Sự xuất hiện vi diệu

Nắng đang ươm mầm sống tuyệt vời, gió đong đưa trên tàu lá biếc, bầy chim say mê ca hót, giai điệu lảnh lót trong veo. Cảnh vật tươi vui như đón mừng ngày vui trần thế, ngày đánh dấu sự xuất hiện của Đức Phật trên cuộc đời.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1251 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1251 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Diễm phúc thay, chúng ta sinh ra trên cuộc đời được gặp Chánh pháp, trở mình thức tỉnh giữa giấc mộng phù sinh. Đuốc trí tuệ soi rọi nhân tâm, phá si mê, chỉ lối đưa người đến bờ giác ngộ. Suối từ bi tuôn chảy muôn dòng, khắp chốn nơi nơi an hòa vui sống. Dù thời gian trôi xa, dù qua bao thăng trầm dâu bể, những lời pháp mầu của Đức Từ phụ Thích-ca mãi còn nguyên vẹn, mới tinh. Bởi đó là chân lý, là lẽ sống thường nhiên, chẳng có thời gian, không gian nào đo lường được. Sự sống vô cùng tận, Pháp thân Phật cũng trùm khắp bao la như nuôi dưỡng chở che cho sự tồn sinh của muôn loài. Lặng thinh mà sống động đến vô cùng!

Những bậc vĩ nhân được thế giới ca ngợi, vinh danh vì sự xuất hiện của họ trên cuộc đời đã đem lại những điều tốt đẹp và lợi ích cho nhân quần xã hội. Sự xuất hiện của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng là một trong số những người như thế. Nhưng chúng ta không thể đồng hóa sự xuất hiện của Đức Phật giống như những bậc vĩ nhân khác. Bởi trong kinh, Đức Phật dạy: “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác…” (Kinh Tăng chi bộ, chương I, phẩm Một người).

Ở đây, Đức Phật đề cập sự xuất hiện của chính bản thân Ngài, mà cũng là đề cập đến sự xuất hiện của chư Phật. Sự xuất hiện của những bậc vĩ nhân thì chúng ta có thể gọi là sự xuất hiện vi diệu không? Chẳng hạn như những nhà bác học, họ phát minh hoặc sáng chế ra những công thức, định lý để chế tạo ra công cụ, máy móc cung ứng đời sống tiện nghi cho con người trong kiếp phù sinh, thì không thể nói sự xuất hiện đó là vi diệu.

Đức Thế Tôn xuất hiện trên cuộc đời không phải cho chúng ta cơm ăn áo mặc, nhà ở, món ngon vật lạ, tiện nghi vật chất, mà Thế Tôn cho chúng ta món ăn tinh thần, giúp chúng ta nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng, có cơ hội thoát ly vĩnh viễn kiếp sinh tử luân hồi. Một bên giúp ổn định đời sống kinh tế chỉ trong tạm thời, một bên giúp chúng ta có đời sống bình an vĩnh viễn. Cho nên sự xuất hiện của Đức Phật mới có thể gọi là sự xuất hiện vi diệu. Ngài là đấng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, tức là Ngài đã giác ngộ, đã sạch mọi lậu hoặc phiền não. Chính vì vậy Ngài xuất hiện ở đời gọi là một người vi diệu, không thể đồng hóa như những vĩ nhân khác.

Phật sở hành tán là một bản trường ca viết về cuộc đời Đức Phật, trong đó Bồ-tát Mã Minh (80-150 CN) nhấn mạnh sự hy hữu Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời. Trong tác phẩm cũng có đề cập đến tuyên ngôn của Bồ-tát khi mới Đản sanh:

Thử sinh vi Phật sinh

Tắc vi hậu biên sinh.

Ngã duy thử nhất sinh

Đương độ ư nhất thiết.

(Phật thị hiện sinh ra

Là lần sinh cuối cùng.

Ta trong một đời này

Nguyện độ khắp muôn loài).

