SỬA ĐỔI LUẬT VIỆC LÀM, GÓP PHẦN XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI AN SINH XÃ HỘI BAO TRÙM, BỀN VỮNG

Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, đây là một trọng tâm trong công tác lập pháp của Ủy ban Xã hội trong thời gian tới. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu kỳ vọng Luật sẽ có những quy định cụ thể, khả thi để góp phần xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững.

THƯỜNG TRỰC ỦY BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Góp phần xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững

Báo cáo Kế hoạch xây dựng Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Xã hội với lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, dự án Luật này được xây dựng dựa nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới...

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trình bày báo cáo

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trình bày báo cáo

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ đã có Tờ trình số 84/TTr-LĐTBXH về Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Ngày 17/01/2023, Thường trực Chính phủ đã họp về các Đề nghị xây dựng luật, dự án Luật, trong đó có Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) (Thông báo số 15/TB-VPCP ngày 27/01/2023 của Văn phòng Chính phủ). Ngày 02/02/2023, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2023, trong đó có Đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ và hoàn thiện Hồ sơ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/3/2023. Bộ cũng sẽ phối hợp với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) và xây dựng Hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Về nội dung cụ thể, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung thêm các nội dung mới liên quan đến việc quản lý lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động, liên thông kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư, xem xét phương án lập sổ lao động số hóa đối với mỗi người lao động trên 15 tuổi, qua đó dễ dàng thực hiện các chính sách hỗ trợ, chính sách xã hội.

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Thêm vào đó, đại diện ban soạn thảo cũng cho biết, dự án Luật dự kiến sẽ có quy định về bộ chỉ số đánh giá sức khỏe của thị trường lao động; thống nhất, đồng bộ về tiêu chuẩn chất lượng đào tạo, cấp chứng chỉ lao động, hành nghề giữa hệ thống công và tư; ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, hỗ trợ, tư vấn việc làm, chi trả bảo hiểm thất nghiệp…

Chia sẻ về dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Việc làm (sửa đổi) cùng với Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững. Việc xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách gồm: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động). Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

Bên cạnh đó, Luật Việc làm cũng sẽ đem đến nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phủ khắp hầu hết các địa phương trên cả nước, giúp lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp... một cách dễ dàng, thuận tiện, các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp... thông qua các trung tâm này cũng giúp gia tăng độ phủ thụ hưởng chính sách tới hàng triệu người lao động trên cả nước.

Cần miễn phí tư vấn giới thiệu việc làm với các đối tượng yếu thế

Thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có chính sách xác lập vị trí, vai trò của hệ thống dịch vụ việc làm tư nhân, cách thức vận hành, phối hợp với hệ thống dịch vụ việc làm công. Đồng thời, cần làm rõ các nội dung liên quan đến cơ sở dữ liệu việc làm, cách thức thu thập, phân tích thông tin, dự báo xu hướng trong thị trường lao động, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, các hệ thống ngoài nhà nước trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu này.

Tham gia thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng việc sửa đổi Luật Việc làm cần có quy định miễn phí tư vấn giới thiệu việc làm để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giải quyết vấn đề việc làm cho người nghèo. Đây là vấn đề được nhiều cử tri mong mỏi gửi gắm và hứa hẹn tạo nên thay đổi lớn cho đời sống người dân nghèo. Một số đại biểu nhấn mạnh, Luật cần có những quy định chặt chẽ để khẳng định vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công, xây dựng thành hệ thống nghiệp vụ thống nhất, trợ giúp đắc lực cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu thập thông tin và điều phối thống nhất thị trường lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan

Quan tâm đến việc sửa đổi luật trên góc độ giới, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu góp ý rằng, Luật Việc làm (sửa đổi) nên tách biệt rõ ràng giới tính ở những lĩnh vực, ngành nghề lao động. Bởi lẽ hiện nay, nữ giới đang là đối tượng “yếu thế”, việc tiếp cận thông tin về việc làm ở nữ giới ít hơn nam giới, người lao động là nữ thường dễ mất việc làm hơn nam giới, vấn đề thu nhập của lao động nữ, hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn là nữ còn thấp, chưa thể hiện được tính bình đẳng.

Cùng đóng góp ý kiến về vấn đề này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh cần đánh giá, xem xét kỹ lưỡng để những quy định của luật theo sát được sự thay đổi nhanh chóng của bản chất việc làm trong thời đại khoa học công nghệ. Một số ý kiến đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội. Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp thất nghiệp: Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động, người lao động bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa

Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị cần lồng ghép vấn đề về giới trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phân tích để xem xét và đề ra giải pháp đưa vào văn bản luật đối với chính sách việc làm. Đặc biệt, các ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Việc làm cần xem xét, bổ sung, lồng ghép những vấn đề về bình đẳng giới, quy định cụ thể đối với đối tượng phụ nữ là lao động khuyết tật, lao động nông thôn, lao động vùng dân tộc…

Cùng với đó, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một nội dung quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia là việc sửa đổi điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo hướng bỏ nội dung "gặp khó khăn do suy giảm kinh tế", quy định rõ người sử dụng lao động được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động hoặc trong trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất bổ sung nội dung chi của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhất là các nội dung chi hỗ trợ quản lý, phát triển người tham gia, thu thập thông tin cung - cầu lao động… góp phần quản trị thị trường lao động. Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc đầu tư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, danh mục đầu tư theo tính chất sở hữu, khả năng sinh lời và quản lý rủi ro chặt chẽ, phù hợp với tính chất của quỹ. Đồng thời, bổ sung quy định về Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung quy định về chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=72925