Sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong quan hệ Việt Nam – Campuchia (*)

Tôi vui mừng cùng Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đồng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2006-2019 tại Hà Nội.

Tôi gửi lời chào thân ái đến toàn thể đại diện lãnh đạo hai nước, các bộ, ngành trung ương và các địa phương liên quan hai bên tham dự hội nghị quan trọng hôm nay.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2006-2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2006-2019

Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia luôn là những điều thiêng liêng của mỗi dân tộc, ẩn sâu trong tâm trí của mỗi người dân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Việt Nam, Campuchia luôn là hai nước láng giềng anh em gần gũi, có mối quan hệ gắn bó từ lâu. Việc cùng nhau hợp tác hữu nghị phân định biên giới, vạch rõ “bờ cõi núi sông” cho muôn đời sau, có ý nghĩa sâu sắc và là trách nhiệm cao cả không chỉ với thế hệ các nhà lãnh đạo mà cả mọi người dân hai nước Việt Nam và Campuchia.

Trong những năm qua, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Trên đà phát triển đó, với nỗ lực to lớn và không mệt mỏi của cả hai bên, các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, trong đó có vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia đã và đang từng bước được giải quyết hết sức tích cực.

Thực hiện Hiệp ước nguyên tắc năm 1983, và bằng các quy định cụ thể tại Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, chúng ta đã hoạch định xong toàn bộ đường biên giới đất liền giữa hai nước, từ ngã ba biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào đến bờ biển Hà Tiên-Kampot. Căn cứ hai hiệp ước này, Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước chúng ta đã hợp tác chặt chẽ và đến nay đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Đây là thành quả vô cùng quan trọng mà hai bên đã đạt được trong quá trình hơn 36 năm hợp tác giải quyết vấn đề về biên giới Việt Nam-Campuchia.

Tôi đánh giá cao Báo cáo do Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước trình bày, đã nêu rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, bài học kinh nghiệm và đề ra kế hoạch, biện pháp sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia (hiện còn lại khoảng 16%), phù hợp với lợi ích của Nhà nước và nhân dân hai nước.

Hội nghị tổng kết này là sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong quan hệ Việt Nam-Campuchia, cũng là một dấu mốc lịch sử khi ký hai văn kiện pháp lý quan trọng: Một là, Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung 2019) do Thủ tướng hai nước trực tiếp ký; và hai là, Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia (gọi tắt là Nghị định thư phân giới cắm mốc).

Cùng với các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết trước đây, hai văn kiện Hiệp ước và Nghị định thư ký hôm nay tạo thành khung pháp lý cho việc quản lý và phát triển đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu hữu nghị, nâng cao đời sống cư dân biên giới, xây dựng đường biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Lễ ký trọng thể hôm nay là tuyên bố mạnh mẽ với khu vực và thế giới của hai quốc gia độc lập, có chủ quyền là CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia về ý chí, quyết tâm hợp tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi, vì hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân hai nước.

Trong thời gian tới, tôi đề nghị Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc và các cơ quan, địa phương liên quan của hai nước tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa, trong đó tôi nhấn mạnh một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, thành quả 84% công tác phân giới cắm mốc sẽ được báo cáo cơ quan có thẩm quyền hai nước. Để hai văn kiện pháp lý biên giới này đi vào thực tiễn sau khi có hiệu lực, đề nghị sớm triển khai kế hoạch của Ủy ban liên hợp hai nước, cụ thể là:

- Lực lượng chức năng hai bên tiến hành quản lý, bảo vệ đường biên giới, cột mốc biên giới đã được ghi nhận và mô tả trong Nghị định thư phân giới cắm mốc;

- Bàn giao cho nhau các diện tích đất mà mình đang quản lý vượt quá đường biên giới đã được hai bên phân giới cắm mốc trên thực địa và ghi nhận trong Nghị định thư phân giới cắm mốc;

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hai nước, nhất là người dân trong khu vực biên giới hiểu rõ và tuân thủ, thực hiện nghiêm túc các quy định, thỏa thuận về biên giới lãnh thổ đã ký kết giữa hai nước.

Thứ hai, đối với khoảng 16% đường biên giới còn lại chưa được phân giới cắm mốc, lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc để sớm hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên toàn tuyến, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế có liên quan được ký kết giữa hai nước chúng ta.

Thứ ba, do công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền của chúng ta chưa hoàn thành toàn bộ nên công tác quản lý, giữ gìn trật tự, trị an khu vực biên giới cần được chú trọng thực hiện theo hướng:

- Tiến hành quản lý theo đường biên, mốc giới đã được ghi nhận và mô tả trong Nghị định thư phân giới cắm mốc những khu vực đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc (khoảng 84%);

- Tiếp tục quản lý theo quy định tại Khoản 5 Điều III, Hiệp ước bổ sung 2005 đối với những khu vực chưa hoàn thành phân giới cắm mốc (khoảng 16%);

Hai bên cũng cần hợp tác xây dựng ngay Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu biên giới mới để thay thế Hiệp định ký năm 1983 cho phù hợp với tình hình mới.

Trong bầu không khí phấn khởi và đầy ý nghĩa của Hội nghị tổng kết, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và các bạn Campuchia đã hợp tác chặt chẽ cùng Việt Nam đạt được thành quả quan trọng về việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước.

Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước; của các bộ, ban, ngành, địa phương đã dành tình cảm đặc biệt đối với các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phân giới cắm mốc hai bên; biểu dương lực lượng trực tiếp trong công tác này đã nhiều năm vất vả với sự hỗ trợ của chính quyền hai bên.

Tôi cũng bày tỏ lòng cảm ơn chân thành những đóng góp đối với sự nghiệp biên giới lãnh thổ của các thế hệ đi trước cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu của người dân hai nước, để hôm nay, hai nước chúng ta có được khoảng 84% chiều dài đường biên giới đã được phân giới cắm mốc rõ ràng. Tôi coi đây là một tài sản quý báu để lại cho muôn đời con cháu mai sau.

(Phát biểu của Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC tại Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2006-2019)

(*) Đầu đề của Báo Quân đội nhân dân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/su-kien-co-y-nghia-trong-dai-trong-quan-he-viet-nam-campuchia-592847