Sức sống mới ở đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ

Từ khi đưa tàu vào khai thác, sử dụng, Bạch Long Vỹ đã kết nối được với đất liền trong giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo.

Đảo Bạch Long Vĩ nằm trong Vịnh Bắc Bộ, địa giới hành chính thuộc thành phố Hải Phòng, cách đất liền khoảng 110 km, có diện tích khoảng 2,5 km2 (khi thủy triều lên) và khoảng 4 km2 (khi thủy triều xuống). Bạch Long Vĩ thuộc một trong tám ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, đảo có tầm quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển, là “phên giậu tiền tiêu” trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Trải qua 30 năm, từ hòn đảo hoang sơ, không có bất cứ một công trình nào mang tính kiên cố, đảo Bạch Long Vĩ ngày nay đã có hồ chứa nước ngọt, điện gió dư sức cung cấp cho quân dân trên đảo, có âu cảng và nhiều công trình khác không chỉ để phục vụ phát triển kinh tế đời sống quân dân huyện đảo mà còn sẵn sàng cho tương lai nhằm phát triển du lịch và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Âu cảng Bạch Long Vỹ.

Âu cảng Bạch Long Vỹ.

Những đổi thay vùng đảo “hoang”

Theo lời Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ Trần Quang Tường, hòn đảo này từng có tên gọi là đảo Thanh niên, bởi cách đây 30 năm (25/3/1992), theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn TNCS, 62 đoàn viên lên tàu ra đảo làm công tác phát triển kinh tế đảo Bạch Long Vỹ cùng lực lượng biên phòng. Vào thời điểm đó, nơi đây như một hoang đảo. Bằng ý chí quật cường, lòng yêu Tổ quốc và sự lạc quan của tuổi trẻ…, những con người quả cảm đã biến vùng đất hoang vu này thành đảo xanh, sạch, đầy sức sống.

Trải qua 30 năm, hàng nghìn lượt thanh niên xung phong thuộc Tổng Đội Thanh niên xung phong Hải Phòng đã lần lượt tình nguyện ra xây dựng đảo, tạo những đổi thay cho hòn đảo tiền tiêu giữa Vịnh Bắc Bộ.

Đèn biển Bạch Long Vĩ.

Đèn biển Bạch Long Vĩ.

Còn nhớ chỉ vào khoảng năm 2004-2005, khi đến thăm đảo, tôi hỏi chuyện mọi người, chính quyền, quân và dân trên đảo được biết, họ chỉ mong có một âu cảng, mong có điện sức gió, sản xuất được nước ngọt (bởi đảo chỉ có nước ngọt thiên nhiên ban tặng là... mưa).

Nhưng hôm nay, cuối tháng 2 âm lịch, sóng yên biển lặng, sau 6 giờ đi tàu từ đất liền, tàu đã đưa chúng tôi cập âu cảng Bạch Long Vĩ. Điều đáng ngạc nhiên đầu tiên là âu cảng có sức chứa và làm hàng cho hàng trăm con tàu (loại tàu đánh cá) cùng với 2 đường giao thông bao âu cảng như cánh chim hải âu. Đây có lẽ là nơi thú vị nhất khi đặt chân lên đảo Bạch Long Vĩ, bởi mọi người sẽ được ngắm bình minh nơi âu tàu, cảm nhận rất rõ sức sống của biển đảo bằng sự nhộn nhịp của tàu cá vào, ra mang theo những khoang cá, tôm, mực lấp lánh. Đã có nhiều khách du lịch ra tận bến tàu, hít hà vị mặn mòi của biển, tận tay chọn mua hải sản và đóng thùng đưa xuống tàu chuyển về đất liền.

Âu cảng có sức chứa hàng trăm con tàu.

Âu cảng có sức chứa hàng trăm con tàu.

Lên khỏi âu tàu, đi thêm một đoạn, chúng tôi rẽ sang phải là hồ nước ngọt, có sức chứa 43.000 m3. Anh công nhân trực máy sản xuất nước sạch (lọc từ nước mưa và nước từ trong khe núi) khoe rằng: “Dù mưa chưa khi nào đầy hồ, chỉ đạt đến 70%-80% nhưng vẫn đủ cho nhân dân sử dụng để đợi đến mùa mưa tiếp sau. Như vậy cũng là quá tốt so với trước kia khi dân chỉ hứng nước mưa vào bể của mỗi nhà, dùng vài ngày đã hết”.

Hồ nước ngọt có sức chứa 43.000m3 ở Bạch Long Vĩ.

Hồ nước ngọt có sức chứa 43.000m3 ở Bạch Long Vĩ.

