Sự vỡ vụn của gia đình hạt nhân ở Mỹ

Gia đình hạt nhân từng là điểm sáng của văn hóa nước Mỹ. Nhưng đã đến lúc phải suy nghĩ lại.

Trong phần lớn thế kỷ XX, những gia đình Mỹ thường hiện lên cùng khuôn mẫu: một cặp vợ chồng hạnh phúc, với hai đứa con trở lên và một chú chó cưng, sống chung đầm ấm dưới một mái nhà và được gọi là "gia đình hạt nhân" (nuclear family).

Hồi chuông báo tử đầu tiên của gia đình hạt nhân là vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và thời kỳ suy thoái kéo dài hai năm sau đó, báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ bùng nổ thịnh vượng thời hậu chiến của phương Tây.

Kể từ đó đến nay, mô hình gia đình hạt nhân vỡ thành từng mảnh.

Năm 1970, hơn 2/3 số người Mỹ trưởng thành trong độ tuổi 25-49 sống với vợ/chồng và ít nhất một đứa con. Đến năm 2021, chỉ có 37% người trưởng thành đạt được tiêu chí đó.

Ngày nay, gần 1/4 trẻ em ở Mỹ sống trong các hộ gia đình có cha mẹ đơn thân và ngày càng có nhiều người trưởng thành sống không có vợ/chồng hoặc bạn tình, dù là ở một mình hay với bạn cùng phòng. Tính đến năm 2020, ngay cả những gia đình đa ái (nhiều hơn một vợ/một chồng) cũng đã nhận được sự bảo vệ hợp pháp tại khu đô thị Somerville, Massachusetts.

Quá sớm để đưa ra tuyên bố chính thức về sự chấm dứt của gia đình hạt nhân nhưng rõ ràng mô hình này giờ chỉ còn là một lựa chọn.

Thời không kết hôn bị coi là "loạn thần"

Giống như nhiều chuẩn mực xã hội khác, gia đình hạt nhân là sản phẩm của các điều kiện kinh tế và văn hóa ở một thời gian và địa điểm cụ thể, được duy trì bởi các chính sách và thể chế trong nhiều thập kỷ.

Gia đình hạt nhân, với hai vợ chồng và nhiều đứa con, từng là chuẩn mực chung ở nước Mỹ suốt nhiều thập kỷ. Ảnh: Fairfax Archive.

Cho đến thế kỷ XIX, hôn nhân không phải là sự kết hợp của hai tâm hồn yêu nhau mà là một bước đi thực dụng, bắt buộc trong truyền thống lâu đời về tổ chức xã hội và gia đình. Thời điểm đó, hầu hết người Mỹ sống trong các "doanh nghiệp gia đình" gồm nhiều thế hệ, kéo dài, làm việc cùng nhau để điều hành một trang trại gia đình hoặc một cơ sở kinh doanh.

Khi nền kinh tế công nghiệp hóa trong suốt thế kỷ XIX, ngày càng có nhiều nam nữ thanh niên rời bỏ trang trại của gia đình để đến làm việc trong các nhà máy và văn phòng, thường là ở các thành phố.

Thoát khỏi sự giám sát của cha mẹ và người thân, những người trẻ này bắt đầu hẹn hò, chi tiêu số tiền mình kiếm được một cách tùy ý tại các khu vui chơi, mua sắm.

Trong cuốn sách "Labor of Love: The Invention of Dating" (Lao động của tình yêu: Sự phát minh hẹn hò) xuất bản năm 2016, Moira Weigel đã theo dõi sự thay đổi này. Cô viết: "Hẹn hò đã trở thành một công việc kinh doanh sinh lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, hẹn hò khiến việc mua sắm trở nên cần thiết để có thời gian gặp mặt với một đối tác tiềm năng".

Khi văn hóa hẹn hò ngày càng ăn sâu vào nền kinh tế trong thế kỷ XX, lối sống dựa vào cộng đồng đã nhường chỗ cho các cá nhân tập trung vào nhu cầu bản thân.

