Sức hút cổ phiếu ngân hàng và rủi ro đảo ngược dòng tiền

Dòng tiền vẫn tiếp tục chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, thúc đẩy đà tăng trưởng chung của chỉ số VN-Index, thậm chí có cổ phiếu tăng đến 50% kể từ đầu năm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là dòng tiền chảy mạnh vào nhóm này liệu sẽ còn kéo dài trong bao lâu?

Giá cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng tăng bền vững khi và chỉ khi nền kinh tế phục hồi tiêu dùng và sản xuất. Ảnh: L.Vũ.

Tiếp tục “hút tiền”

Nhóm cổ phiếu ngân hàng lại tiếp tục trở thành tâm điểm trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây, trong bối cảnh có nhiều giao dịch nổi bật.

Chẳng hạn như hôm 28-3, cổ phiếu TCB có thời điểm tăng trần sau thông tin chia cổ tức và cổ phiếu thưởng. Cần lưu ý thêm rằng TCB đã tăng đến hơn 49% kể từ đầu năm đến nay, vượt xa so với top 3 cổ phiếu còn lại với mức tăng 31-36%.

Hoạt động giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng sôi nổi khi có nhiều diễn biến đáng chú ý trong bối cảnh sắp đến mùa họp đại hội đồng cổ đông, công bố kế hoạch chia cổ tức.

Trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu, nhóm tự doanh của công ty chứng khoán lại mua mạnh cổ phiếu VPB và chủ yếu là giao dịch thỏa thuận. Trước đó, phiên giao dịch ngày 22-3, cổ phiếu ACB bất ngờ xuất hiện giao dịch thỏa thuận với khối lượng lên đến khoảng hơn 145 triệu cổ phiếu trong khi thanh khoản khớp lệnh khoảng 22 triệu cổ phiếu.

Theo báo cáo của nền tảng cung cấp dữ liệu tài chính chuyên sâu Fiintrade, trong tuần cuối của tháng 3, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng.

Số liệu cho thấy tỷ trọng thanh khoản giao dịch nhóm này trên thị trường đã tăng trở lại lên mức 16,4%, sau khi giảm mạnh xuống mức 13,5% trong tuần trước đó. Một điểm đáng chú ý nữa là trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mạnh tay mua ròng trong tuần trước, có đến 6/20 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất thuộc nhóm ngân hàng.

Trên thực tế, dòng tiền chảy vào ngân hàng không phải là chuyện mới, mà được đánh giá là “kéo” từ quí 4 năm ngoái. Đến nay, hàng loạt giá cổ phiếu ngân hàng khác đều đã tăng mạnh kể từ đầu năm, không ít cổ phiếu trở lại vùng đỉnh lịch sử.

Giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đã tăng mạnh so với hồi đầu năm, nhưng cũng cho thấy sự phân hóa ngày càng rõ nét về vốn hóa nhà băng trên thị trường. Nguồn dữ liệu: Vietstock.

Trong xu hướng tăng giá chung, một diễn biến đáng chú ý là các ngân hàng quốc doanh được ưa chuộng (gồm VCB, BID, CTG). Điều này trái ngược với giai đoạn giữa năm 2023 khi các ngân hàng tư nhân lại là tâm điểm.

Lý giải việc này, báo cáo đánh giá của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng trong giai đoạn trước, nhóm cổ phiếu ngân hàng tư nhân thu hút dòng tiền nhờ giá điều chỉnh sâu, tiềm năng tăng trưởng cao và các sự kiện “xấu” không xảy ra. Tuy nhiên sau đó, kết quả kinh doanh cuối năm lại kém hơn kỳ vọng, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh lại cho thấy sự ổn định.

Mức định giá thấp hơn trung bình đáng kể được các chuyên gia đánh giá là lý do chính khiến cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn dòng tiền trở lại. Bên cạnh đó, còn lý do tâm lý nhà đầu tư, theo nhà phân tích của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital.

Theo đó, trong hai năm nhà đầu tư thường bỏ qua nhóm ngân hàng trên thị trường, vì cổ phiếu nhóm này chủ yếu đi ngang trong biên độ hẹp, không hấp dẫn. Trong khoảng thời gian đầu năm nay, giá cổ phiếu tăng lên khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, dẫn đến tâm lý mua đuổi và từ đó càng thúc đẩy đà tăng giá.

Kỳ vọng chu kỳ phục hồi

Trên thực tế, vào đầu năm 2024, hầu hết các nhà phân tích của các công ty chứng khoán đều đặt kỳ vọng cao về sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Các yếu tố tích cực được nhắc đến bao gồm mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, chi phí vốn cũng giảm, kỳ vọng vào sự phục hồi tăng trưởng tín dụng khi nhu cầu quốc tế và nội địa được cải thiện. Các nhà phân tích cụ thể hóa kỳ vọng này bằng những dự báo lợi nhuận ngành sẽ hồi phục đáng kể.

Theo đánh giá của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VPBankS, lợi nhuận trước thuế toàn thị trường ước tăng khoảng 13% so với năm trước, trong đó nổi bật là ngành ngân hàng với mức hồi phục lên đến 15%, cao hơn đáng kể so với mức 3,8% thực hiện trong năm ngoái.

Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng cũng có những rủi ro. Theo ông Sơn, hai rủi ro lớn được nhắc đến là lãi suất điều hành không đảo chiều, và các ngân hàng lớn phải “đẩy” được 90% hạn mức tín dụng đã được giao từ đầu năm.

Báo cáo chiến lược tháng 3 của Mirae Asset cũng nhấn mạnh các nhà đầu tư cần thận trọng với rủi ro của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Các rủi ro hoạt động kinh doanh như nợ xấu, áp lực dự phòng cao, và hiện tượng ngân hàng ghi nhận lỗ cũng đã xuất hiện trở lại sau một thời gian dài, vấn đề của SCB cũng như thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp.

Còn trong bối cảnh ngắn hạn hiện nay, dòng tiền dường như hướng đến sự kỳ vọng vào mùa đại hội cổ đông sắp đến với nhiều tin tức tích cực, đáng kể nhất là câu chuyện chia cổ tức.

“Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng diễn biến giá sẽ tùy thuộc nhiều vào dòng tiền hơn là các yếu tố cơ bản. Ngược lại, đối với chiến lược đầu tư dài hạn, chúng tôi vẫn nhận thấy cơ hội đầu tư tại các cổ phiếu có những yếu tố như định giá chưa quá cao, chất lượng tài sản ổn định và tiềm năng tăng trưởng”, báo cáo của Mirae Asset nhận định.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/suc-hut-co-phieu-ngan-hang-va-rui-ro-dao-nguoc-dong-tien/