Sự nở rộ của các cây bút nhí

Các cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi ngày một đa dạng. Nhiều tác phẩm dự giải được hội đồng chuyên môn đánh giá cao. Bên cạnh đó, một số bạn nhỏ cũng có sách được xuất bản.

Mới đây, lễ trao giải cuộc thi sáng tác “Đóa hoa đồng thoại” lần thứ tư năm 2021 diễn ra tại Hà Nội. Giải nhất chung cuộc được trao cho em Nguyễn Thanh Ngân (8 tuổi, Hà Nội) với tác phẩm Đoàn tàu gió.

Giải nhất hạng mục dành cho học sinh trung học cơ sở thuộc về Đặng Phương Lan (13 tuổi, Nam Định) cùng tác phẩm Mở cửa. Các tác phẩm đoạt giải đều được tập hợp xuất bản thành sách dưới dạng song ngữ Việt - Nhật.

Cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” được tổ chức nhằm khuyến khích các em nhỏ sáng tác truyện đồng thoại. Diễn ra trong bối cảnh Covid-19, ban tổ chức không thể tiến hành các cuộc giao lưu trực tiếp, song số lượng và chất lượng bài dự thi đều rất khả quan.

Bên cạnh đó, Đại sứ Văn hóa đọc, Dế Mèn, Tác giả trẻ… là những cuộc thi được tổ chức hướng tới thế hệ trẻ, tạo động lực sáng tác cho các cây bút nhỏ tuổi. Đặc biệt, những năm gần đây, một số bạn nhỏ cũng ghi dấu ấn trong giới văn chương khi đã ra mắt sách.

 Cuốn truyện giả tưởng của tác giả nhí Nguyễn Hạnh Phương. Ảnh: K.Đ.

Cuốn truyện giả tưởng của tác giả nhí Nguyễn Hạnh Phương. Ảnh: K.Đ.

Các cây viết nhí sáng tác đa thể loại

Không chỉ thử sức ở thể loại truyện đồng thoại, một số tác giả nhí còn gây bất ngờ khi ra mắt sách ở thể loại giả tưởng. Một số tên tuổi có thể kể đến như Nguyên Bình, Cao Việt Quỳnh, Nguyễn Hạnh Phương…

Mới đây, Nguyễn Hạnh Phương (bút danh Rosy Black) là tác giả nhí gây ấn tượng khi viết nên cuốn Biệt đội Ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại khi mới 13 tuổi. Bộ truyện gồm 4 tập. Đơn vị xuất bản dự kiến mỗi năm phát hành một tập dưới dạng song ngữ Việt - Anh.

Tác phẩm ca ngợi tình bạn, chính nghĩa, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết thông qua trí tưởng tượng phong phú của Hạnh Phương.

Không chỉ có niềm đam mê đọc sách, khả năng học ngoại ngữ, một số bạn nhỏ còn chứng tỏ tài cầm bút của mình khi ra mắt những cuốn sách đa thể loại.

Trong năm qua, Nguyễn Khang Thịnh (14 tuổi) - tác giả nhỏ tuổi nhất đoạt giải Sách hay năm 2020 với cuốn truyện đầu tay Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy - đã cho ra mắt ấn phẩm song ngữ Việt - Anh Cẩm nang sinh tồn siêu cấp: Miền hoang dã đáng sợ và trường học (cũng chẳng tốt hơn là bao).

Cuốn cẩm nang đưa các bạn nhỏ đồng trang lứa vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhưng cũng nhiều thú vị; giúp các em tìm thấy điểm tương đồng giữa miền hoang dã và trường học.

Khang Thịnh tiếp tục giữ phong độ ổn định với lối viết gần gũi. Phong cách sáng tạo hồn nhiên trong việc xây dựng bối cảnh còn được thể hiện khi tác giả nhỏ tuổi này lồng ghép những bài học thiết thực.

Nổi lên với tên gọi “thần đồng ngoại ngữ”, cô bé Mina Phạm (7 tuổi) chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ của mình trong cuốn Bí mật học ngoại ngữ của tớ - Bí quyết hạnh phúc khi tự học. Bên cạnh phần lời, cây viết nhí còn tự mình thực hiện phần tranh minh họa.

Ở thể loại truyện đồng thoại, trải qua 3 mùa tổ chức, các thí sinh đã nắm được khuynh hướng sáng tác cũng như tiêu chí cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại”.

Nhà văn Lê Phương Liên - Trưởng ban giám khảo cuộc thi - cho biết chất lượng bài dự thi năm nay ở cả 3 hạng mục đều tốt và xứng đáng nhận giải.

 Cuốn cẩm nang của tác giả nhí Nguyễn Khang Thịnh. Ảnh: T.H.

Cuốn cẩm nang của tác giả nhí Nguyễn Khang Thịnh. Ảnh: T.H.

Đổi mới về cách viết lẫn trí tưởng tượng

Qua những tác phẩm của các cây bút nhỏ tuổi, độc giả có thể nhìn thấy ở đó khả năng sáng tạo từ những điều giản dị, hồn nhiên nhất với những câu từ lí lắc, nhưng lại rất đỗi mộc mạc.

Là cây bút chuyên viết cho thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên đặc biệt đánh giá cao tác phẩm Đoàn tàu gió của em Nguyễn Thanh Ngân (8 tuổi).

“Tác phẩm xuất phát từ những ý nghĩ rất hồn nhiên của các em về cơn gió. Đây là một ý tưởng hoàn toàn sáng tạo. Hoạt động của đoàn tàu gió vừa phù hợp thực tế, vừa mang nhiều hàm ý nhân văn”, nhà văn Lê Phương Liên nói.

Bà Liên cũng cho rằng chúng ta đã bước sang một thế kỷ mới, “gu” đọc của độc giả cũng thay đổi. Các bạn nhỏ có sự kết nối với thế giới một cách trực tiếp, nên muốn tác phẩm tiếp cận được gần hơn tới bạn đọc, các em cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong cả cách viết lẫn trí tưởng tượng.

“Tuy nhiên, sự đổi mới nào cũng cần gắn với cội nguồn dân tộc. Tôi hy vọng các cây bút nhí với sự quan tâm của đoàn, hội và phụ huynh, sẽ ngày càng bộc lộ được tài năng sáng tác của mình. Tôi cũng mong các tác phẩm đó sẽ kết hợp được giữa tính hiện đại với truyền thống dân tộc, để nó thực sự trở thành người bạn của mọi độc giả”, nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.

Trong một lần trả lời Zing, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đánh giá với những hành động cụ thể của Hội Nhà văn, cùng các cuộc thi và nỗ lực của giới cầm bút, văn học thiếu nhi chắc chắn sẽ phát triển.

Ông cũng cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đã có 5 hội đồng chuyên môn, trong đó có Hội đồng Văn học thiếu nhi, dành riêng cho các em nhỏ.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm chấm giải tại các cuộc thi lớn về văn học thiếu nhi, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận thấy cuộc thi Dế Mèn (với các giải như Hiệp sĩ Dế mèn, Cây bút nhí triển vọng) hay các cuộc thi tương tự sẽ góp phần tìm ra những tác phẩm đặc sắc dành cho thiếu nhi.

Thu Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-no-ro-cua-cac-cay-but-nhi-post1309817.html