Chúng ta sinh ra có ai dám quả quyết rằng kiếp sống này là cuối cùng? Nhưng ở đây, Ngài là Bồ-tát Hộ Minh ở cung trời Đâu-suất thị hiện vào cuộc đời và Ngài nói đây là kiếp cuối cùng. Tức là Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ, sinh ra cuộc đời chỉ một lần duy nhất nữa và sẽ vĩnh thoát sinh tử. Kiếp này là kiếp cuối cùng, tu hành nhất định sẽ thành tựu Phật quả. Và khi thành Phật rồi, Ngài phát nguyện độ khắp muôn loài. Lời nguyện ấy đã thể hiện một cách cụ thể qua 49 năm hoằng pháp độ sanh không biết mệt mỏi. Công hạnh của Ngài từ đó về sau mãi mãi là độ sanh.

Bồ-tát khi thành Phật rồi thì không có nghĩa rời bỏ xa lánh cuộc đời này. Khi còn là một vị Bồ-tát sơ phát tâm, vừa tu lợi ích cho mình, vừa hoằng truyền Chánh pháp làm lợi ích cho quần sanh, độ mình và độ người cùng tiến bộ trên đạo lộ tâm linh, cùng chuyển hóa và cùng thoát khổ. Một vị Bồ-tát sơ phát tâm cho đến khi là Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ, và khi thành Phật rồi cũng không có nghĩa là các Ngài vĩnh viễn Niết-bàn, không độ sanh nữa, mà các Ngài tiếp tục trục loại tùy hình, ra vào các cõi sinh tử để độ sanh.

Ví dụ, Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện 32 ứng hóa thân để cứu độ chúng sanh, mà có chỗ nói Bồ-tát Quán Thế Âm là một vị cổ Phật, nên có khi gọi là Phật Quan Âm. Vì đại cục mà các vị cổ Phật thị hiện thân Bồ-tát hay thân A-la-hán để hỗ trợ cho một vị Phật hoàn thành đại nguyện độ sanh. Cho nên, một vị Phật ra đời, rất nhiều vị Phật thị hiện để cùng hỗ trợ cho vị Phật đó độ sanh thành tựu. Ở đây sự kiện Đức Phật Thích-ca ra đời cũng nằm trong ý nghĩa đó.

Vào năm 1896, một nhà khảo cổ người Anh đã khai quật được một trụ đá do vua A-dục dựng lên để kỷ niệm nơi Đức Phật đản sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni. Vua A-dục là một Phật tử thuần thành, một vị tín thí hùng mạnh đối với Phật giáo. Ông có công rất lớn giúp cho đạo Phật được hưng thịnh, lan rộng khắp xứ Ấn Độ và một số nước khác trên thế giới. Ông cho những đoàn truyền giáo và xây dựng lên những cột trụ cùng khắp các nơi để đánh dấu những sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật.

Đức Phật đến với cuộc đời cho chúng ta một di sản về đời sống tinh thần, một nền đạo đức truyền thống tâm linh, từ hơn 25 thế kỷ trước cho đến mãi bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Cho nên, để tỏ bày tấm lòng tôn kính, nhiều người đệ tử xuất gia và tại gia sau này đã dựng lên xung quanh cuộc đời Ngài những truyền thuyết, huyền thoại mang tính siêu phàm. Việc thánh hóa Đức Phật trở thành bậc siêu phàm, điều này mang ý nghĩa tôn vinh nhân cách vĩ đại của Ngài.

Nhờ đó sau này người ta mới biết rằng Đức Phật Thích-ca là một nhân vật lịch sử chứ không phải là nhân vật huyền thoại. Nhưng Ngài là một nhân vật vĩ đại có một không hai trong lịch sử nhân loại. Đức Phật đến với cuộc đời cho chúng ta một di sản về đời sống tinh thần, một nền đạo đức truyền thống tâm linh, từ hơn 25 thế kỷ trước cho đến mãi bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Cho nên, để tỏ bày tấm lòng tôn kính, nhiều người đệ tử xuất gia và tại gia sau này đã dựng lên xung quanh cuộc đời Ngài những truyền thuyết, huyền thoại mang tính siêu phàm. Việc thánh hóa Đức Phật trở thành bậc siêu phàm, điều này mang ý nghĩa tôn vinh nhân cách vĩ đại của Ngài.

