Sứ mệnh biển Đỏ - Bước tiến quan trọng trong an ninh quốc phòng của EU

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận nguyên tắc về việc khởi động sứ mệnh phòng thủ an ninh ở Biển Đỏ. Phái bộ này sẽ hoạt động độc lập và không tham gia vào Liên minh Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu. Vậy EU tính toán gì với bước đi chiến lược mới nhất này?

Lý do EU không gia nhập Liên minh Biển Đỏ của Mỹ

Theo báo cáo mới nhất được EU công bố, các hoạt động giao thông hàng hải trên Biển Đỏ giảm 22% trong một tháng trở lại đây. Mặc dù giá cả hàng hóa vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển tăng cao nhưng các chuyên gia khu vực nhận định rằng đây chỉ là vấn đề thời gian.

Trong ngắn hạn, các công ty vận tải chưa đưa ra được điều chỉnh phù hợp nhưng về lâu dài, với việc phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi để tiến lên phía Bắc, khiến quãng đường dài gấp nhiều lần cũng như sự gia tăng chi phí về người và nguyên liệu, giá cả hàng hóa sẽ không chỉ tăng một phần mà nhiều khả năng sẽ tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi đối với những hàng hóa có giá trị thấp.

Tàu khu trục đa nhiệm Languedoc của Pháp đã được triển khai ở Biển Đỏ từ ngày 8/12/2023. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp

Tàu khu trục đa nhiệm Languedoc của Pháp đã được triển khai ở Biển Đỏ từ ngày 8/12/2023. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp

Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tổng sản lượng xuất nhập khẩu qua kênh đào Suez (ước đạt 154 tỷ euro cho năm 2023) cũng như nền kinh tế toàn cầu. Tuy các cuộc tấn công của lực lượng Houthi mới chỉ bắt đầu từ tháng 12/2023, nhưng một số nhà máy của Tesla ở Đức hay Volvo ở Bỉ đã phải đóng cửa trong nhiều ngày do không có nguyên liệu. Chưa kể đến các lãnh đạo châu Âu hiện đang lo ngại giá khí đốt sẽ tăng cao trong thời gian tới liên quan đến vấn đề Biển Đỏ khiến khối 27 lại rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng và kinh tế.

Trước tình hình đó, ngày 22/1, EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc thành lập một lực lượng phòng thủ ở Biển Đỏ. Bước đầu, khối 27 sẽ cử ba tàu chiến mang cờ chung của cả Khối tham gia tuần tra, hoạt động tại Biển Đỏ với mục tiêu chính là đảm bảo an toàn, tự do hàng hải của các tàu thương mại của châu Âu và quốc tế đi qua khu vực này. Tuy nhiên, trong thông cáo đưa ra, nhóm 27 cũng nhấn mạnh Phái bộ châu Âu sẽ hoạt động độc lập và không tham gia Liên minh do Mỹ dẫn đầu. Đây là một quyết định mang tính đột phá của châu Âu và xét trên nhiều khía cạnh, nó hầu như không liên quan gì đến Liên minh Biển Đỏ do Mỹ thành lập.

Trước hết, Phái bộ châu Âu chỉ tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho các tàu thương mại hoạt động trên Biển Đỏ. Mặc dù EU đã và đang có một Phái bộ với sứ mệnh khá tương tự, đó là EUNAVFOR Atalanta. Nhưng lực lượng hải quân này, hiện dưới sự chỉ huy của Tây Ban Nha, chỉ tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ chống cướp biển và buôn người ở Vịnh Aden. Ngoài ra, nó cũng chịu trách nhiệm bảo vệ các tàu của Chương trình Lương thực Thế giới vận chuyển viện trợ nhân đạo đến Somalia. Thế nên, việc kiến tạo một Phái bộ mới là điều cấp thiết trước những hệ lụy khủng khiếp mà việc gián đoạn giao thông hàng hải trên Biển Đỏ có thể gây ra.

Không những thế, Liên minh Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu đã bắt đầu các cuộc tấn công vào lực lượng Houthi ở Yemen. Trong khi các quan chức EU hiện vẫn chưa thống nhất được sứ mệnh cụ thể cũng như đặt ra các giới hạn về khu vực hay cách thức hoạt động của Phái bộ châu Âu này.

Theo thông tin từ các lãnh đạo khối 27, Phái bộ châu Âu sẽ không tham gia tấn công vào lực lượng Houthi ở Yemen để tránh “xung đột leo thang”. Các quyết định cuối cùng sẽ được thông qua tại cuộc họp vào đầu tháng 2 tới. Do đó, việc tách rời 2 lực lượng quân sự là rất quan trọng. Quyết định này giúp cho EU có thời gian phân tích cụ thể tình hình và mục đích cũng như lợi ích nhắm đến thay vì phải tham gia vào một cuộc “chiến” đầy rủi ro khi chưa được chuẩn bị.

Hơn nữa, việc thành lập một lực lượng riêng cũng là cơ hội cho EU khẳng định dấu ấn cũng như sức mạnh quân sự của mình tại khu vực. Và trên cương vị là Phái bộ độc lập, EU sẽ có thể bảo đảm toàn bộ lợi ích của mình trong khu vực mà không phải chia sẻ cho bất cứ ai. Điều hoàn toàn trái ngược trong trường hợp quyết định tham gia vào chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” do Mỹ thành lập. Nhất là tại một khu vực quan trọng như Biển Đỏ, nơi có hơn 20.000 tàu bè qua lại mỗi năm, chiếm đến 15% tổng lưu lượng tàu bè trên thế giới. Quan trọng hơn cả là khu vực này là tuyết giao thông chủ yếu kết nối Á – Âu, việc quyền kiểm soát khu vực rơi vào tay bất kỳ lực lượng nào cũng sẽ gây ra hệ quả to lớn cho châu Âu. Thế nên việc lực lượng của EU có mặt với tư cách độc lập tại khu vực là điều gần như bắt buộc.

