Sửa đổi Luật Báo chí để phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, giờ đây, một số bất cập, hạn chế của Luật đã bắt đầu bộc lộ, đặc biệt khi xu thế chuyển đổi số ngày càng lan tỏa và tác động mạnh trong mọi mặt đời sống xã hội.

Phát biểu tại hội nghị "Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo", chiều 17/11, tại Hòa Bình, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Luật Báo chí quy định khá đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên...

Tại hội nghị, các đại biểu đã có những đề xuất, kiến nghị sửa Luật Báo chí để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có những đề xuất, kiến nghị sửa Luật Báo chí để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, thực tế Luật Báo chí vẫn còn nhiều tồn tại cần phải sửa đổi toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới. Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ninh cho rằng, Luật Báo chí năm 2016 chưa đề cập đến một số mô hình cơ quan báo chí mới (tập đoàn truyền thông, tổ hợp truyền thông, tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông….), chưa có trong tiền lệ, cần được cụ thể hóa trong Luật Báo chí để cập nhật và phù hợp với xu thế phát triển của báo chí.

Nhà báo Phạm Đức Thái, Ủy viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu quan điểm, cần tăng cường vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác tham gia vào quá trình sửa đổi Luật báo chí. Đặc biệt, nhà báo Phạm Đức Thái đề nghị, 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo cần được cô đọng lại trở thành một "Tuyên ngôn báo giới" ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu đã bày tỏ mong muốn hội nhà báo địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong chỉ đạo, quản lý báo chí, xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nhấn mạnh vai trò của các cấp Hội nhà báo phát huy tính chủ động, quyết liệt trong công tác phòng ngừa, chấn chỉnh những sai phạm của hội viên trong việc tham gia mạng xã hội...

Phát biểu kết luận hội nghị, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhận định, việc đi sâu phân tích, trao đổi mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí, phản ánh những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo để kịp thời đưa ra những giải pháp sửa đổi, khắc phục tồn tại là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo.

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/sua-doi-luat-bao-chi-de-phu-hop-voi-yeu-cau-thuc-tien-i714175/