Sửa Thông tư 16, ngân hàng tìm lại ưu thế trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN về việc ngân hàng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được kỳ vọng có thể tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng gia tăng ưu thế trên thị trường TPDN, hỗ trợ thị trường phục hồi ổn định.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng khả quan hơn sau khi sửa Thông tư 16. Ảnh: TL

Những chuyện nảy sinh từ Thông tư 16

Thông tư 16 được NHNN ban hành từ cuối năm 2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) mua, bán TPDN.

Một số nội dung của Thông tư 16 đưa ra nhiều quy định siết chặt hơn so với trước đối với việc ngân hàng tham gia mua trái phiếu. Tại thời điểm đó, trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Thành Hòa - chuyên viên phân tích mảng ngân hàng thuộc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, một trong những nội dung có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến các ngân hàng là quy định không được mua TPDN phát hành có mục đích tăng quy mô vốn hoạt động. Bởi lẽ, những doanh nghiệp phát hành dạng này thời gian qua rất nhiều và ngân hàng cũng là lực lượng tham gia nhiệt tình với vai trò nhà đầu tư. Ngoài ra, một số chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại về quy định ngân hàng bán trái phiếu chưa niêm yết phải chờ 12 tháng sau mới được phép mua lại.

Quy định về điều khoản chuyển tiếp

Dự thảo Thông tư sửa đổi đưa thêm quy định về điều khoản chuyển tiếp nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng và khách hàng được tiếp tục thực hiện thực hiện các nội dung trong hợp đồng mua, bán TPDN đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó. Việc sửa đổi, bổ sung hợp các đồng trên kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành chỉ được thực hiện khi nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Theo một số chuyên gia tài chính, các quy định chặt chẽ hơn đối với việc ngân hàng mua trái phiếu có tác dụng một phần giúp ngân hàng (và cả các nhà đầu tư khác) khi đầu tư trái phiếu sẽ có sự chọn lọc kỹ càng hơn, ít sa đà vào những loại trái phiếu có rủi ro cao. Tuy nhiên, ở góc độ khác, cũng có nhiều quan điểm cho rằng, các quy định siết chặt của Thông tư 16 là một trong những lý do có thể làm giảm nhiệt thị trường TPDN. Ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SmartInvest cho biết, ngân hàng khi được tham gia mua bán trái phiếu cần phải được chủ động linh hoạt vì trong nhiều trường hợp, họ sẽ mua lại của các nhà đầu tư cá nhân, qua đó tăng tính thanh khoản cho trái phiếu.

Ngoài ra, việc ngân hàng được linh hoạt trong hoạt động mua bán trái phiếu cũng còn có thể gia tăng thái độ tích cực của đối tượng này tham gia thị trường TPDN cả với tư cách tổ chức phát hành. Thực tế diễn biến tại thị trường cho thấy, ngân hàng vẫn thường là nhóm đối tượng có tỷ trọng phát hành trái phiếu rất lớn, có nhiều giai đoạn bỏ xa so với nhóm thứ hai là bất động sản.

Những giải pháp tháo gỡ

Trong bối cảnh thị trường TPDN suy giảm, vai trò tham gia thị trường của các ngân hàng cũng có phần hạn chế. Tháng 4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN, trong đó ngưng hiệu lực thi hành quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16. NHNN cho biết, Thông tư 03 được ban hành trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cần có các giải pháp, quy định kịp thời từ nhiều phía để hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, đến hết năm 2023 đã hết thời hạn ngưng hiệu lực một số quy định của Thông tư 16 như nêu tại Thông tư 03 và theo đó NHNN đang xây dựng một dự thảo mới để sửa đổi Thông tư 16. Ngoài ra hồi quý IV/2023, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có một số ý kiến chỉ đạo, trong đó yêu cầu về việc theo dõi tình hình thực hiện Thông tư 03 để kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ các vướng mắc phát sinh thực tế trong tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở này, NHNN cho biết, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 16 được xây dựng trên quan điểm đưa ra các quy định phù hợp với tình hình thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Một trong những nội dung mới được ban soạn thảo đề xuất là quy định tổ chức thanh toán phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp cho doanh nghiệp phát hành, bên bán trái phiếu. Ban soạn thảo cho biết quy định này nhằm góp phần hỗ trợ theo dõi, giám sát tình hình sử dụng tiền thu được từ phát hành TPDN, tăng cường minh bạch thông tin, hỗ trợ thị trường TPDN phát triển bền vững; đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, một trong những nội dung từng bị cho rằng đã “trói chân” các ngân hàng dự kiến có thể cũng sẽ được bãi bỏ trong dự thảo Thông tư mới. Đó là khoản 11 điều 4 trong Thông tư 16 quy định việc ngân hàng bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết thì phải chờ 12 tháng mới được phép mua lại loại trái phiếu đã bán.