Đức Phật sinh ra trên cuộc đời cũng như bao con người, nhưng với tư chất xuất cách, năm 16 tuổi Ngài đã thông thạo cả võ nghệ và văn chương. Khi còn trẻ đã được vua cha mời những bậc thầy lỗi lạc vào cung để dạy học cho Ngài. Và vị thầy nào cũng đều nể phục trước sự thông minh, mẫn tiệp, tài năng của Ngài. Cũng vào năm 16 tuổi Ngài kết hôn với công chúa Da-du-đà-la, một năm sau hạ sanh La-hầu-la. Đến năm 19 tuổi Ngài vượt thành xuất gia. Trong khoảng giữa ba năm đó, Ngài luôn trầm tư về lẽ tử sinh, về sự đau khổ bất an của cuộc đời, của con người. Chúng ta sinh ra trên đời cũng nếm trải những khổ đau, có khi nào chúng ta trầm tư về sinh tử, khổ đau của cuộc đời không? Hay vẫn còn mải mê với những cái vui giả tạm.

Sau khi xuất gia, Ngài chu du khắp nơi tìm thầy học đạo, Ngài quán thông mọi ngành triết học, tư tưởng và tôn giáo đương thời, thông suốt cả 62 kiến chấp của ngoại đạo. Nói rộng ra là Ngài thông suốt 100 đạo giáo đương thời. Sự quán thông của Ngài về các tôn giáo khác rất rộng rãi. Nghiên cứu trong kinh A-hàm, nhất là kinh Trường A-hàm, chúng ta thấy Ngài đối đáp với ngoại đạo, trong hội chúng có cả ngàn người, đối mặt với những vị giáo chủ lừng danh của các tôn giáo khác, thế nhưng với biện tài vô ngại, Ngài thuyết phục rất dễ dàng. Phật giáo đã ảnh hưởng, đã vượt qua cả truyền thống tôn giáo đương thời tại Ấn Độ là Bà-la-môn giáo. Đã có rất nhiều vị Bà-la-môn bỏ đạo quy y Phật.

Trong thời gian chu du tầm đạo, không những về mặt triết học tư tưởng, Ngài bắt đầu đi vào con đường thiền định và đã trải qua tất cả những tầng thiền định của ngoại đạo đương thời. Trong sử ghi rằng, Ngài chứng đạt hai tầng thiền định cao nhất của cõi Vô sắc giới (Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ), gần thoát khỏi ba cõi, nhưng Ngài nhận thấy quả chứng đó vẫn chưa phải là rốt ráo. Sau đó, Ngài chuyển sang tu khổ hạnh. Trải qua 6 năm khổ hạnh, thân thể kiệt quệ, tinh thần u tối mà vẫn không tìm ra chân lý. Ngài quyết định từ giã lối tu khổ hạnh. Sau khi thọ dụng bát sữa cháo của một mục nữ chăn cừu, Ngài tắm mát thư giãn nơi dòng sông Ni-liên-thuyền, rồi đến dưới cội Bồ-đề, trải cỏ tọa thiền. Trải qua 49 ngày thiền định, đến đêm 49 khi sao Mai vừa mọc Ngài hoát nhiên đại ngộ và tuyên bố Ngài đã thành Phật.

Đức Phật được tôn xưng là Thế Gian Giải, một đức hiệu trong thập hiệu Như Lai. Ngài là một bậc thấu hiểu về con người, rõ đời sống. Hiểu được thế gian là khổ, nguyên nhân của khổ, Ngài mới đi tìm con đường vượt khổ và cuối cùng chứng đắc Niết-bàn. Như vậy, Đức Phật là một người rất am hiểu về thế gian nhưng không thỏa mãn, cuối cùng khuyến khích con người vượt khỏi thế gian. Ngài đã cho chúng ta hiểu biết như thật về các pháp và chỉ ra con đường đưa đến bất tử, thực chứng Niết-bàn, vĩnh thoát sinh tử.

Nhân mùa Phật đản về, chúng ta cùng nhắc lại những công hạnh, những nét siêu việt, nhân cách vĩ đại của Đức Phật để thấy rằng, đời này được quy y nương tựa theo giáo pháp của Ngài thật là phước duyên lớn. Phật đã dạy: Ngài là Phật đã thành, tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành. Đạo lộ dù nhiều gian nan nhưng chúng ta nguyện một lòng sắt son, vững niềm tin nơi Chánh pháp, nơi chính mình, tinh cần tu tập, nhất định một ngày nào đó tất cả chúng ta cũng ngồi trên tòa Như Lai vậy.

Thích Thông Huệ/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/su-xuat-hien-vi-dieu-post71581.html