Sức bật Lâm Bình

Giáp Tết, nắng xuân tan vào con đường uốn lượn theo triền núi Lâm Bình. Cây rừng đâm chồi, nảy lộc, xanh tươi; lòng người Lâm Bình hân hoan đón xuân mới.

Dáng dấp đô thị loại V

Đứng trên đỉnh đèo Khau Lắc phóng tầm mắt về trung tâm huyện lỵ Lâm Bình nằm giữa lòng chảo của xã Lăng Can, khó có thể hình dung nổi một huyện “sinh sau, đẻ muộn” ở vùng khó khăn nhất của tỉnh lại có tốc độ phát triển nhanh đến vậy. Những tòa nhà công vụ hiện đại mọc lên san sát; hệ thống đường phố, cây xanh, điện chiếu sáng... được hoàn thiện theo hướng hiện đại, sạch, xanh, sáng, đẹp chuẩn đô thị loại V.

Trường Mầm non xã Lăng Can được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn.

Trường Mầm non xã Lăng Can được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn.

Về các thôn Bản Khiển, Nặm Đíp, Làng Chùa, Nà Khà… xã Lăng Can hôm nay đã mang dáng dấp của phố núi. Những con đường gập ghềnh cấp phối không còn mà thay vào đó là đường được trải nhựa phẳng lì rộng gấp 3, gấp 4 lần, chưa kể vỉa hè cũng được lát gạch sạch sẽ với điểm nhấn là hàng cây xanh được trồng thẳng tắp; các cửa hàng, cửa hiệu xen nhau mọc lên. Ông Hoàng Văn Thắng, thôn Nà Khà, xã Lăng Can phấn khởi nói, Nà Khà giờ đã khác xưa nhiều rồi, hệ thống đường đô thị được xây dựng, ô tô đi vào tận ngõ, đèn điện sáng trưng mỗi tối; người đi lại nườm nượp, sôi động lắm. Ông Thắng bảo, giờ muốn mua đồ dân dụng phục vụ gia đình chỉ cần a lô một câu là các cửa hàng mang đến tận nơi lắp đặt. Cũng theo ông Thắng, năm tới đây bến xe, chợ trung tâm huyện được xây dựng, ông tin lúc đó Nà Khà còn phát triển gấp 5, gấp 10 lần hôm nay.

Cùng với việc hoàn thiện các công trình đô thị phục vụ dân sinh, các trụ sở, nhà công vụ của các cơ quan, đơn vị đã được xây mới và đi vào hoat động. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Dưng phấn khởi cho biết, khi huyện mới thành lập, các cơ quan đơn vị chủ yếu nhờ nhà dân để làm việc, giao thông gặp nhiều khó khăn. Còn bây giờ, với sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình đã khoác lên mình màu áo mới. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay đã có 300 công trình, dự án được đầu tư xây dựng, với tổng số vốn trên 330 tỷ đồng, trong đó, người dân, doanh nghiệp đóng góp trên 1,5 tỷ đồng.

Con em đồng bào dân tộc xã Hồng Quang (Lâm Bình) được học tập trong ngôi trường đạt chuẩn quốc gia.

Con em đồng bào dân tộc xã Hồng Quang (Lâm Bình) được học tập trong ngôi trường đạt chuẩn quốc gia.

Lâm Bình hôm nay đã thu hút nhiều dự án công nghiệp. Một số sản phẩm công nghiệp mang tên “Made Lâm Bình”, như antimon Bình An; bê tông Thành Hưng Lâm Bình; đá nghiền Biển Vinh… Nhờ đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Lâm Bình đã có sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Qua khảo sát thực trạng, đánh giá tiêu chí của đô thị loại V theo Quyết định số 89/QĐ-UBND, ngày 18-4-2012 của UBND tỉnh Tuyên Quang, Lâm Bình đã đạt 76,75/100 điểm. Huyện đã triển khai các biện pháp hoàn thiện các tiêu chí còn lại để đạt đô thị loại V vào năm 2020.

Bước phát triển mới

UBND huyện Lâm Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020; Quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Người dân xã Khuôn Hà (Lâm Bình) phát triển nghề mây, tre đan cho thu nhập cao.

Người dân xã Khuôn Hà (Lâm Bình) phát triển nghề mây, tre đan cho thu nhập cao.

Từ các quy hoạch, huyện đã vận động và khuyến khích nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Với diện tích mặt hồ thủy điện, huyện đã triển khai 6 dự án nuôi cá với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng; sản lượng thủy sản khai thác hàng năm đạt trên 300 tấn, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện đi lên. Huyện đã hình thành nhiều mô hình trồng trọt theo hướng hàng hóa như mô hình trồng lạc tại xã Thổ Bình; trồng rau bò khai, giảo cổ lam tại các xã Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm; lúa chất lượng cao tại thôn Khuôn Hà, Thổ Bình; chăn nuôi trâu nhốt chuồng, dê núi theo hướng hàng hóa phát triển ở 8/8 xã của huyện. Hiện, huyện đã phát triển được 12 sản phẩm hàng hóa, trong đó đã có 2 sản phẩm đăng ký được nhãn hiệu.

Sản xuất công nghiệp của huyện cũng có bước phát triển đáng kể, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng năm 2015 đạt trên 137 tỷ đồng thì đến năm 2019 đạt trên 200 tỷ đồng. Huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các dự án như Nhà máy luyện antimon Bình An, nhà máy bê tông Thành Hưng Lâm Bình, mỏ đá của Hợp tác xã Biển Vinh, mỏ đá của Công ty Khánh Nam, 27 cơ sở chế biến lâm sản, 16 cơ sở sản xuất gạch không nung, 23 cơ sở gia công cơ khí, 4 cơ sở sản xuất bún…

 Các sản phẩm nông sản đặc sản của huyện Lâm Bình bán và giới thiệu tại thành phố Tuyên Quang.

Các sản phẩm nông sản đặc sản của huyện Lâm Bình bán và giới thiệu tại thành phố Tuyên Quang.

Điện lưới quốc gia phủ khắp các làng, bản, thôn xóm làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96,88%; số thôn bản được sử dụng điện lưới quốc gia là 68/70 thôn bản; toàn huyện đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm, dự kiến năm 2020 có thêm xã Thổ Bình đạt chuẩn; bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã.

Huyện cũng tập trung giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn. Trong năm 2019, huyện đã giải quyết việc làm cho 1.570 lao động nông thôn, trong đó tạo việc làm tại địa phương cho 840 lao động, 700 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài 30 người. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm trên 43%, đến hết năm 2019 giảm còn 36%.

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là động lực để Đảng bộ và nhân dân Lâm Bình thi đua hoàn thành các mục tiêu năm 2020. Lời Then từ các bản làng ngợi ca cuộc sống mới như lời ước hẹn trước thềm xuân về sự đi lên của vùng đất khó này.

Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/suc-bat-lam-binh-127489.html