Sửa đổi Luật Thủ đô - Tạo bệ phóng cho Hà Nội phát triển - Bài 1: Vì sao cần sửa Luật Thủ đô?

LTS: Sau 10 năm đi vào cuộc sống, nhiều quy định trong Luật Thủ đô đã không còn phù hợp. Việc sửa đổi Luật Thủ đô là cấp thiết, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vấn đề là cần sửa đổi như thế nào để Luật Thủ đô thể hiện được những cơ chế, chính sách thực sự vượt trội, để Hà Nội có được bệ phóng phát triển, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trái tim của cả nước...

Bài 1: Vì sao cần sửa Luật Thủ đô?

Mặc dù đã góp phần tạo ra cơ chế thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội trong giai đoạn vừa qua, nhưng hiện nay có sự xung đột pháp luật giữa các quy định của Luật Thủ đô với các luật khác...

Luật Thủ đô đã tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực

Đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế. 10 năm trở lại đây, Hà Nội ghi nhận sự thay đổi rõ nét về hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Từ nội thành đến ngoại thành, những cây cầu, con đường hiện đại được mở rộng, từng bước định hình cho một Thủ đô kết nối và phát triển không ngừng. Tiêu biểu là các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ: Láng-Hòa Lạc; Pháp Vân-Cầu Giẽ; Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Hải Phòng; Nội Bài-Lào Cai; Nội Bài-Nhật Tân; cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; hệ thống cầu vượt thép bắc qua các điểm đen ùn tắc giao thông; hàng loạt tuyến đường xuyên tâm, các đường Vành đai 1, 2, 3 và 3,5,... góp phần kết nối và dần khép kín hệ thống giao thông thông suốt...

Kết quả này có được là do việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô bước đầu đã giúp thành phố huy động được nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung. Các quy định của Luật Thủ đô cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Nội. GRDP năm 2020 đạt 1,02 triệu tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 5.325USD, gấp 1,92 lần so với cả nước. Bình quân trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đóng góp hơn 16% GDP, 18,5% thu ngân sách nhà nước, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Một góc đô thị Hà Nội nhìn từ khu vực cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: TUẤN HUY

Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục. Khoa học-công nghệ, y tế được đầu tư phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng tới chất lượng, hiệu quả ứng dụng, thu hút được sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực... Hà Nội đang dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, sức mạnh lan tỏa, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn cho thấy, sau 10 năm Luật Thủ đô đi vào thực tiễn, kinh tế phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Nhiều nguồn lực quan trọng của thành phố về vốn, đất đai, sức lao động, tiềm lực trí tuệ của đội ngũ trí thức Thủ đô... chưa được khai thác hiệu quả. Công tác xây dựng, quy hoạch và quản lý đô thị một số mặt còn bộc lộ nhiều yếu kém. Phát triển văn hóa-xã hội chưa tương xứng với yêu cầu và vị thế của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hình thành nếp sống văn minh đô thị chưa đạt được kết quả như mong muốn...

Một trong những hạn chế dễ nhận thấy của Hà Nội trong thời gian qua là việc thực hiện quy hoạch chung về xây dựng, phát triển mô hình thành phố vệ tinh Hà Nội, các thị trấn sinh thái vẫn còn chậm chạp, gặp nhiều khó khăn. Việc giãn dân cư vùng nội đô nhằm bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý, giảm tải hạ tầng cho đô thị trung tâm-một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề. Trong khi đó, tình trạng tăng dân số cơ học vẫn tiếp tục tăng nhanh, nhất là ở nội thành, khu vực nội đô lịch sử. Khó khăn nổi lên là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch, kéo theo đó là những áp lực rất lớn về hạ tầng xã hội, giao thông, nhà ở, chất lượng sống...

Nhìn rộng ra, Hà Nội vẫn chưa phát triển đủ mức đáp ứng kỳ vọng về một thành phố hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đặc biệt là vai trò của một đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết Vùng Thủ đô của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có.

Một số chính sách đặc thù không thể thi hành

Luật Thủ đô năm 2012 đã có 14 điều quy định về các chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020, nhưng hiệu lực pháp lý thực tế của Luật Thủ đô chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nguyên nhân chính là một số chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô bị vênh với chính sách hiện hành nên không thể thi hành.

TS Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp chỉ ra rằng, Luật Thủ đô được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, tức là khoảng 5 tháng trước khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội ban hành. 10 năm thực thi Luật Thủ đô cũng là 10 năm hệ thống pháp luật Việt Nam có sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng. Phần lớn các văn bản là căn cứ pháp lý ban hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã sửa đổi, bổ sung, thay thế (như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở...). “Trong khi đó, nguyên tắc là các luật ban hành sau Luật Thủ đô có điều chỉnh những vấn đề đã quy định trong Luật Thủ đô thì áp dụng luật ban hành sau. Vì vậy, một số chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô bị vênh với các luật ban hành sau”, TS Dương Thị Thanh Mai phân tích.

Ví dụ, về việc người dân Hà Nội rất quan tâm là vấn đề cải tạo chung cư cũ, điều này được quy định trong Điều 16 Luật Thủ đô. Hà Nội cũng có nhiều chương trình, HĐND thành phố cũng ban hành nghị quyết, tuy nhiên lại vướng với văn bản quy định chi tiết Luật Xây dựng, Luật Nhà ở ban hành sau Luật Thủ đô.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô của Bộ Tư pháp chỉ rõ nguyên nhân làm cho nhiều nội dung đặc thù của luật bị vô hiệu, không thi hành được là do luật không có quy định về việc áp dụng Luật Thủ đô như thế nào trong trường hợp có sự khác biệt so với quy định về cùng một vấn đề trong các luật, nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực hoặc ban hành sau. Hơn thế nữa, thực tiễn thi hành Luật Thủ đô năm 2012 còn cho thấy khá nhiều nội dung đặc thù, vượt trội trong luật được giao cho HĐND, UBND TP Hà Nội quy định chi tiết nhưng những văn bản này của địa phương dù đã ban hành cũng không thi hành được vì hàm chứa các quy định khác hoặc trái với văn bản của Trung ương (nghị định, thông tư) có hiệu lực cao hơn quy định về cùng vấn đề.

Vấn đề quan trọng hơn, theo nhận định của các chuyên gia, hạn chế trong thực thi Luật Thủ đô là do những chính sách đặc thù được xây dựng mang tính định hướng là chủ yếu, không có quy định cụ thể, dẫn tới thiếu cơ chế thực hiện. Ví dụ, lĩnh vực về tổ chức chính quyền và bộ máy của TP Hà Nội, trong Luật Thủ đô không có điều nào quy định về tổ chức bộ máy của Thủ đô, vì vậy cũng không có quy định về phân cấp, phân quyền cho Hà Nội trong tổ chức bộ máy, cơ quan giúp việc và đội ngũ nhân lực.

(còn nữa)

VŨ DUNG - MẠNH HƯNG - ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/sua-doi-luat-thu-do-tao-be-phong-cho-ha-noi-phat-trien-bai-1-vi-sao-can-sua-luat-thu-do-752603