ÔNG NGUYỄN QUỐC HÙNG - TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI NGÂN HÀNG VIỆT NAM:

Ngân hàng cần giám sát mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp

Liên quan đến huy động trái phiếu, các doanh nghiệp, tổ chức muốn phát hành trái phiếu để huy động vốn hiệu phải xây dựng phương án phát hành giải đáp được đầy đủ các câu hỏi cơ bản: Mục đích đầu tư, hiệu quả đầu tư, lợi nhuận dự tính… Trên cơ sở đó, tổ chức phát hành mới đưa ra mức lãi suất huy động. Nhà đầu tư có quyền phải biết tiền đó đầu tư có đúng như mục đích phát hành không, từ đó mới biết lãi suất được hưởng là đúng với khả năng sinh lời của dự án.

Thực tế quan sát của tôi cho thấy, các doanh nghiệp tổ chức phát hành sử dụng vốn phát hành đúng mục đích đều có khả năng trả nợ trái phiếu đúng hạn, trường hợp có khó khăn sẽ được nhà đầu tư chia sẻ.

Trường hợp những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không đưa vào sử dụng đúng mục đích mà không ai kiểm soát, dẫn đến sử dụng vốn không vào đúng dự án, phương án khi phát hành dẫn tới không trả được tiền trái phiếu khi đến hạn là những biểu hiện có phần gian dối với nhà đầu tư.

Ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nào tương tự như cho doanh nghiệp đó vay. Do vậy, bên vay phải ý thức nghĩa vụ của mình, tuân thủ nghiêm túc sự kiểm tra, giám sát, không thể viện dẫn bất cứ lý do gì để trì hoãn, tránh né thực hiện nghĩa vụ này.

ÔNG TRẦN LÊ MINH - TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY ĐỊNH MỨC TÍN NHIỆM VIS RATING: Trái phiếu ngân hàng phát hành ra công chúng ít rủi ro

Trái phiếu là kênh đang tồn tại và đang phát triển và xu hướng chúng sẽ còn tiếp tục phát triển.

Chúng ta thấy rằng nhà đầu tư khi mua TPDN nếu chọn được đúng các doanh nghiệp làm ăn chân chính, sử dụng vốn đúng mục đích thì thường lợi nhuận cũng rất tương xứng. Trong đó, tôi thấy rằng ngân hàng là nhóm phát hành cũng rất tốt và trái phiếu của các ngân hàng phát hành ra công chúng thường có lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi, thông thường chênh lệch từ khoảng 1-1,5%.

Xu hướng của năm 2024 là các ngân hàng sẽ tiếp tục phát hành và phát hành rất nhiều, đây là kênh các nhà đầu tư có thể cân nhắc thay thế cho kênh tiền gửi ngân hàng. Với doanh nghiệp khác thì hiện tôi chưa phân tích đẩy đủ nhưng riêng với trái phiếu ngân hàng thì cũng chưa thấy có rủi ro chậm muộn thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, trái phiếu ngân hàng và nếu là trái phiếu phát hành ra công chúng thì nhà đầu tư còn có thể giao dịch rất dễ dàng.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-thong-tu-16-ngan-hang-tim-lai-uu-the-tren-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-143408-143408.html