Sửa đổi chính sách dựa trên bằng chứng khoa học, thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích

Phương pháp tính thuế là một nội dụng dự kiến sẽ được sửa đổi tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại Hội thảo trao đổi về sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do Ủy ban Tài chính – Ngân sách phối hợp với Viện KAS Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, khi thay đổi chính sách cần dựa trên đánh giá tác động tổng quát, với các bằng chứng khoa học và thuyết phục, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Là công cụ định hướng sản xuất và tiêu dùng

Từ thực tế áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho rằng, loại thuế này là một công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và môi trường, trên tinh thần các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực y tế và môi trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại hội thảo

PGS. TS Lý Phương Duyên, Học viện Tài chính cũng cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt (VAT) là một sắc thuế thuộc loại thuế tiêu dùng. Vì thế, mục tiêu trước tiên của các quốc gia trên thế giới khi áp dụng sắc thuế này là để hướng dẫn sản xuất và hạn chế tiêu dùng một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đối với xã hội, các sản phẩm, dịch vụ không có lợi cho sức khỏe, các loại sản phẩm, dịch vụ không có lợi về mặt xã hội, về phong tục, tập quán, sinh hoạt hay những loại sản phẩm, dịch vụ gây lãng phí hoặc gây khó khăn cho hoạt động kinh tế - xã hội. Sau đó, mới đến các mục tiêu để điều tiết, phân phối lại thu nhập; giúp tăng thu ngân sách Nhà nước…

Nhìn từ mục đích áp dụng của sắc thuế này, các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất cho rằng, khi xu hướng tiêu dùng và bối cảnh kinh tế thay đổi thì việc cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết. Trong đó, qua số liệu thống kê và so sánh với các quốc gia có điều kiện tương tự như Việt Nam, TS. Evan Harold Blecher, chuyên gia kinh tế của Chương trình Thuế toàn cầu Ngân hàng Thế giới nhận thấy, thời gian qua, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh, tất cả hàng hóa đều trở nên có giá cả phải chăng hơn, giúp mỗi cá nhân, gia đình và cả xã hội có thể sử dụng được nhiều loại hàng hóa hơn. Tuy nhiên, khi hàng hóa gây hại trở nên có giá phải chăng hơn thì các cá nhân, hộ gia đình và xã hội phải gánh chịu thiệt hại nhiều hơn.

TS. Evan Harold Blecher cho biết, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh của Việt Nam đã từ mức thấp hơn đáng kể so với các quốc gia đồng đẳng vào đầu những năm 1990 lên cao hơn đáng kể so với các quốc gia đồng đẳng trong những năm 2010. Từ năm 1900 đến 2019 thì tỷ lệ này đã tăng 460%, trong đó có nguyên nhân từ sử dụng nhiều bia, rượu.

Từ thực tế nêu trên, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc áp dụng phương pháp tính thuế tương đối, dựa trên giá trị của sản phẩm như hiện nay ở Việt Nam cần xem xét lại. Bởi, tác hại liên quan đến bia, rượu không tương quan với giá trị, một loại bia rẻ hơn cũng không kém phần độc hại so với một loại bia đắt tiền. Trên thực tế, tác hại tương quan với khối lượng, đặc biệt là khối lượng/độ mạnh của bia, rượu, nên áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối hay hỗn hợp sẽ phản ánh đúng hơn tác hại của một hàng hóa, sản phẩm. “Đây cũng là lý do 73% các quốc gia trên thế giới đang chuyển sang tính thuế tuyệt đối và hỗn hợp, chỉ còn 27% quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, áp dụng phương pháp tính thuế tương đối”, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, tại dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ nghiên cứu áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá; và, nghiên cứu áp dụng phương pháp tính thuế mới với một số mặt hàng khác.

Ghi nhận thông báo này từ cơ quan quản lý của Việt Nam, TS. Mark Goodchild, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, áp dụng một hệ thống tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp cần được coi là vấn đề ưu tiên trong sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và tỷ lệ thuế tuyệt đối cần được áp cao để bảo vệ sức khỏe người dân.

