp theo hướng kết hợp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sinh thái ven biển, du lịch sinh thái dưới tán rừng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung Trần Văn Nguyên cho biết, phấn đấu đến năm 2025, huyện sẽ có 4/7 xã nông thôn mới nâng cao, 2/7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Toàn huyện phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người từ 65-75 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%.

Huyện tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình vùng trồng tập trung các sản phẩm chủ lực. Có chính sách thu hút các nhà đầu tư đến liên kết sản xuất nông nghiệp xuất khẩu theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Cù Lao Dung triển khai thực hiện có hiệu quả 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu cuối đến năm 2025, huyện có 15 sản phẩm OCOP; có 3-4 điểm du lịch được công nhận, 1 xã được công nhận xã thông minh gắn với thương mại điện tử; ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng mô hình kinh tế đa giá trị nông sản.

Phấn đấu đến năm 2030, huyện Cù Lao Dung sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 7/7 xã nông thôn mới nâng cao, 4/7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xã nông thôn mới thông minh hay thương mại điện tử.

Sau hơn 13 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Cù Lao Dung đã thành công. Sức mạnh tinh thần từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thật sự đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển ở dải cù lao vươn ra Biển Đông này.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/suc-song-nong-thon-moi-noi-co-den-tho-bac-ho-post810255.html