Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Sau 15 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), chính sách BHYT đã đạt được nhiều thành công, nhất là về tỉ lệ bao phủ... Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT cho thấy một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định và những yếu tố mới phát sinh chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để giải quyết, đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh trang bị máy móc hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân -Ảnh: T.T

Được ban hành năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, Luật BHYT về cơ bản đáp ứng được việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, nguyện vọng của người dân. Luật BHYT từng bước đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến chính sách BHYT tại Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT. Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi...

Những năm qua, công tác tuyên truyền với nhiều hoạt động và nội dung phong phú đã góp phần tăng cường nhận thức của các cấp, ngành và người dân về BHYT, tạo thuận lợi cho cả người tham gia BHYT, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và cơ quan quản lý Quỹ BHYT trong thực hiện BHYT. Chính sách BHYT cũng góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe của bản thân.

Từ thực tế có nhiều khó khăn trong thực hiện vận động tham gia BHYT, đến nay, nhiều sáng kiến đã được đề xuất và triển khai hiệu quả. Đó là đã có nhiều chi hội phụ nữ thành lập câu lạc bộ góp vốn xoay vòng để các gia đình phụ nữ khó khăn trong chi hội tham gia BHYT; một số trường học triển khai nuôi heo đất, tiết kiệm tiền, vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp ủng hộ để học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể tham gia BHYT...

Theo thống kê của BHXH tỉnh, ước tính đến ngày 31/12/2023, tổng số người tham gia BHYT là 631.280 người, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 96,5% dân số, vượt 1,35% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022, vượt 1,35% so với chỉ tiêu cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2023. Năm 2023, toàn tỉnh ước có khoảng hơn 1,18 triệu lượt KCB BHYT, với chi phí hơn 620,8 tỉ đồng.

Ngoài mở rộng diện bao phủ, chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao rõ rệt, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày được bảo đảm do liên tục có sự điều chỉnh về danh mục, điều kiện, tỉ lệ của thuốc, vật tư y tế, danh mục dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu KCB. Đến nay, toàn tỉnh có 146 cơ sở y tế khu vực nhà nước, 289 cơ sở y tế ngoài công lập có chức năng KCB. Trong đó, có 152 cơ sở KCB BHYT với cơ quan BHXH tỉnh (143 cơ sở công lập, 9 cơ sở ngoài công lập).

Thực hiện quy định về thông tuyến KCB đã tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã, được KCB tại các cơ sở tuyến huyện, tuyến xã trong phạm vi tỉnh và KCB tại tuyến huyện trên phạm vi toàn quốc. Đây là cơ hội cho người có thẻ BHYT tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi, giảm thiểu thủ tục hành chính. Đồng thời, các cơ sở KCB phải chủ động, tích cực tăng cường năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ để thu hút người có thẻ BHYT đến KCB.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai Luật BHYT trong thời gian qua cho thấy, chính sách BHYT vẫn còn nhiều bất cập. Đó là việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn hạn chế, tỉ lệ tham gia chưa đầy đủ, tính tuân thủ pháp luật chưa cao.

Trong khi đó, chất lượng KCB chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng KCB vượt tuyến dẫn tới sự quá tải ở tuyến trên và người dân chưa hài lòng vì thủ tục KCB và phải mất thời gian chờ đợi. Còn nhiều người thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHYT nhưng chưa tham gia theo quy định, chủ yếu là người lao động trong các lĩnh vực đánh bắt hải sản, xây dựng, kinh doanh hộ gia đình...

Từ cuối năm 2018, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, xây dựng Luật BHYT (sửa đổi). Theo đó, lần sửa đổi này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn, đó là: mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT.

Tỉnh Quảng Trị kiến nghị một số nội dung đối với Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT năm 2008, trong đó đề nghị bổ sung quy định cơ sở KCB BHYT hoặc cơ quan BHXH có trách nhiệm thanh toán lại chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế trong phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng mà người bệnh đã mua do cơ sở KCB BHYT không cung cấp kịp thời theo quy định.

Kiến nghị Luật Sửa đổi, bổ sung Luật BHYT nâng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng học sinh, sinh viên từ 30% hiện nay lên 50%; đối tượng hộ gia đình cận nghèo cũng nên được nâng mức hỗ trợ BHYT từ 70% lên 100%, vì trên thực tế có những hộ không có sổ hộ nghèo nhưng thực sự rất khó khăn, không có điều kiện để mua thẻ BHYT.

Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan xây dựng, ban hành giá dịch vụ y tế (DVYT) áp dụng trong KCB BHYT; cơ cấu giá của DVYT cần được công khai, minh bạch và lấy ý kiến phản biện của các cấp, ngành liên quan trước khi ban hành...

Hiện Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHYT nhằm đồng bộ, thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cũng như phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/sua-doi-luat-bao-hiem-y-te-de-phu-hop-voi-yeu-cau-thuc-tien/182661.htm