Sự tiếp sức lặng thầm

Từng phân vân đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề, trường lớp, Lê Văn Hiếu (sinh năm 1992), một người con Quảng Trị sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh hiểu rõ những âu lo của các bạn trẻ. Để không ai phải lạc bước, Hiếu cùng các thành viên trong nhóm sáng lập chương trình ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, qua đó tiếp sức cho rất nhiều học sinh.

Anh Lê Văn Hiếu thông tin về các ứng dụng mới trong ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trường THPT Đông Hà - Ảnh: Q.H

Cơ duyên từ sự nhầm lẫn

Ra đời từ năm 2015, tính đến nay, ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp do Câu lạc bộ (CLB) Cựu sinh viên, sinh viên Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức đã tiếp sức cho khoảng 12 nghìn học sinh. Từng nhiều lần đến với ngày hội nhưng thông tin về người sáng lập nên chương trình ý nghĩa này vẫn là dấu chấm hỏi đối với chúng tôi. Các bạn trẻ chung sức làm nên ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp thường giới thiệu, đó là một “người hùng” thầm lặng. Vì vậy, khi hay tin Hiếu nhận lời mời phỏng vấn, chúng tôi khá ngạc nhiên.

Chuyện trò với phóng viên, Hiếu vui vẻ biết: “Tôi thuộc tuýp người hướng nội, ít khi chia sẻ về mình. Hơn nữa, tôi muốn dành những lời hay, ý đẹp cho các bạn góp sức làm nên chương trình và học sinh. Năm nay, khi ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp tròn 10 tuổi, các bạn đã động viên tôi chia sẻ đôi điều để nhiều người biết về chương trình hơn”.

Hiếu sinh ra, lớn lên ở Phường 2, TP. Đông Hà. Từ nhỏ, niềm đam mê công nghệ đã nảy nở trong anh nhưng vì có quá ít thông tin, cuối cùng, Hiếu lại chọn nhầm trường. Cũng từ đây, anh từng có thời gian “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”, không biết nên thi lại hay học tiếp.

Không ngờ, sự nhầm lẫn ấy lại mở ra sự khởi đầu thú vị đối với anh. Anh đã trải qua 4 năm học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh rất thuận lợi. Sau khi tốt nghiệp, Hiếu có cơ hội, được thử sức với nhiều công việc. Cuối cùng, anh quyết định về đầu quân cho một công ty đa quốc gia với vị trí chuyên viên phát triển phần mềm.

hay mặt ban tổ chức, anh Hiếu trao học bổng cho các em học sinh - Ảnh: Q.H

Đường học tập, công việc thuận lợi nhưng Hiếu vẫn dành nhiều suy nghĩ về sự thiếu may mắn của một số bạn đồng trang lứa. Cùng khóa với Hiếu, có bạn gắng gổ học 1, 2 năm, rồi quyết định nghỉ để thi lại. Một người bạn khác của anh cũng phải “thay đổi chiến lược” bằng cách đi du học. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ dũng cảm để có những quyết định như thế. Hiếu biết thực trạng một số bạn cày ngày, cày đêm nhưng càng học càng đuối sức, hoang mang... Sau khi ra trường, cơ hội việc làm của họ cũng không nhiều.

Để không còn những “giá như”

Từ những điều mắt thấy, tai nghe, Hiếu mong không một ai phải đối mặt với hai chữ “giá như” trong chọn ngành nghề, trường lớp. “Cần làm điều gì đó để giúp học sinh có nhiều thông tin, góc nhìn hơn về ngôi trường, ngành nghề mà mình chọn”, suy nghĩ ấy cứ quẩn quanh trong đầu Hiếu.

Khi chia sẻ với nhóm bạn thân, anh rất mừng vì ai cũng quan tâm, ủng hộ. Trước đây, những người bạn của Hiếu cũng từng đứng trước lựa chọn đầy khó khăn về ngành nghề, trường lớp. Vì thế, không ai muốn học sinh khóa sau phải rơi vào cảnh “trăm mối tơ vò” như mình. Đó cũng chính là lý do thôi thúc họ nỗ lực vào cuộc dẫu biết hiện thực hóa ý tưởng này cần rất nhiều nguồn lực.

Sau khi thống nhất, Hiếu và nhóm bạn của mình nhanh chóng xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ. Họ ráo riết tìm tình nguyện viên, khách mời; liên lạc với trường cần tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp; tìm kiếm nhà tài trợ... Hàng loạt khó khăn đặt ra khiến có lúc các thành viên trong nhóm nghĩ sẽ không thể tổ chức được chương trình.