Quy mô và cơ chế hoạt động

Sự hiện diện với tư cách độc lập của Phái bộ châu Âu là điều gần như bắt buộc. Không những thế, lực lượng này cũng phải có quy mô tương đối lớn bởi nó đại diện cho một lục địa với đại đa số các quốc gia có sự phát triển đáng kể về quân đội cũng như lực lượng vũ trang. Chưa kể đến đây còn là một khu vực tối quan trọng của toàn bộ châu Âu. Thế nên, Phái bộ này tối thiểu phải bằng hoặc hơn các lực lượng hiện đang có mặt trên Biển Đỏ để thực hiện sứ mệnh cũng như tranh thủ các lợi ích của mình.

Tính đến thời điểm này, Pháp và Italia đã triển khai một vài tàu khu trục tại khu vực Biển Đỏ. Bỉ cho biết sẽ điều động một tàu khu trục nhỏ. Trong khi đó, Đức nhấn mạnh việc triển khai các tàu đến Biển Đỏ là điều vô cùng cần thiết và thông báo sẽ nhanh chóng tiến hành điệu động tàu đến khu vực. Trong Hội nghị ngoại trưởng EU ngày 22/1 ở Brussels, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết Bộ tổng tham mưu khối 27 đang bàn chi tiết về tổ chức thực tế và cho rằng thời hạn triển khai sớm nhất là vào tháng 2/2024.

Hiện vẫn chưa có thông tin nào liên quan đến cơ chế cũng như cách thức hay khu vực hoạt động cụ thể của Phái bộ châu Âu nhưng các chuyên gia cho rằng Phái bộ này sẽ được xây dựng dựa trên Agenor, một chiến dịch giám sát chung do Pháp dẫn dắt, bao trùm toàn bộ Vùng Vịnh, Eo biển Hormuz và một phần Biển Arab quy tụ khoảng 40 tàu đến từ 10 quốc gia châu Âu (Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp, Italia, Hà Lan, v.v.). Lực lượng này sẽ tiến hành tuần tra luân phiên và tham gia ổn định khu vực cũng như triển khai hệ thống cảnh báo trên không với mục đích giảm thiểu tối đa các thiệt hại về người và của cho các tàu tham gia giao thông trên Biển Đỏ. Ngoài ra, Phái bộ châu Âu cũng sẽ phối hợp với Liên minh Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Bước tiến quan trọng trong an ninh quốc phòng

Hiệp ước Lisbon, có hiệu lực từ năm 2009, đã trao cho EU năng lực pháp lý để thiết lập các hợp tác quốc phòng lâu dài và có thể dẫn đến sự thành lập của một lực lượng quân sự chung. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có một lực lượng quân sự chung nào của châu Âu được thành lập bởi việc thực hiện các hoạt động đó đòi hỏi phải có sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên khối 27 và có liên quan đến những cân nhắc chính trị phức tạp.

Tuy nhiên, trong Hội nghị ngoại trưởng EU ngày 22/1 ở Brussels, nhóm 27 đã có được sự thống nhất trong việc thành lập Phái bộ bảo vệ Biển Đỏ. Mặc dù vẫn có một số nước bỏ phiếu trắng và không tham gia nhưng điều đó không có nghĩa là họ phản đối. Ngay cả Tây Ban Nha, nước đã từng tuyên bố hồi cuối tháng 12/2023 sẽ không tham gia chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” do Mỹ khởi xướng cũng như phản đối việc mở rộng sứ mệnh châu Âu Atalanta sang Biển Đỏ, hiện cũng chấp thuận việc thành lập Phái bộ. Đây là một bước tiến quan trọng, một bối cảnh thích hợp cho việc hình thành một lực lượng chung ở châu Âu.

Nếu sứ mệnh bảo vệ Biển Đỏ trở thành hiện thực, nó sẽ liên quan đến việc triển khai một lực lượng quân sự hàng hải đáng kể ở khu vực này. Trong trường hợp các tàu quân sự của EU bị đe dọa, khiêu khích hoặc bị tấn công bởi lực lượng Houthi, nhiều khả năng Phái bộ này sẽ triển khai các hoạt động quân sự đáp trả.

Không loại trừ khả năng EU sẽ lên kế hoạch tấn công phiến quân Houthi như Liên minh Mỹ - Anh đang tiến hành thời gian vừa qua. Tình huống khi đó sẽ đánh dấu sự gia nhập “giao tranh” của Liên minh Châu Âu, tạo thành một sự kiện lịch sử quan trọng ở khu vực này. Trong bối cảnh như vậy, các quốc gia thành viên khối 27 sẽ đứng trước hai lựa chọn: thành lập một lực lượng quân sự hàng hải chung để có thể giải quyết triệt để và bền vững những nguy cơ tương tự, hướng tới một nền quốc phòng thực sự mạnh mẽ, tự chủ và với vai trò đảm bảo an ninh hàng hải toàn cầu. Hoặc tiếp tục duy trì tình hình hiện tại và luôn trong thế bị động cũng như phải chấp nhận khoản phí khổng lồ liên quan đến những “tình huống” địa chính trị bất ổn toàn cầu.

Cho dù lựa chọn của EU có thế nào đi chăng nữa thì việc thành lập Phái bộ Biển Đỏ là một dấu mốc quan trọng cho việc thành lập một lực lượng chung của châu Âu trong tương lai.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/su-menh-bien-do-buoc-tien-quan-trong-trong-an-ninh-quoc-phong-cua-eu-post1073512.vov