Tầng lớp trung lưu mở rộng và trẻ em không còn phải lao động để nuôi sống kinh tế gia đình nữa; Trong các gia đình trung lưu da trắng, đàn ông kiếm tiền, vợ họ chăm con và lo liệu việc nhà. Gia đình hạt nhân trở thành một mô hình thu nhỏ của tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa tiêu dùng đi kèm.

Brooks đã lưu ý trên tờ The Atlantic, vị thế của gia đình hạt nhân đối với người Mỹ trưởng thành đã đạt đến đỉnh điểm trong khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi từ năm 1950 đến 1965, khi tỷ lệ ly hôn giảm, tỷ lệ sinh bùng nổ và nền kinh tế thời hậu chiến phát triển.

Chính trong những năm đó, có "một sự sùng bái đã hình thành xung quanh kiểu gia đình này", Brooks viết. Thời ấy, những người phá vỡ khuôn mẫu bằng cách từ chối kết hôn thường bị coi là tư tưởng lệch lạc hoặc "loạn thần".

Nhưng nỗi ám ảnh về gia đình hạt nhân kiểu mẫu đã che đậy sự bất ổn tiềm ẩn của nó.

Vào thập niên 1970, sự bất bình đẳng xã hội và tình trạng trì trệ tiền lương sau cuộc khủng hoảng và suy thoái dầu mỏ năm 1973 đã khiến nhiều người chồng da trắng có thu nhập trung bình không thể nuôi con. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động, mang lại cho họ quyền tự chủ kinh tế lớn hơn và giúp một số người có thể rời bỏ những cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Sau khi California hợp pháp hóa việc ly hôn không có lỗi vào năm 1969, các bang khác cũng nhanh chóng làm theo. Kết quả, tỷ lệ ly hôn tăng vọt. Cho đến ngày nay, phần lớn phụ nữ là người khởi xướng các vụ ly hôn.

Kiểu mẫu bị phá vỡ

Những người bảo vệ cái gọi là "giá trị gia đình truyền thống", từ tỷ phú Elon Musk - cha của 11 đứa trẻ - cho đến ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy, đều chỉ trích mối nguy hiểm kinh tế tiềm ẩn do tỷ lệ sinh giảm mạnh và tình trạng rối loạn xã hội có thể xảy ra. Một số người thậm chí còn cho rằng gia đình hạt nhân chính là nền tảng của nền dân chủ.

Trong khi đó, những người khác lại cổ vũ cho sự thay đổi của "tiêu chuẩn 4 người".

Sự thay đổi của xã hội, áp lực kinh tế ngày càng cao khiến gia đình hạt nhân không còn là kiểu mẫu. Ảnh: Annelisa Leinbach/Big Think.

Nhiều nhà phê bình bao gồm các học giả cấp tiến về việc bãi bỏ gia đình như ME O'Brien, người có cuốn sách "Family Abolition: Capitalism and the Communizing of Care" (Xóa bỏ gia đình: Chủ nghĩa tư bản và sự chăm sóc cộng đồng) xuất bản năm 2023, lập luận rằng các cấu trúc gia đình nội tại "không thể gánh vác gánh nặng công việc to lớn đặt lên họ".

Trong một câu chuyện trang bìa đầu năm 2020 cho The Atlantic, nhà báo bảo thủ David Brooks đã tuyên bố gia đình hạt nhân là "một sai lầm". Kể từ khi đại dịch bắt đầu, sự hoài nghi bao trùm toàn bộ khái niệm về gia đình kiểu mẫu ngày càng được tô đậm.

Dù thích hay ghét, tương lai của gia đình chưa bao giờ bấp bênh đến thế. Đối với một xã hội có cấu trúc xoay quanh lý tưởng của gia đình hạt nhân, sự sụp đổ của nó khiến mọi người phải tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra lúc này?

Gia đình hạt nhân bắt đầu tan rã nhanh chóng. Nhưng đó không hẳn là sự kết thúc của một kỷ nguyên vàng.

