Sức ép gia tăng lên thị trường sau khi thêm một ngân hàng Mỹ phá sản

Vụ việc Ngân hàng Republic First Bank phá sản đang làm gia tăng sức ép lên thị trường tài chính toàn cầu.

Ngân hàng Republic First Bank đóng cửa. Ảnh: Bloomberg

Ngân hàng Republic First Bank (Mỹ) vừa trở thành ngân hàng đầu tiên tại Mỹ phá sản trong năm 2024.

Giới chuyên gia đánh giá vụ việc này đang làm gia tăng sức ép lên thị trường tài chính toàn cầu, trong bối cảnh thị trường này đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ tình hình lạm phát cao đến giá hàng hóa, vàng bạc trên đà tăng mạnh mẽ.

Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) sáng ngày 27/4 theo giờ địa phương đã ra thông báo tịch thu Republic First Bank và đồng ý bán ngân hàng này cho ngân hàng Fulton Bank. Để bảo vệ người gửi tiền, FDIC đã ký một thỏa thuận với Fulton Bank, National Association tại Quận Lancaster thuộc bang Pennsylvania. Theo đó, Fulton Bank sẽ mua phần lớn tài sản của Republic Bank và đảm nhận chuyển giao phần lớn tất cả các khoản tiền gửi tại ngân hàng này. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn tuyên bố của Cơ quan Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) nêu rõ: “Republic First Bank đặt trụ sở tại Philadelphia (hoạt động kinh doanh với tên gọi Republic Bank) bị Sở Ngân hàng và Chứng khoán Pennsylvania đóng cửa vào ngày 26/4, đồng thời chỉ định FDIC làm đơn vị quản lý tài sản”. Trước đó, năm 2023, ngân hàng Silicon Valley Bank đã bất ngờ sụp đỏ, gây ra cuộc khủng hoảng rộng lớn trong hệ thống ngân hàng địa phương của Mỹ, kéo theo Signature Bank phá sản chỉ vài ngày sau đó, tiếp tới là First Republic Bank trong vài tuần sau đó. Theo FDIC, tổng cộng có 5 ngân hàng ở Mỹ đã bị phá sản trong năm ngoái. Theo FDIC, Republic Bank có tổng tài sản khoảng 6 tỷ USD và tổng số tiền gửi là 4 tỷ USD tính đến cuối tháng 1/2024. Ước tính chi phí của vụ phá sản sẽ là 667 triệu USD, cho thấy quy mô của Republic Bank nhỏ hơn nhiều so với những ngân hàng thương mại khác của Mỹ đã sụp đổ trong năm 2023, làm rung chuyển ngành tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, sự thất bại của Republic Bank, vụ ngân hàng phá sản đầu tiên của Mỹ trong năm 2024, vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thách thức mà các ngân hàng địa phương của Mỹ tiếp tục phải đối mặt sau sự sụp đổ của ba ngân hàng địa phương lớn vào năm ngoái. Các nước đã bơm một lượng tiền khổng lồ kể từ đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều loại tài sản gồm chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền số... tăng mạnh, cùng với đó tiềm ẩn nguy cơ "bong bóng" tài sản "xì hơi".

Đại diện của ngân hàng Fulton cho biết ngoài tiền gửi, Republic Bank còn có các khoản vay và nợ khác trị giá khoảng 1,3 tỷ USD. Thương vụ mua lại Republic Bank sẽ giúp Fulton tăng gấp đôi sự hiện diện của mình tại thị trường bang Philadelphia với số tiền gửi tổng hợp sẽ lên tới khoảng 8,6 tỷ USD.

Theo kế hoạch, 32 chi nhánh của Republic Bank tại New Jersey, Pennsylvania và New York sẽ mở cửa trở lại với tư cách chi nhánh của Fulton Bank vào ngày 27/4 (các chi nhánh làm việc theo giờ hành chính vào Thứ Bảy) hoặc vào Thứ Hai (29/4) trong giờ làm việc như thường lệ. Những người có tiền gửi tại Republic First Bank sẽ trở thành người gửi tiền tại Fulton Bank và FDIC cam kết bảo hiểm lên tới 250.000 USD cho mỗi khách hàng gửi tiền. Republic Bank, đặt trụ sở tại bang Philadelphia, là một thực thể khác với First Republic Bank - ngân hàng thương mại đặt trụ sở tại San Francisco bị đóng cửa vào tháng 5/2023. Sau khi đóng cửa, phần lớn tài sản của First Republic Bank được bán lại cho JPMorgan Chase. Sau hàng loạt “sóng gió” diễn ra vào năm 2023, ngành ngân hàng – tài chính của Mỹ tiếp tục gặp khó khi lãi suất duy trì ở mức cao, gây ảnh hưởng tới dòng chảy tín dụng. Trước khi buộc phải phá sản, Republic Bank đã đạt được thỏa thuận với một nhóm nhà đầu tư để tăng vốn cứu ngân hàng. Nhưng nỗ lực này đã bị chấm dứt vào tháng 2/2024. Republic First Bank đã cắt giảm việc làm và ngừng hoạt động kinh doanh thế chấp vào đầu năm 2023, do áp lực từ chi phí cao hơn và không có khả năng cải thiện lợi nhuận. Giá cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm từ hơn 2 USD/cổ phiếu vào đầu năm nay xuống còn khoảng 1 xu Mỹ/cổ phiếu vào hôm 26/4, đẩy giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng xuống dưới 2 triệu USD. Vào tháng 8/2023, cổ phiếu của Republic First Bank đã bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq và hiện được giao dịch OTC (giao dịch phi tập trung).

Diệu Linh - Đoàn Hùng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/suc-ep-gia-tang-len-thi-truong-sau-khi-them-mot-ngan-hang-my-pha-san/331395.html