Điện sức gió có lẽ là công trình “vượt" sức tưởng tượng nhất. Nếu trước đây, khi chúng tôi ra đảo, dù là khách quý nhưng cũng chỉ được sử dụng điện từ 16h30 đến 23h đêm, bởi máy phát điện cho toàn đảo được chạy bằng dầu diezen tốn kém. Nhưng từ cuối năm 2020, Nhà nước đã đầu tư xây dựng dự án gồm: xây dựng mới 1 tua bin gió 800 KW, xây dựng mới trang trại điện mặt trời với công suất lắp đặt 504kWp; lắp đặt mới 2 máy phát điện 1.000 KVA; hệ thống ắc quy lưu trữ 630kVA/2.000kVAh; hệ thống tủ phân phối 0,4kV, hệ thống hòa đồng bộ máy phát, hệ thống microgrid...

Điện gió trên đảo.

Điện gió trên đảo.

Ông Trần Quang Tường khoe: Công trình điện gió đảo Bạch Long Vỹ bảo đảm cung cấp điện ổn định liên tục 24/24h và không hạn chế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và dịch vụ sản xuất, du lịch của các hộ dân, doanh nghiệp và các đơn vị khác trên đảo Bạch Long Vỹ; tạo động lực cho việc phát triển các ngành nghề, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển kinh tế biển và các hoạt động du lịch biển. Đồng thời, dự án cũng đáp ứng điều kiện trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn cho các tỉnh ven biển Bắc bộ, bảo đảm việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển.

Tiếp đến, như thành một quần thể di tích, đến với đảo Bạch Long Vỹ không thể không đến thắp hương ở đền thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chùa Bạch Long Tự là ngôi chùa duy nhất trên cả nước mà nền gạch trong sân chùa có hình và tên tổ quốc trên mỗi viên gạch. Chùa được xây dựng với vẻ ngoài cổ kính, uy nghiêm trên mảnh đất rộng đến hơn 1.000m2, nằm ngay bên bờ biển, mang đến cho mọi người những giây phút bái Phật, vãn cảnh chùa thanh tịnh. Cùng với ngọn hải đăng, quần thể di tích đền chùa trên đảo Bạch Long Vĩ đã khẳng định chủ quyền Tổ quốc.

Chùa trên đảo.

Chùa trên đảo.

Để Bạch Long Vĩ có dáng vóc lớn hơn

Hiện, phương tiện ra đảo Bạch Long Vỹ duy nhất là tàu biển. Ngoài tàu Bạch Long do Tổng đội thanh niên xung phong quản lý và tàu Hoa Phượng Đỏ của UBND huyện Bạch Long Vỹ quản lý thì còn có tàu cá. Vào mùa biển lành, trung bình mỗi tháng có 3 chuyến tàu ra khơi đưa các đoàn tham quan đảo, mua sắm hải sản. Việc ra đảo Bạch Long Vỹ hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Thời gian lênh đênh trên biển trung bình từ 6-8 tiếng (tùy từng loại tàu). Do vậy, người có sức khỏe không tốt phải rất cân nhắc khi chọn thời điểm ra đảo Bạch Long Vỹ, dẫn đến lượng khách ra đảo không nhiều.

Thời tiết ở đảo Bạch Long Vĩ được chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, còn mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Cá biệt có những năm, hơn 8 tháng Bạch Long Vĩ không có mưa. Như vậy, đồng nghĩa với việc đảo sẽ bị thiếu nước. Trong khi đó, nếu để phát triển khách du lịch (thời tiết lý tưởng nhất để ra đảo Bạch Long Vỹ là tháng 2- 3 dương lịch vì mùa này biển hiền hòa êm đềm) và cung cấp nước ngọt, nước đá cho các tàu cá thì việc xây dựng thêm hồ để dự trữ nước ngọt là khâu đầu tiên cần phải nghĩ tới để xây dựng.

Hiện nay, đảo Bạch Long Vỹ vẫn chưa được khai thác nhiều về du lịch, chính vì thế nên các dịch vụ lưu trú ở đảo cũng tương đối ít. Khách ra đảo chỉ có thể nghỉ ngơi tại nhà khách Tổng đội Thanh niên xung phong Bạch Long Vỹ, hoặc nhà khách Huyện đội. Ngoài ra, khách cũng có thể xin tá túc qua đêm tại nhà của người dân trên đảo. Tuy nhiên, việc nghỉ ở những điểm trên chỉ là đi trải nghiệm, còn theo đúng nghĩa của khách du lịch là chưa đủ điều kiện.

Bà con trên đảo quý rau xanh, nhiều nhà "tự cung tự cấp"

Bà con trên đảo quý rau xanh, nhiều nhà "tự cung tự cấp"

Theo ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ: Kể từ khi đưa tàu vào khai thác, sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết về giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa huyện đảo Bạch Long Vỹ với đất liền, góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế xã hội huyện đảo.

Tuy nhiên, để sớm đưa huyện đảo Bạch Long Vĩ trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường vịnh Bắc Bộ, qua đó giúp cho huyện đảo phát huy được thế mạnh du lịch biển, du lịch sinh thái thì còn rất nhiều việc phải làm.

Vũ Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//phong-cach/suc-song-moi-o-dao-tien-tieu-bach-long-vi-1091363.html