Khi ngày càng nhiều kiểu gia đình khác biệt xuất hiện, điểm yếu của cấu trúc gia đình hạt nhân càng lộ rõ. Hậu quả lớn nhất mà chúng ta thấy ngày nay là cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em, nơi tính tự lập vốn có của mô hình gia đình hạt nhân đã khiến phụ nữ phải gánh nặng nuôi con.

Nhiều phụ nữ đang đi làm nhưng vẫn tiếp tục phải gánh vác phần lớn công việc chăm sóc không công cho trẻ em và người thân già yếu. Họ gồng gánh nhiều việc nhà hơn - giặt giũ, dọn dẹp và nấu nướng đều chủ yếu do phụ nữ đảm nhận.

Stephanie Coontz, tác giả cuốn sách "Marriage, a History" (Hôn nhân, một lịch sử), nói rằng việc chia rẽ các gia đình cũng có thể "cô lập những cá nhân dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho sự lạm dụng".

Kristen Ghodsee, một nhà dân tộc học tại Đại học Pennsylvania và là tác giả của cuốn sách "Everyday Utopia: In Praise of Radical Alternatives to the Traditional Family Home", nói rằng sự sắp xếp gia đình hạt nhân có hiệu quả tốt đối với những người giàu có nhất trong hệ thống kinh tế tư bản, nhưng nó không phải là một thỏa thuận đặc biệt hấp dẫn đối với hầu hết người Mỹ.

Bà nói: "Tỷ lệ sinh giảm ở các nước công nghiệp hóa phản ánh thực tế rằng trẻ em là một khoản đầu tư tồi tệ cho các gia đình và rất nhiều người đang quyết định không sinh con".

Điều chỉnh theo lạm phát trong tương lai, Viện Brookings ước tính rằng sẽ tốn 310.605 USD để nuôi một đứa trẻ sinh năm 2015 cho đến 17 tuổi - cao hơn khoảng 43.000 USD tính theo giá USD ngày nay so với chi phí năm 1960.

Trong một cuộc khảo sát của Pew năm 2021 về những người trưởng thành dưới 50 tuổi không con cái, 44% cho biết họ khó có thể có con. Khi được hỏi tại sao, hầu hết đều trả lời đơn giản là không muốn, gần 1/5 nói rằng do chi phí nuôi con tốn kém.

Qua nhiều năm, những người rời xa chuẩn mực hạt nhân không còn bị coi là sai lầm nữa mà trở thành ví dụ về những con đường đa dạng mà người trưởng thành có thể đi.

Những kiểu gia đình mới ngày càng phổ biến. Ảnh: Wallace Araujo/Pexels.

Bất chấp sự đa dạng ngày càng tăng của các loại hộ gia đình, gia đình hạt nhân của những năm 1950 vẫn tiếp tục định hình nền kinh tế và thể chế của đời sống người Mỹ.

Nhìn chung, các chính sách cung cấp thông tin cho hệ thống thuế, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội được thiết kế nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho các cặp vợ chồng và con cái của họ. Trọng tâm chính sách hạn hẹp đó khiến ngày càng nhiều người Mỹ bị bỏ lại phía sau.

Mặc dù chưa rõ gia đình trong tương lai sẽ như thế nào nhưng những hạt giống của sự thay đổi đang lan rộng.

Những tháng gần đây xuất hiện vô số các mẩu tin xu hướng trên tạp chí, chủ đề Reddit và các tiêu đề báo chí suy đoán về các gia đình đa ái, việc nuôi dạy con cái thuần khiết và "mommunes" (xu hướng các bà mẹ đơn thân ở cùng nhau) đang trở thành vấn đề được quan tâm. Ngay cả những hộ gia đình nhiều thế hệ cũng đang dần trở nên thịnh hành, do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và nhu cầu chăm sóc của các gia đình.

Đinh Phạm

Theo Business Insider

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/su-vo-vun-cua-gia-dinh-hat-nhan-o-my-post1467919.html