Sự thù địch Cleopatra gặp phải khi trở thành nữ hoàng Ai Cập

Năm 51 trước Công Nguyên, Auletes chết nhường lại ngai vàng cho Cleopatra đang tuổi vị thành niên và đứa con trai thậm chí còn nhỏ tuổi hơn, vua Ptolemy XIII, cùng nhau trị vì.

 Hình tượng nữ hoàng Cleopatra do Elizabeth Taylor thủ vai. Ảnh: greekcitytimes.

Hình tượng nữ hoàng Cleopatra do Elizabeth Taylor thủ vai. Ảnh: greekcitytimes.

Theo phong tục Ai Cập, chị gái và em trai cùng trị vì với nhau không chỉ như hai quốc vương mà còn như vợ chồng. Đôi khi trong lịch sử triều đại Ptolemy, nhà vua và nữ hoàng là chị em ruột cùng làm việc với nhau.

Nhưng với trường hợp của Cleopatra thì đã xuất hiện sự thù địch ngay từ đầu, vì em trai cô bị các quan cận thần quyền lực, những kẻ căm ghét sự can thiệp của cô, khống chế. Tân nữ hoàng Ai Cập đưa ra những quan điểm vững chắc về con đường thích hợp để cai trị vương quốc của cha, nhưng các quan điểm đó không bao gồm thái giám Pothinus hoặc tướng quân Achillas.

Ngay từ đầu, cô đã khiến mọi người kinh ngạc bằng cách cố gắng tự hòa nhập bản thân với người Ai Cập bản xứ và các thầy tư tế của họ. Cô là quốc vương Ptolemy đầu tiên thực sự học tiếng Ai Cập (cùng tiếng Hebrew, tiếng Ethiopia, và vài ngôn ngữ khác). Một đài kỷ niệm bằng đá có khắc các chữ viết tượng hình của người Ai Cập cổ, giờ ở Copenhagen, có ghi chép rằng thậm chí cô còn tham gia nghi lễ rước bò tót thiêng liêng gần Thebes vào thời điểm bắt đầu trị vì, hộ tống con vật thiêng đến ngôi đền bằng thuyền.

Những sự nhân nhượng đến mức này trước cảm nghĩ của người bản xứ hẳn đã gây ấn tượng với dân Ai Cập vốn quen với thói lãnh đạm, thờ ơ của các nhà cai trị Ptolemy trong ngót nghét hai thế kỷ qua. Nhưng sự ủng hộ của người Ai Cập bản xứ là không đủ để cứu Cleopatra khỏi những người Alexandria luôn bất mãn.

Trong khi kẻ thù cũ của Caesar là Bibulus vẫn còn sống và đang làm tỉnh trưởng Syria, ông ta đã cử hai con trai mình đến lấy lại hai quân đoàn Gabinia phản loạn cho cuộc tấn công đế chế Parthia theo kế hoạch - nhưng bọn lính đã giết chết họ thay vì phải rời bỏ những niềm sung sướng ở Ai Cập.

Vị nữ hoàng trẻ tuổi Cleopatra đã liều lĩnh bắt giữ những kẻ phản nghịch rồi dẫn chúng đến cho Bibulus trừng phạt, bất chấp những người Alexandria khó chịu, cảm thấy cô đang chịu thua trước sức ép của La Mã.

Chuyện này, cùng với vụ mùa thất bát và âm mưu của các quan cận thần bên cạnh em trai, chẳng bao lâu ép Cleopatra phải rời khỏi thủ đô và tự tuyển mộ quân đội. Quốc vương Ptolemy XIII tuổi vị thành niên giờ đây một mình cai trị Ai Cập từ Alexandria, dưới sự theo dõi chăm chú của Pothinus và Achillas.

Philip Freeman/NXB Dân trí & Bách Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-thu-dich-cleopatra-gap-phai-khi-tro-thanh-nu-hoang-ai-cap-post1440729.html