Các đại biểu tại hội thảo

Các đại biểu tại hội thảo

Thay đổi theo lộ trình để các doanh nghiệp kịp thích ứng

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, việc chuyển đổi phương pháp tính thuế sang các thông lệ tốt của quốc tế cũng cần được quan tâm, vì trong khu vực Đông Nam Á hiện chỉ còn 3 quốc gia áp dụng phương pháp tính thuế tương đối (Việt Nam, Lào, Campuchia). Ngay hai quốc gia đang áp dụng phương pháp tính thuế giống với Việt Nam cũng đã có hành động cụ thể để chuyển sang áp dụng các thông lệ tốt của quốc tế. Như chia sẻ của đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Hội thảo, Campuchia đang sửa đổi phương pháp tính thuế, dự kiến sẽ áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối từ năm 2025.

Giám đốc Ngoại vụ Heineken Việt Nam Nguyễn Thanh Phúc phát biểu

Giám đốc Ngoại vụ Heineken Việt Nam Nguyễn Thanh Phúc phát biểu

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Giám đốc Ngoại vụ Heineken Việt Nam Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, việc thay đổi hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt từ tương đối sang hỗn hợp có thể sẽ có một số tác động đến thị trường tiêu thụ bia hiện nay. Tuy nhiên, nếu xây dựng một cách hợp lý, với sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với thị trường trong nước, thì hệ thống thuế hỗn hợp sẽ có những lợi thế rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu giảm tác hại của việc tiêu thụ đồ uống có cồn, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn thu ngân sách bền vững và khuyến khích sự phát triển của ngành bia.

So với việc tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu, ông Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp ít ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong ngành. Kết quả tính toán cho thấy, nếu giữ nguyên hệ thống thuế tương đối và tăng thuế suất thêm 5%, chi phí thuế trung bình sẽ tăng thêm từ 1.000 đến 1.100/ lít. Trong khi đó, nếu sử dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp bằng cách giữ nguyên mức thuế suất tương đối 65%, cộng thêm cấu phần tuyệt đối nhỏ tương ứng với chi phí thuế trung bình, thì chi phí thuế sẽ thấp hơn.

Đại diện Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận những đặc tính ưu việt của phương pháp tính thuế mới (tuyệt đối và hỗn hợp), nhưng cần chú ý đến việc Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Ngành bia của Việt Nam cũng có tính phân hóa cao so với nhiều thị trường bia trên thế giới, thể hiện qua: giá bán bia trên thị trường có sự chênh lệch cao; trên 60% thị phần thuộc về dòng bia có mức giá thấp… Với đặc điểm này, “dù không thể đi ngoài xu hướng chung trên thế giới, nhưng để doanh nghiệp bia trong nước kịp thời thích ứng thì cần có lộ trình thực hiện hợp lý”, đại diện Công ty TNHH Bia Carlsberg nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Thanh Phúc cũng cho rằng, nếu thực hiện chuyển dịch sang hệ thống hỗn hợp với lộ trình rõ ràng để tăng dần cơ cấu tuyệt đối đồng thời giảm cơ cấu tương đối sẽ giúp các nhà sản xuất có kế hoạch thay đổi danh mục sản phẩm, có động lực để đầu tư nâng cao chất lượng, nghiên cứu sản phẩm mới… Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành sản xuất bia trong nước theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo, việc nghiên cứu áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, dựa trên kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) và thuế suất tuyệt đối, là cần thiết và phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Nhưng, việc áp dụng phương pháp nào cần được phân tích đánh giá một cách tổng thể tác động của chính sách thuế không chỉ với người tiêu dùng mà còn với người sản xuất, người lao động của ngành sản xuất kinh doanh có liên quan. Các sửa đổi cần đưa ra dựa trên bằng chứng khoa học và thuyết phục; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lap-phap/sua-doi-chinh-sach-dua-tren-bang-chung-khoa-hoc-thuc-tien-bao-dam-hai-hoa-loi-ich-i350659/