Sức mạnh của quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản

Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là cơ hội để lãnh đạo hai nước Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định sức mạnh của quan hệ giữa hai nước và sự phát triển hơn nữa trong quan hệ song phương cũng như đa phương.

Lễ hội Việt Nam là một sự kiện văn hóa thường niên được tổ chức tại Nhật Bản

Lễ hội Việt Nam là một sự kiện văn hóa thường niên được tổ chức tại Nhật Bản

Mối quan hệ luôn trên đà phát triển tích cực

Theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản, từ ngày 27 đến 30-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân thăm chính thức Nhật Bản. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Việt Nam và là sự kiện điểm nhấn quan trọng khi hai nước kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).

Mối quan hệ bang giao Việt Nam - Nhật Bản đã khởi đầu từ nhiều thế kỷ trước, để lại những di sản quý báu như Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), con đường tơ lụa nối Hội An với các thương cảng của Nhật Bản. Ngày 21-9-1973, Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ đó liên tục phát triển một cách tích cực. Từ khuôn khổ quan hệ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài được xác lập năm 2002, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được nâng lên thành Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2009), rồi Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (năm 2014).

Trong 50 năm qua, nhất là sau 9 năm nâng cấp lên “Đối tác chiến lược sâu rộng”, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có bước phát triển vượt bậc, toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực. Nhật Bản là quốc gia thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm (năm 1995), là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011) và cũng là nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (2016).

Điểm nổi lên trong quan hệ giữa hai nước là sự tin cậy về chính trị, thể hiện thông qua các cuộc tiếp xúc, giao lưu các cấp, đặc biệt là ở cấp cao. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt các cuộc điện đàm, tiếp xúc đã diễn ra. Khởi đầu cho kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Kishida Fumio (ngày 9-2-2003). Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản (tháng 5-2023). Về phía Nhật Bản, Hoàng Thái tử Akishino và Công nương Kiko, Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa đã thăm Việt Nam (tháng 9-2023).

Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến văn hóa, khoa học, giáo dục được thúc đẩy mạnh mẽ. Kinh tế Việt Nam và Nhật Bản có tính bổ sung cao cho nhau. Việt Nam có nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động dồi dào, môi trường kinh tế, chính trị ổn định, điều kiện thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, được các bạn Nhật Bản đánh giá là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy. Trong khi đó, Nhật Bản là một cường quốc kinh tế và công nghệ mà Việt Nam rất cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình phát triển.

Hiện nay, Nhật Bản đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nước cung cấp ODA lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản với tổng trị giá đạt hơn 32,9 tỷ USD và xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 17,2 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp (FDI), tính đến cuối tháng 9-2023, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 71,3 tỷ USD với 5.198 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 3/143 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản cũng có nhiều nét tương đồng về văn hóa truyền thống. Trong nhiều năm qua, các lễ hội thường niên, như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam và Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản tại Việt Nam… luôn được đông đảo nhân dân hai nước đón nhận. Hiện có 500 nghìn người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản và gần 23 nghìn người Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam.

Đối tác quan trọng giúp thực hiện 3 đột phá chiến lược

Với đà phát triển quan hệ tốt đẹp hiện nay, với nguyện vọng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang đứng trước vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Nhật Bản là đối tác hết sức quan trọng để Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược, hiện thực hóa các mục tiêu, kế hoạch phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trước hết, hai nước có thể khai thác thế mạnh bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, từ đó tăng cường liên kết, hợp tác nhằm duy trì Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển (ODA)… Tranh thủ cơ hội doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để thúc đẩy làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, tập trung thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản.

Với tiềm năng sẵn có Việt Nam và Nhật Bản còn có thể trở thành đối tác đổi mới trong các lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh... Là nước có tiềm lực về kinh tế, Nhật Bản có thể tăng cường cung cấp cho Việt Nam nguồn vốn ODA thế hệ mới giúp phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế…

Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch giữa các thế hệ trẻ và giữa các địa phương cũng có thể được đẩy mạnh để tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Do vị trí địa lý gần gũi, với nhiều điểm tham quan và nền ẩm thực hấp dẫn, Việt Nam và Nhật Bản là những địa điểm du lịch lý tưởng mà người dân hai nước yêu thích. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt khách du lịch Nhật Bản đến thăm Việt Nam và con số này đang tăng lên.

Không chỉ là mối quan hệ song phương, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản còn là mối quan hệ có thể cùng đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Nhật Bản và Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ trong các khuôn khổ đa phương, như Liên hợp quốc, các cơ chế ASEAN - Nhật Bản, ASEAN + 3… Ngược lại các cơ chế này cũng giúp thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giao lưu giữa hai nước.

Với những thành quả của nửa thế kỷ hợp tác cùng với mong muốn và nỗ lực của cả hai phía, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản có cơ sở vững chắc để tiếp tục phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, theo đúng phương châm “Chân thành, tình cảm và tin cậy”, phù hợp với nguyện vọng của hai dân tộc, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/suc-manh-cua-quan-he-song-phuong-viet-nam-nhat-ban-post559151.antd