“5 ngày trước khi chương trình đầu tiên diễn ra, chúng tôi mới nhận được sự hỗ trợ từ Hội đồng hương Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh. Điều đó phần nào cho thấy việc huy động kinh phí rất khó. Có năm, chúng tôi phải góp tiền để tổ chức, thậm chí bù lỗ cho chương trình”, Hiếu chia sẻ.

Anh Lê Văn Hiếu tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh - Ảnh: Q.H

Tính đến nay, ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp đã đi qua chặng đường 10 năm. Theo thời gian, những con số ấn tượng liên quan đến chương trình cũng không ngừng tăng. Đến nay, có khoảng 12 nghìn học sinh Quảng Trị đã được tiếp sức từ ngày hội. Tính riêng năm 2024, các hoạt động trong khuôn khổ chương trình đã nâng bước cho khoảng 3 nghìn bạn trẻ. Cũng ở lần tổ chức này, ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp thu hút sự tham gia của khoảng 20 nhà tài trợ; 50 trường đại học, cao đẳng đồng hành; 250 tình nguyện viên tham gia... Phần lớn nhà tài trợ đều là các tổ chức, cá nhân từng nhiều năm gắn bó với chương trình.

Nỗ lực nâng tầm

Từ nhiều năm về trước, chương trình tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp do CLB Cựu sinh viên, sinh viên Quảng Trị tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức đã thực sự trở thành ngày hội, sự kiện mong đợi của học sinh cuối cấp. Nói về điều này, Lê Văn Hiếu cho biết, thành quả ấy là kết quả của một quá trình.

Ở chương trình khởi đầu, ngày hội diễn ra khá đơn giản dưới hình thức “khách nói, học sinh nghe”. Vì số lượng nhà tài trợ và các trường đại học, cao đẳng tham gia ít nên những ý tưởng hay của Hiếu cùng các bạn phải tạm gác lại một cách đầy tiếc nuối. “Chúng tôi đã phải nỗ lực mỗi ngày để tháo gỡ khó khăn, từng bước nâng tầm chương trình. Để có thêm nguồn quỹ cho chương trình, các bạn không ngại tổ chức những hoạt động gây quỹ như bán bao lì xì, muối, áo quần cũ...”, Hiếu chia sẻ.

Từ công việc hằng ngày, Hiếu sớm nhận ra, một trong những cách để nâng tầm ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp chính là ứng dụng công nghệ thông tin. Trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, vì không thể tập trung đông người để tổ chức chương trình, Hiếu đã xây dựng website hocgi.vn để thiết thực hỗ trợ học sinh THPT. Chỉ cần vài cú click chuột, những thông tin cần thiết, phong phú sẽ mở ra trước mắt các bạn trẻ.

Chưa hài lòng với những gì đạt được, sau đó không lâu, chàng trai yêu công nghệ tiếp tục đổ thời gian, công sức để xây dựng Proflie. hocgi.vn. Nhờ website này, mọi việc, từ quản lý nhân sự đến tài chính, sự kiện, cấp giấy chứng nhận điện tử... đều trở nên thuận lợi hơn.

Mới đây nhất, từ sự truyền cảm hứng của Hiếu và các thành viên trong nhóm, bạn Nguyễn Ngọc Hòa, một du học sinh tại Úc đã xây dựng web app có địa chỉ app.hocgi.vn giúp hiện đại hóa thêm cho ngày hội, giảm những chi phí phát sinh.

Gắn bó với ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp từ những ngày đầu, điều khiến Hiếu rất vui mừng là số lượng các bạn trẻ từng được tiếp sức trở lại chương trình khá đông.

Ở chương trình gần nhất, trong số 250 tình nguyện viên tham gia, có hơn 1/3 bạn từng là học sinh được hỗ trợ từ ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp. Họ trở lại ở nhiều vị trí, công việc khác nhau. Tuy nhiên, dù là ai, ở đâu, làm gì, các bạn trẻ cũng dồn hết tâm sức cho chương trình. Điều đó phần nào cho thấy việc làm từ trái tim Hiếu và những người chung tay xây chương trình đã chạm đến trái tim mọi người.

Qua mỗi năm tổ chức, các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp lại càng chỉn chu, bài bản hơn. Vậy mà, khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, nhiệm vụ của Hiếu và các bạn cũng không hề nhẹ bớt.

Bởi, họ luôn đặt ra những mục tiêu cao, hướng tới sự chuyên nghiệp hơn. Vất vả là không ít nhưng Hiếu vẫn luôn khẳng định mình “lãi” rất nhiều từ ngày hội. Theo Hiếu, minh chứng sinh động là chính chương trình đã trở thành sợi dây tơ hồng giúp anh tìm được bạn đời. Thời gian qua, họ đã cùng nhau xây dựng, phát triển chương trình giống như đang vun xới, tưới tắm cho mầm cây hạnh phúc.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/su-tiep-suc-lang-tham/183832.htm