Sức hút từ thương hiệu

Điện ảnh Việt vẫn còn non trẻ và việc có được những thương hiệu dù chỉ mới bắt đầu trong hành trình phát triển vẫn là tín hiệu vui, tích cực cho thị trường

Phim "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải chính thức ra rạp từ ngày 26-4. Theo thống kê từ Box Office Vietnam - trang thống kê phòng vé Việt độc lập, có sai số nhỏ - đến trưa 1-5, phim đã thu được hơn 170 tỉ đồng.

Tạo dấu ấn trong lòng khán giả

Doanh thu này đã tính luôn cả các suất chiếu sớm vào các ngày 24 và 25-4. Với nội dung kể về gia đình của bà Hai (diễn viên Thanh Hiền thủ vai) và 5 người con: Hai Khôn (Trương Minh Cường), Ba Lành (Đinh Y Nhung), Tư Hậu (Quách Ngọc Tuyên), Năm Thảo (Trâm Anh), Sáu Tâm (Trần Kim Hải), phim mang đến các thông điệp giàu tính nhân văn về tình mẫu tử, tình cảm gia đình.

Ngay sau những suất chiếu sớm, "Lật mặt 7: Một điều ước" của đạo diễn Lý Hải đã được người trong giới nhận định là phần phim hay nhất của anh tính đến hiện tại và dự đoán mức doanh thu sẽ chạm mốc 300 - 400 tỉ đồng. "Lật mặt" là một trong những loạt phim thương hiệu thành công của điện ảnh Việt. Bản thân Lý Hải cũng có thương hiệu cá nhân khi anh vốn là ca sĩ, diễn viên đã có sẵn danh tiếng, sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo, trước khi thành đạo diễn điện ảnh.

Suốt cả 7 phần, "Lật mặt" chưa từng thất bại phòng vé, doanh thu phần sau đột phá hơn phần trước và chất lượng cũng được cải thiện nhiều hơn. Đây là một trong những yếu tố khiến cho danh tiếng loạt phim được duy trì, tạo dấu ấn trong lòng khán giả.

Không chỉ có Lý Hải, các phim của Trấn Thành cũng tạo được sức hút với khán giả khi liên tiếp 3 tác phẩm do anh đạo diễn, đồng đạo diễn lập kỷ lục doanh thu phòng vé Việt: "Bố già" - đồng đạo diễn với Vũ Ngọc Đãng, "Nhà bà Nữ", "Mai". Đặc biệt, phim "Mai" ra mắt khán giả dịp Tết Giáp Thìn đã cán mốc 520 tỉ đồng, hiện đang dẫn đầu danh sách phim Việt doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh.

Ngoài ra, điện ảnh Việt cũng có một số thương hiệu cá nhân khác như đạo diễn Charlie Nguyễn, đạo diễn Victor Vũ, đạo diễn Võ Thanh Hòa, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn Trần Hữu Tấn, diễn viên Thái Hòa… Theo các nhà chuyên môn, các thương hiệu cá nhân hay thương hiệu loạt phim tạo dựng thành công ở thị trường điện ảnh Việt sẽ có sức thu hút ban đầu với khán giả, song để có thể duy trì được sức hút này thì yếu tố quyết định vẫn là chất lượng của tác phẩm.

"Thương hiệu không bảo đảm cho thắng lợi doanh thu phim, bằng chứng là cũng có phim của Charlie Nguyễn, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng… không thành công phòng vé. Vì thế, để duy trì thương hiệu, nhà làm phim buộc phải tập trung đầu tư đúng mức cho chất lượng của tác phẩm, làm nền tảng xây dựng sự bền vững cho thương hiệu" - biên kịch Đông Hoa bày tỏ.

Phim “Lật mặt 7: Một điều ước” thu hút khán giả. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Nâng chất và mở rộng

Không ít người trong cuộc nói vui rằng giờ đây chỉ có phim của Trấn Thành và Lý Hải mới chắc thắng phòng vé. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng vì rõ ràng 2 đạo diễn này đã tạo được cho mình thương hiệu cá nhân rất tốt, khiến cho mỗi dự án của họ đều có doanh thu rất tốt. Nhưng chưa đủ vì vẫn còn những bộ phim khác, ăn khách đến từ các đạo diễn khác. Điện ảnh vẫn cần có sự đa dạng, vẫn cần những bộ phim khác, nằm ngoài thương hiệu có sẵn để mang đến nhiều món ăn cho khán giả.

"Những thương hiệu như của Trấn Thành và Lý Hải là rất tốt giúp kích thích thị trường, giúp các nhà làm phim tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ cho mình về những bộ phim trăm tỉ đồng. Chỉ sợ nhất là không có phim doanh thu cao, chứ không sợ nó chỉ đến với một vài phim nhất định" - nhà phê bình phim Tuấn Nguyễn nhìn nhận.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa góp thêm: "Phim điện ảnh Việt hiện không có công thức thành công, điều quan trọng nhất vẫn là phải có câu chuyện tốt, được kể hợp lý với dàn diễn viên lột tả được nhân vật và chinh phục được khán giả".

Đạo diễn Lý Hải cho biết mỗi phần của "Lật mặt" anh cố gắng mang đến cái mới cho khán giả, tránh sự lặp lại khiến khán giả nhàm chán. Những câu chuyện trong các phần phim hướng đến sự chân thật, gần gũi với cuộc sống, khiến khán giả nhận thấy bản thân mình trong đó và tin vào nhân vật. Ngoài truyền tải những thông điệp nhân văn, anh còn nỗ lực quảng bá nét đẹp văn hóa, thiên nhiên, con người Việt vào mỗi phần phim.

Mặc dù "Lật mặt: Một điều ước" không có những cảnh hành động, cháy nổ tốn kém trên trường quay như các phần khác nhưng kinh phí đầu tư không thua kém bởi nhiều bối cảnh được dựng tỉ mỉ tại nhiều nơi. Sự đầu tư kỹ từng khâu kịch bản, bối cảnh, diễn viên hợp vai, cách kể câu chuyện chạm được vào khán giả góp phần nâng chất tác phẩm. Đây cũng là bước cần thiết để duy trì thành công của thương hiệu, không khiến khán giả thất vọng.

Trước đó, đạo diễn Trấn Thành cũng từng chia sẻ kinh phí cho phim "Mai" lên đến 50 tỉ đồng vì phải thêm nhiều ngày quay, tiền dựng nhiều cảnh giả, tiền mướn nhiều máy quay, tiền trả thêm cho diễn viên theo số ngày quay tăng lên.

Hiện nay nhiều nhà làm phim đã mở rộng đầu tư cho những đạo diễn trẻ, cho những tác phẩm đầu tay như Võ Thanh Hòa, Phan Gia Nhật Linh, Charlie Nguyễn… Theo các nhà chuyên môn, đây là hướng đi đúng, vì để điện ảnh Việt phát triển, cần có thêm nhiều thương hiệu chứ không chỉ tập trung vào những thương hiệu sẵn có.

Phim hay, hợp gu thì sẽ được khán giả lựa chọn. Tôi nghĩ phim của Lý Hải, Victor Vũ, Trấn Thành… được nhiều khán giả xem do hợp gu của họ. Nghĩa là, những đạo diễn này hiểu được đối tượng khán giả của mình" - nhà báo Cát Vũ nhìn nhận.

MINH KHUÊ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-hut-tu-thuong-hieu-196240501203951634.htm