Sức sống mãnh liệt từ các giải thể thao đặc biệt

Những ngày tháng 4, trong không khí chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rộn ràng trên những cung đường 'Non sông liền một dải' là vòng quay hối hả của đường đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TPHCM lần thứ 36. Chỉ trước đó không lâu, là đêm hội bóng đá của giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam (ở tuổi 28) do Báo SGGP tổ chức.

Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam để tôn vinh cầu thủ Việt cũng được khởi xướng từ TPHCM

Tinh thần đột phá, đi trước và đón đầu

TPHCM là trục "giao lộ" của những hội tụ không ngừng nghỉ của con người và những sắc thái văn hóa khác nhau. Đặc điểm ấy đã giúp đất và người nơi đây hình thành một phong cách sống, một bản lĩnh sống đặc biệt: năng động, cởi mở dung nạp mọi cái mới rồi sàng lọc, chắt chiu bổ sung thêm nét sáng tạo của mình để tạo ra một cái mới thuộc về mình. Phong cách đó không chỉ tồn tại trong hoạt động xã hội mà còn thấm sâu vào nét văn hóa, trong đó có hoạt động thể dục thể thao.

Những ngày đầu sau ngày đất nước thống nhất, trong bộn bề khó khăn để ổn định đời sống xã hội, lãnh đạo TPHCM vẫn quan tâm chỉ đạo ngành thể thao xúc tiến nhanh các hoạt động, gầy dựng lại bầu không khí thi đấu đỉnh cao để duy trì phong trào thể dục hàng ngày trong dân cư trên tinh thần “có khỏe mới làm việc được”. Vì thế, chỉ một, hai năm sau đó, người dân thành phố yêu thích thể thao đã được sống trong những trận tranh tài sống động của các giải vô địch bóng đá, bóng chuyền thành phố, cùng những cái tên đã đi vào lịch sử như Cảng Sài Gòn, Sở Công Nghiệp, Công Nhân Hóa Chất, Dệt Thành Công, Hải Quan…

Khi phong trào lên cao, thể thao TPHCM một lần nữa thể hiện được tinh thần đột phá, đi đầu cả nước với những sự kiện mà sau này được đánh giá là “tấm bản lề” chuyển xoay cả nền thể thao Việt Nam. Đó là từ cơ chế bao cấp hoàn toàn, vận động viên ăn không đủ chất, mặc không đủ đồ, được chuyển sang mô hình bán chuyên, tạo được thu nhập trong quá trình thi đấu. Tiêu biểu như giải bóng bàn Cây vợt vàng do Báo Thể thao TPHCM tổ chức từ năm 1982. Đó là giải đấu có sự tham gia của vận động viên quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sau ngày thống nhất. Dù hiện không còn, nhưng giải Cây vợt vàng ghi dấu ấn là sự kiện đầu tiên của thể thao Việt Nam được các tổ chức quốc tế công nhận trong hệ thống thi đấu hàng năm, từng có sự tham dự của những tay vợt nằm trong tốp 20 thế giới.

Giải đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM có sức sống bền bỉ

Giải đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TPHCM ra đời 36 năm trước trong bối cảnh phong trào đua xe đạp chưa thịnh hành. Không chỉ là một sự kiện của thành phố, giải cúp truyền hình trở thành giải đấu đầu tiên tổ chức thành công lộ trình xuyên Việt, đặt dấu ấn tiên phong cho năng lực tổ chức sự kiện thể thao quy mô lớn của Việt Nam. Cho đến nay, cuộc đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TPHCM là một trong những giải đua xe lâu đời, được ví như Tour de France của Đông Nam Á.

Năm 1995, bóng đá TPHCM có 2 sự kiện quan trọng. Đầu tiên là việc tổ chức Cúp Độc lập, giải đấu quốc tế đẳng cấp cao nhất lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Sau này, giải đấu được biết nhiều hơn với tên gọi Cúp Bóng đá quốc tế TPHCM và duy trì đến tận năm 2009. Đây cũng là giải bóng đá quốc tế có “tuổi thọ” dài nhất của bóng đá Việt Nam tính đến nay. Cùng năm 1995, Báo SGGP tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam lần thứ 1. Không chỉ là sự ra đời của một trong những sự kiện thể thao lâu đời nhất, mà còn là giải thưởng cá nhân đầu tiên và duy nhất tôn vinh cầu thủ xuất sắc nhất năm. Với 28 mùa trao giải, đến nay, giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam sở hữu một hạng mục đồ sộ và trở thành niềm khát khao lớn nhất của mọi cầu thủ tại Việt Nam.

Tăng tốc

Với truyền thống ham thích thể thao, người dân TPHCM không phân biệt lứa tuổi, giới tính, tìm đến thể thao như là một cách tốt nhất để rèn luyện thể chất và tu dưỡng đạo đức cho con em mình. Từ đó tạo nên nhiều thế hệ vận động viên tài năng, một thời làm rạng danh Tổ quốc trên đấu trường quốc tế như: Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống, Trần Hiếu Ngân (taekwondo), Lê Hồng Hảo, Nguyễn Văn Hòa (bóng chuyền), Nguyễn Kiều Oanh (bơi lội), Lê Huỳnh Đức, Võ Hoàng Bửu, Lư Đình Tuấn (bóng đá)…

Thời gian trôi qua, nhiều giải đấu, sự kiện thể thao đã kết thúc vai trò lịch sử của mình, thế nhưng tinh thần đột phá, sáng tạo vẫn miệt mài chảy trong huyết quản của những người làm thể thao thành phố. Đó chính là nguồn lực lớn nhất để những cúp xe đạp truyền hình, cúp điền kinh quốc tế hay giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam vẫn đều đặn diễn ra, chuyên chở những khát vọng vươn tầm cho thể thao Việt Nam, gìn giữ bầu không khí đỉnh cao để chắp cánh cho cuộc chuyển mình vươn đến những đỉnh cao mới của thể thao TPHCM.

ĐĂNG LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/suc-song-manh-liet-tu-cac-giai-the-thao-dac-biet-post737188.html