Sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản: 'Chống quân xanh, quân đỏ'

Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) hướng tới hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá… để đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (phục vụ công tác thẩm định), quy định hiện hành về các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá chưa loại trừ được hoàn toàn “hiện tượng thông đồng, dìm giá” “quân xanh, quân đỏ”, nhất là các cá nhân, tổ chức có mối quan hệ lợi ích chi phối lẫn nhau.

Bổ sung nhiều đối tượng không được tham gia đấu giá

Cụ thể, theo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, thực tiễn tổ chức đấu giá tài sản phát sinh một số trường hợp người tham gia đấu giá tài sản là công ty mẹ, công ty con, công ty cùng là thành viên của tập đoàn, các công ty có cổ phần chi phối; bố, mẹ, anh, chị em, vợ, chồng cùng đăng ký tham gia mua một tài sản; hai người tham gia đấu giá cùng ủy quyền cho một người khác tham gia cuộc đấu giá; người tham gia đấu giá ủy quyền cho người khác tham gia cuộc đấu giá mà người này cũng là người tham gia cuộc đấu giá đó. Điều này dẫn đến việc tổ chức đấu giá không đảm bảo tính khách quan, minh bạch, có thể xảy ra tình trạng thông đồng, dìm giá.

Thứ trưởng Bộ tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào ngày 6-1. Ảnh: LÊ HUY/ Bộ Tư pháp

Thứ trưởng Bộ tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào ngày 6-1. Ảnh: LÊ HUY/ Bộ Tư pháp

Vấn nạn xã hội đen đe dọa những người tham gia đấu giá

Có việc bắt tay “quân xanh, quân đỏ” trong các phiên đấu giá nhằm dìm giá đất, lót đường cho một nhà đầu tư đã được định sẵn trúng với giá rẻ.

Ngoài ra còn có sự tham gia của xã hội đen, đe dọa những người tham gia đấu giá bỏ cuộc, rút hồ sơ. Khi đó cuộc đấu giá chỉ còn một người tham gia, một mình một chợ, những người tham gia khác chỉ là “quân xanh, quân đỏ”.

Đại biểu NGUYỄN THỊ THỦY,

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 1-6-2022

Đáng báo động tình trạng thông đồng, dìm giá

Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá trong nhiều trường hợp còn chưa hợp lý, chênh lệch nhiều so với giá thị trường, thậm chí kết quả định giá của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng một thời điểm còn chênh lệch nhiều, đặc biệt là giá đất.

Đáng báo động là tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá; hạn chế thông tin về cuộc đấu giá, cản trở, hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá, vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá tài sản…

Ông LÊ XUÂN HỒNG, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2022 (ngày 19-7-2022)

Luật Đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 38 quy định các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá. Tuy nhiên, đối với các trường hợp công ty mẹ, công ty con, công ty cùng là thành viên của tập đoàn, các công ty có cổ phần chi phối; bố, mẹ, anh, chị em, vợ, chồng cùng đăng ký tham gia mua một tài sản; hai người tham gia đấu giá cùng ủy quyền cho một người khác tham gia cuộc đấu giá; người tham gia đấu giá ủy quyền cho người khác tham gia cuộc đấu giá mà người này cũng là người tham gia cuộc đấu giá đó thì chưa có quy định.

Vì vậy, dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung nhiều đối tượng không được tham gia đấu giá. Cụ thể, bổ sung điểm e Điều 38 như sau “cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối cá nhân, tổ chức khác thông qua sở hữu, thâu tóm phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản đấu giá”.

Cấm công ty mẹ, công ty con tham gia đấu giá cùng một tài sản: Cần thận trọng

Nhận xét về điểm mới trên, một chấp hành viên cho biết dự thảo bổ sung đối tượng không được tham gia đấu giá như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản đấu giá là phù hợp. Trên thực tế có trường hợp người trong cùng một gia đình cùng nhau tham gia đấu giá chỉ để đủ số lượng người tham gia đấu giá. Vì vậy, quy định này sẽ hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá khi đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, đối với quy định cấm công ty mẹ, công ty con, cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối cá nhân, tổ chức khác thông qua sở hữu, thâu tóm phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định tham gia đấu giá trong cùng một tài sản đấu giá là chưa phù hợp. Vì các công ty thường sẽ hạch toán độc lập, hoạt động riêng lẻ, ít phụ thuộc vào công ty mẹ hay tập đoàn nên quy định cấm là không hợp lý.

Đồng tình, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng dự thảo mở rộng thêm các đối tượng không được tham gia đấu giá là cần thiết, nhất là mối quan hệ tương tác với nhau trong các tổ chức, các thành phần kinh tế nằm trong một hệ thống. Hiện nay nhiều tập đoàn có thể có hàng chục doanh nghiệp con, có mối quan hệ ràng buộc nhau hoặc sở hữu chéo lẫn nhau. Lúc đó, khi tham gia đấu giá sẽ có nhiều vấn đề phát sinh như nhiều người tham gia cuộc đấu giá đó thực ra là một, dẫn đến việc tổ chức đấu giá không đảm bảo tính khách quan.

Tuy nhiên, theo LS Tuấn, hạn chế nhóm này cũng không dễ vì rất khó để xác định được mối quan hệ “có khả năng chi phối”. Nếu xác định sai sẽ phát sinh tranh chấp, kiện ra tòa để yêu cầu hủy kết quả đấu giá. Việc này tốn nhiều thời gian, công sức. Do đó, cần thận trọng khi cấm nhóm đối tượng này.

Đấu giá trong trường hợp chỉ có một người tham gia

Theo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, khoản 1 Điều 49 Luật Đấu giá tài sản quy định việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá chỉ được tiến hành sau khi đã tổ chức cuộc đấu giá lần đầu nhưng không thành.

Tuy nhiên, điểm g khoản 1 Điều 52 quy định các trường hợp đấu giá không thành, không có quy định về trường hợp bán đấu giá lần đầu đối với các loại tài sản khác mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá thì có được xem là trường hợp đấu giá không thành hay không.

Về hướng giải quyết, Bộ Tư pháp đề nghị sửa đổi theo hướng cho phép tổ chức đấu giá tài sản được bán tài sản cho người duy nhất đăng ký tham gia đấu giá và trả ít nhất bằng giá khởi điểm ngay tại lần đấu giá thứ nhất.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/sua-doi-bo-sung-luat-dau-gia-tai-san-chong-quan-xanh-quan-do-post716610.html