Sửa đổi Luật Thủ đô - Tạo bệ phóng cho Hà Nội phát triển- Bài 2: Cần cơ chế thực sự đặc thù, mang tính riêng biệt

Hà Nội là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, là trung tâm chính trị-hành chính; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ... có lịch sử hơn nghìn năm.

Các đặc trưng đó chi phối đến chính sách, quy hoạch, thiết kế mô hình và phương thức quản lý Hà Nội. Trên hết, Hà Nội là Thủ đô, có tính riêng nhất, do đó cần có cơ chế thực sự đặc thù, mang tính riêng biệt.

Đô thị đặc biệt có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một

Theo các nhà làm luật, đây là luật dành cho Thủ đô chứ không phải là xây dựng luật cho một đô thị đặc biệt. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: "Đây là dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt vì Hà Nội là một đô thị đặc biệt và là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể chế hóa được nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy tạo động lực dẫn dắt cho cả nước. Thực chất đây là đạo luật về cơ chế đặc thù, về giao quyền, phân quyền, phân cấp trong đó có gắn với trách nhiệm giám sát và kiểm tra, để Hà Nội phát triển đột phá, từ đó tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước”.

Nhận thức rõ quan điểm này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã tập trung đầu tư rất lớn cả về công sức, trí tuệ cho dự án luật. Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội. “Giao quyền cho Hà Nội cũng chính là tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Các đại biểu tại Kỳ họp thứ mười hai, HĐND TP Hà Nội khóa XVI. Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội.Ảnh: VĂN ĐỒNG

9 nhóm vấn đề lớn được đề xuất

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 và từ thực tiễn đời sống Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất 9 nhóm chính sách theo hướng thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi. Đó là các nhóm chính sách về: (1) Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. (2) Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; (3) Nâng cao năng lực tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; (4) Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; (5) Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; (6) Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô; (7) Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (8) Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; (9) Liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Liên quan đến các nhóm cơ chế đặc thù quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) chỉ rõ, TP Hà Nội không phải là một tỉnh hay một địa phương mà là Thủ đô của cả nước, là hình ảnh đại diện cho cả quốc gia, mang tính hình mẫu, đóng vai trò dẫn dắt và có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Hà Nội phải đi trước, phát triển cao hơn mức yêu cầu chung của đất nước. Vì vậy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có những cơ chế, chính sách thực sự đặc thù, mang tính riêng biệt, nhằm tạo ra sức hút riêng của Thủ đô để thu hút các nguồn lực cho phát triển.

Cần có điều khoản quy định việc áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Nhìn vào 9 nhóm chính sách nêu trên, có thể thấy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đề xuất những chính sách đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của Hà Nội. Điều này đồng nghĩa các quy định, chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục khó tránh khỏi sự xung đột với các văn bản pháp luật hiện nay và trong tương lai. Vấn đề đặt ra, việc áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được thực hiện như thế nào?

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp chỉ ra rằng, khi đã là cơ chế đặc thù thì không thể tránh khỏi có xung đột với các văn bản pháp luật hiện nay. Do đó, cần thiết phải có một điều khoản quy định việc áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) trong quan hệ với các luật khác, bao gồm cả luật ban hành trước hay sau Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm khắc phục bất cập về hiệu lực thực tế và khả năng thi hành được của các quy định tại Luật Thủ đô.

Như đã đề cập trước đó, nhiều nội dung đặc thù của Luật Thủ đô bị vô hiệu, không thi hành được là do luật không có quy định về việc áp dụng Luật Thủ đô như thế nào trong trường hợp có sự khác biệt so với quy định về cùng một vấn đề trong các luật, nghị quyết khác của Quốc hội. Chính vì vậy, điều quan trọng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là phải có quy định về áp dụng Luật Thủ đô. Đây là cơ sở để xử lý việc áp dụng các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi) có khác biệt so với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật về cùng một vấn đề, bao gồm cả luật ban hành trước hay sau Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là vấn đề mấu chốt để các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội áp dụng riêng cho Thủ đô đi vào đời sống.

Để giải quyết vấn đề này, tại khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thủ đô có nội dung khác so với quy định về cùng vấn đề tại các luật, nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực. Khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định cơ chế mới, có tính đặc thù, khác so với nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là không đương nhiên áp dụng quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau nếu có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng vấn đề. Trong trường hợp này, theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc áp dụng quy định của Luật Thủ đô hay áp dụng quy định của luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau phải được xác định cụ thể ngay trong từng luật, nghị quyết đó.

Thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia, đại biểu Quốc hội bày tỏ sự cần thiết phải có quy định về áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi), đồng thời phải xác định mối quan hệ của Luật Thủ đô (sửa đổi) đối với luật hiện hành. Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) nêu giải pháp cụ thể, nếu trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành mà có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn so với luật này thì có thể áp dụng các quy định có lợi nhất cho Thủ đô phát triển. Có cùng quan điểm, đồng chí Nguyễn Công Anh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội khẳng định: Nguyên tắc áp dụng này sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất để đưa Thủ đô Hà Nội bứt phá phát triển; đồng thời cũng giải quyết được những trăn trở, băn khoăn trong áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác.

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là cơ quan nào có thẩm quyền xác định và cách thức xác định áp dụng luật như thế nào trong trường hợp các luật, nghị quyết ban hành sau Luật Thủ đô không quy định cụ thể việc áp dụng luật, nghị quyết đó thì Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Anh Đức, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, để bảo đảm thi hành có hiệu quả quy định này, dự thảo luật đã bổ sung trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ phải phối hợp với chính quyền TP Hà Nội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm: Thứ nhất là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô. Thứ hai là quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật. Thứ ba, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua. Thứ tư, đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố. Thứ năm là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, của các cơ chế thí điểm; rà soát, tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo luật. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung để lựa chọn những vấn đề đặc thù, chưa được quy định để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

(còn nữa)

VŨ DUNG - MẠNH HƯNG - ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/sua-doi-luat-thu-do-tao-be-phong-cho-ha-noi-phat-trien-bai-2-can-co-che-thuc-su-dac-thu-mang-tinh-rieng-biet-752747