Sự học ở Cu Vai

Cu Vai được biết đến là một bản người Mông nằm biệt lập trên ngọn núi cao 1.000 mét so với mực nước biển, được bao phủ bởi sương mù quanh năm. Chính vì thế mà nhiều người xem nơi này như 'thiên đường' tách biệt với cuộc sống bên ngoài.

Cô và trò điểm trường Cu Vai, Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Xà Hồ

Cô và trò điểm trường Cu Vai, Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Xà Hồ

Tuy nhiên, sự học ở Cu Vai cũng nhiều vất vả, bởi giao thông đi lại khó khăn, bởi đời sống của người dân còn đang thiếu thốn trăm bề, lo nghĩ làm sao cho no cái bụng còn đang đeo bám từng ngày… Tuy nhiên, sự khó khăn, vất vả ấy không ngăn được ước mơ và hành trình đến với con chữ của những đứa trẻ ở Cu Vai cùng khát khao về cuộc sống tươi đẹp hơn của những người dân nơi đây.

Lớp học trong sương

Tháng 11 là thời điểm Cu Vai bắt đầu bước vào những ngày tháng sương mù bao trùm. Theo cô Trần Phương Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, lên chòm Cu Vai bằng xe máy, hết đoạn đường bê tông, phải để xe lại bên đường và bắt đầu đi bộ.

Cô Thảo chia sẻ: "Tại mấy hôm trước mưa nên đường trơn không đi được chứ nếu vào ngày nắng ráo là cũng đi xe máy được tới nơi”.

Sau gần một giờ đi bộ, cổng chào chòm Cu Vai lấp ló hiện ra trong sương mù. Tôi hỏi cô Thảo: Thế là cả một mùa đông nơi đây sẽ ngập chìm trong sương như thế này à? Cô cười gật đầu, rồi giới thiệu thêm: "Ở đây, chỉ có một lớp ghép mầm non 3 - 5 tuổi, từ tiểu học trở lên các con phải xuống điểm trường chính để học bán trú”.

Chúng tôi đi trong màn sương dày đặc, theo âm thanh ê a của những đứa trẻ đang học chữ. Một lớp học nhiều màu sắc hiện ra, 21 bé từ 3 đến 5 tuổi đang học từng góc theo độ tuổi trong lớp. Cô giáo Lường Thị Don đảm nhận chăm sóc và dạy dỗ các bé. Chỉ có một mình cô Don nhưng mọi thứ trong lớp gọn gàng, ngăn nắp.

Phòng học được nhà tài trợ xây dựng từ năm học trước được các cô trang trí bắt mắt, chỉn chu. Các bé 4, 5 tuổi ngồi ngay ngắn theo hướng dẫn của cô, vài bé 3 tuổi mới đi học nên còn khá nhút nhát, được cô vỗ về hơn.

Một ngày của cô Don bắt đầu từ lúc 5h30’ sáng, ra khỏi nhà, vượt qua cung đường uốn lượn với sỏi đất gồ ghề đến với những em nhỏ ở Cu Vai. Đến sớm để vệ sinh lớp học, đón trẻ, dạy học theo kế hoạch chương trình nhà trường đã đề ra.

Giới thiệu về cơ sở vật chất lớp học, cô Don hồ hởi: "Từ khi được nhà tài trợ làm cho lớp học, các cô mới được dịp sáng tạo hơn. Trước kia những hình dán trên tường gỗ ghép chỉ được mấy hôm là hỏng do không khí ẩm không được bền nên cũng cực lắm. Năm học này, các nhà tài trợ đã xây dựng thêm một bếp nấu cho điểm trường. Có bếp ăn, thỉnh thoảng phụ huynh cho rau thì tôi nấu canh nóng cho các con, hay có đoàn từ thiện cho mì tôm hoặc trứng thì nấu cải thiện bữa ăn cho trẻ”.

Chăm sóc nuôi dưỡng là thế, còn việc dạy học thì cô Don xác định, dạy tiếng Việt cho trẻ là nhiệm vụ trọng tâm nên cô có rất nhiều sáng kiến như thông qua các trò chơi, phối hợp với phụ huynh… Đặc biệt, được tài trợ ti vi dù Cu Vai chưa có điện lưới quốc gia nhưng cô xin điện từ nhà dân đã kéo được từ lưng chừng núi lên để giúp trẻ khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài bản của chúng, đặt những viên gạch hồng đầu tiên hun đúc ước mơ cho những em bé nơi đây.

