Sửa đổi quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế sau nhiều tranh cãi

Bộ GTVT đề xuất quy định rõ các phương pháp tính toán số km xe chạy, tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.

Cách tính toán thời gian lái xe

Tại dự thảo mới, Bộ GTVT đề xuất quy định rõ các phương pháp tính toán số km xe chạy, tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày. Việc truyền dữ liệu được tính toán, xác định theo một phương pháp thống nhất trên máy chủ đơn vị kinh doanh vận tải/máy chủ dịch vụ và máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam.

Theo Bộ GTVT, kết quả về quãng đường xe chạy và số lần vi phạm trên 1.000km xe chạy có thể khác nhau trên các hệ thống. Điều này dễ gây nhầm lẫn và khiến đơn vị kinh doanh vận tải có nhiều băn khoăn và thắc mắc. Do đó, Bộ GTVT đề xuất tính toán về km xe chạy sẽ được thực hiện trên nền bản đồ số.

Dự thảo Thông tư cũng bổ sung cách tính toán thời gian lái xe.

Cụ thể, thời gian lái xe của một lái xe được xác định kể từ khi bắt đầu điều khiển phương tiện (xe bắt đầu chạy) đến khi xe dừng, đỗ trên 5 phút (áp dụng đối với xe buýt nội tỉnh và xe taxi), trên 15 phút (áp dụng đối với các loại xe còn lại) hoặc khi thay đổi lái xe.

Lực lượng chức năng kiểm tra một xe khách hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa

Lực lượng chức năng kiểm tra một xe khách hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa

Hành vi vi phạm quá thời gian lái xe liên tục được xác định khi người lái xe điều khiển phương tiện liên tục từ 4 giờ trở lên nhưng không dừng, đỗ xe tối thiểu 5 phút (áp dụng đối với xe buýt nội tỉnh và xe taxi), tối thiểu 15 phút (áp dụng đối với các loại xe còn lại);

Như vậy, so với quy định hiện hành, dự thảo đã cập nhật về thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe đối với lái xe taxi và xe buýt nội tỉnh, phù hợp với quy định tại Nghị định 10/2020.

Ngoài ra, Bộ GTVT cho biết, với đặc thù nghề nghiệp, việc điều khiển phương tiện được thực hiện ở tất cả các ngày, tất cả các khung giờ và trên mọi tuyến đường, không kể ngày đêm, cuối tuần hay ngày nghỉ lễ.

Do vậy, với quy định hiện tại: "ngày làm việc của người lái xe được tính từ khi lái xe bắt đầu điều khiển phương tiện (xe bắt đầu chạy) đến khi đủ 24 giờ hoặc đến khi lái xe nghỉ (không điều khiển phương tiện) đủ 14 giờ trở lên" gây khó khăn cho việc xác định thời điểm bắt đầu điều khiển phương tiện, cũng như khó khăn cho việc xác định thời điểm bắt đầu ngày làm việc của lái xe.

Quy định rõ ràng hơn về việc truyền dữ liệu giám sát hành trình

Quy định rõ ràng hơn về việc truyền dữ liệu giám sát hành trình

Bộ GTVT đề xuất ngày làm việc của người lái xe được tính từ 00:00 giờ đến 24:00 giờ. Thời gian làm việc của lái xe trong ngày được xác định vượt quá quy định khi tổng thời gian lái xe vượt quá 10 giờ.

Quy định này không làm phát sinh chi phí, thủ tục hành chính giúp tính toán chặt chẽ thời gian làm việc của lái xe, đảm bảo tài xế đủ sức khỏe điều khiển phương tiện, từ đó đảm bảo an toàn cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao thông và tham gia hoạt động vận tải đường bộ.

Đồng thời, cũng tạo sự rõ ràng, minh bạch trong giải quyết tranh chấp, tranh cãi trong quá trình giải quyết quyền và lợi ích các bên khi xảy ra tai nạn giao thông.

Phương tiện không truyền dữ liệu khi nào?

Tại dự thảo, Bộ GTVT quy định: Không truyền dữ liệu được xác định khi phương tiện có sự dịch chuyển về vị trí so với vị trí được ghi nhận tại thời điểm bắt đầu ngừng truyền dữ liệu và không có dữ liệu trong khoảng thời gian phương tiện di chuyển giữa hai vị trí.

Dự thảo cũng bổ sung thông tin của dữ liệu giám sát hành trình là thông tin về kiểu loại và số imei của thiết bị, tín hiệu động cơ của xe (nếu có).

Theo Bộ GTVT, trong thời gian qua, có một số trường hợp khi phương tiện lưu thông tại các khu vực không thuận lợi, tín hiệu GPS bị nhiễu, chập chờn khiến việc xác định phương tiện đang di chuyển hay dừng lại gặp khó khăn ảnh hưởng tới việc tính toán thời gian lái xe liên tục và thời gian lái xe trong ngày của lái xe.

Bên cạnh đó, để tra cứu loại thiết bị giám sát hành trình được gắn theo mỗi phương tiện cần liên hệ trực tiếp với đơn vị vận tải để được cung cấp thông tin. Cách làm này mất một khoảng thời gian và công sức mà thông tin chưa chính xác hoàn toàn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sua-doi-quy-dinh-ve-thoi-gian-lai-xe-lien-tuc-cua-tai-xe-sau-nhieu-tranh-cai-post551252.antd