Sửa đổi Luật Thủ đô: Nhiều quy định mang tính đột phá để Hà Nội phát triển xứng tầm

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới chiều 26-11, ông Nguyễn Hồng Tuyến - thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Luật Thủ đô (sửa đổi); Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Thủ đô có nhiều quy định mang tính đột phá để tạo cơ hội phát triển xứng tầm cho Hà Nội cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng Thủ đô.

Việc thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội sẽ tạo động lực để Thủ đô ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Nhật Nam

Việc thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội sẽ tạo động lực để Thủ đô ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Nhật Nam

- Là người đứng đầu Vụ Pháp luật - một trong những Vụ quan trọng của Văn phòng Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản pháp luật, ông đánh giá thế nào về mục tiêu hướng đến của việc sửa đổi dự án Luật Thủ đô lần này?

- Việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra. Mục tiêu là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn bất cập trong quá trình thi hành Luật Thủ đô; thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ đó, xây dựng phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là “trái tim” của cả nước; là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển…

- Mới đây, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Tóm tắt dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đã có những đánh giá gì về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), thưa ông?

- Có thể nói, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao Chính phủ, Ban Soạn thảo, mà trực tiếp là Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi hồ sơ tài liệu đến Quốc hội từ sớm, bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Nhìn chung, đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội đối với Thủ đô. Các đại biểu cũng cho rằng, dự án Luật này số lượng điều và chương không nhiều (7 chương và 59 điều) nhưng nội dung điều chỉnh rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, do đó đòi hỏi cao về kỹ thuật lập pháp. Có nhiều nội dung mang tính đặc thù, đột phá. Trong đó, có những quy định mang tính kế thừa Luật Thủ đô hiện hành và nhiều nội dung được bổ sung tạo cơ sở pháp lý vững chắc và động lực mới trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Đây cũng là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ hơn tại phiên họp dự kiến diễn ra ngày 27-11, của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

- Ông có thể chia sẻ về những cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, là tiền đề để Hà Nội phát triển xứng tầm và có những bứt phá mới?

- Như tôi đã nói ở trên, Luật Thủ đô là một đạo luật đặc thù, với nhiều quy định mang tính đột phá, mà đã là đặc thù thì được quy định khác với các luật khác, nhưng không được trái với Hiến pháp và chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Theo đó, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật đã quy định về tổ chức chính quyền đô thị. Cụ thể là, không tổ chức HĐND phường theo tinh thần Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Về tổ chức bộ máy, chính quyền Thủ đô, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bám sát mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đã xác định phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng với định hướng phát triển công nghiệp (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội với định hướng phát triển khoa học công nghệ và giáo dục (Hòa Lạc - Xuân Mai). Từ đó, tạo ra sự liên kết giữa hai thành phố thuộc thành phố và giữa hai thành phố với các đô thị vệ tinh của Thủ đô.

Về chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, để góp phần chuẩn hóa, tăng tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, dự thảo Luật quy định về chế độ quản lý cán bộ công chức các cấp thành phố Hà Nội theo hướng quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung; không phân biệt tiêu chuẩn của công chức ở các cấp chính quyền.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô. Cụ thể, dự thảo đã luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội. Theo đó, các quy định về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và thưởng cho Thủ đô; áp dụng một số loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục theo quy định của Luật Phí, lệ phí; việc hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản phí chủ yếu là kế thừa các quy định của Luật Thủ đô năm 2012, luật hóa quy định của Nghị định số 63/2017/NĐ/CP và Nghị quyết số 115/2020/QH14. Một số quy định chính sách này hiện cũng đang được áp dụng cho các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Dự thảo Luật Quy định ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại 95% các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội và các dự án công trình, dự án trọng điểm có tính chiến lược của Thủ đô, Vùng Thủ đô, các dự án đối tác công tư (PPP), dự án giao thông công cộng, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.

Về huy động nguồn lực tài chính để đáp ứng cho phù hợp với cơ cấu tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, dự thảo Luật đã quy định phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD), có nghĩa là phát triển giao thông để phát triển đô thị. Đây là kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông... để khai thác nguồn lực, phát triển kinh tế, hạ tầng rất hiệu quả. Đi cùng với đó là phát triển không gian ngầm, không gian xanh và không gian giao thông. Chính sách đặc thù để Thủ đô phát triển không giống với chính sách đặc thù phát triển của một số địa phương khác, như thành phố Hồ Chí Minh theo quy định hiện hành được đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) bằng tiền thì Hà Nội lại được đầu tư bằng hình thức BT cả bằng tiền và đất. Về Vùng Thủ đô, dự thảo Luật quy định liên kết vùng, nhằm cụ thể hóa chính sách liên kết phát triển Vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Theo đó, quy định về Vùng Thủ đô và trách nhiệm địa phương trong Vùng Thủ đô, giao thẩm quyền cho Hà Nội trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện và quản lý quy hoạch Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, phê duyệt, thực hiện và huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư trong Vùng Thủ đô hoặc dự án các tỉnh khác trong vùng.

- Một trong những yêu cầu đặt ra đó là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật. Vậy nếu Luật này được thông qua, cần lưu ý gì trong vấn đề áp dụng pháp luật, thưa ông?

- Tuy có nhiều quy định đột phá, vượt trội nhưng chúng ta phải thống nhất rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) không nằm ngoài tổng thể hệ thống pháp luật và không thay thế các luật khác.

Song, để Luật sửa đổi lần này bảo đảm được tính đặc thù, vượt trội, khắc phục hạn chế của Luật Thủ đô năm 2012 với nhiều quy định không khả thi do vướng bởi các luật được ban hành sau đó, dự thảo đã quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Theo đó, nếu Luật ban hành sau có lợi hoặc thuận lợi hơn Luật Thủ đô thì Hà Nội được quyền lựa chọn để áp dụng quy định đó. Đây cũng là nội dung được đưa ra xin ý kiến tại kỳ họp Quốc hội lần này.

- Nếu các quy định này được Quốc hội thông qua, ông kỳ vọng gì khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được triển khai trong thực tế?

- Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, “trái tim” của cả nước mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế. Với vai trò về kinh tế của mình, sự phát triển của Hà Nội sẽ tạo ra sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Việc phát triển Thủ đô là nhiệm vụ, trách nhiệm chung của cả nước.

Vì vậy, tôi kỳ vọng rằng các cơ chế chính sách đặc thù dành cho thành phố Hà Nội được thông qua, sẽ giúp Hà Nội xây dựng hệ thống hành chính và chế độ công vụ thống nhất, chuyên nghiệp, năng động, minh bạch, hiện đại; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, cải cách thủ tục hành chính, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô… Từ đó, không chỉ góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô mà còn tạo sự lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sua-doi-luat-thu-do-nhieu-quy-dinh-mang-tinh-dot-pha-de-ha-noi-phat-trien-xung-tam-649180.html