Chớm đông, nhưng cái lạnh vùng cao bao giờ cũng thấu xương thịt, cô Don đã trải sẵn xốp giữ ấm cho các bé ngồi học, chơi đùa. Chị Mùa Thị Ca đưa con tới lớp muộn, cô vội đón em bé mới 3 tuổi mắt vẫn còn đang ngân ngấn, cô vỗ về: "Cô yêu con nào! Vào chơi với các bạn vui lắm”.

Em bé sang tay cô rồi nín dần, hành trình đi tìm con chữ của bé bắt đầu với vòng tay ấm áp của cô Don. Chúng tôi trò chuyện chị Ca được biết, vợ chồng chị có 3 con, đứa nhỡ học lớp 6 ở xã, đứa lớn học lớp 11 tại huyện và đứa bé học mầm non tại bản.

Chị Ca - một phụ nữ Mông vốn chỉ quen với núi rừng nhưng lại nhận thức rất tiến bộ về việc học: "Phải cho con đi học chứ. Đi học con biết nói tiếng phổ thông, biết chữ, biết những điều cần biết, sau này về còn phụ gia đình làm du lịch như bác Bí thư chi bộ thôn vẫn bảo ý. Ra cô giáo dạy cho con mình nhiều điều mới, điều hay lắm! Nhà mình sẽ cho học hết lớp 12 rồi về phụ giúp gia đình hay đi làm người ta mới nhận”.

"Vén mây” xuống núi "tìm chữ”

Mùa Thị Cở - lớp 8A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Xà Hồ, huyện Trạm Tấu đi học bán trú tại trường chỉ đến cuối tuần mới về nhà trên bản Cu Vai. Cở có "thâm niên” nhiều năm học xa nhà nên tính cách tự lập, hoạt bát và biết quan tâm chia sẻ với những người xung quanh.

Mùa Thị Cở - lớp 8A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Xà Hồ giúp em Đông Anh - học sinh lớp 4A học bài.

Mùa Thị Cở - lớp 8A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Xà Hồ giúp em Đông Anh - học sinh lớp 4A học bài.

Mỗi ngày của Cở bắt đầu bằng việc quan tâm đến những em lớp bé ở cùng phòng, chủ yếu là cùng bản Cu Vai với em, đôn đốc các em ăn sáng và lên lớp. Cuối buổi lại cùng thầy cô quan tâm hướng dẫn các em nhỏ học bài.

Cở chia sẻ: "Các em bé sẽ nhìn chị làm gương nên cháu cũng phải làm thật tốt, học thật chăm cho các làm theo”. Chỉ cuối tuần Cở mới về nhà bằng xe máy, bố hoặc mẹ đón em. Đường xa, học xa, nhớ nhà, thiếu hơi ấm của cha mẹ…, tất cả không ngăn được hành trình tìm chữ của Cở.

Thông thường, chiều Chủ nhật bố sẽ đưa em xuống trường, nhưng nếu nhà có việc cần em phụ giúp như trồng thêm luống rau cho mẹ, chăm em giúp mẹ… thì nhất định sáng sớm thứ 2 em sẽ quay lại trường.

Nói tới đó cũng đủ để mọi người mường tượng ra được khung cảnh Cở được bố "vén mây” đưa em xuống núi đi học. Cở bảo: "Mùa thu, mùa xuân ấm áp thì cũng bình thường ạ, nhưng mùa đông thì trời lạnh lại mù sương, đi từ sáng sớm cũng vất vả cho bố, nhưng cháu không muốn nghỉ một buổi học nào. Cháu muốn học cao hơn nữa. Ước mơ của cháu là trở thành một chiến sĩ công an nhân dân”.

14 tuổi, Cở suy nghĩ thấu đáo, em cũng định hình ước mơ của mình chắc chắn với những kế hoạch chi tiết để thực hiện ước mơ đó. Cở hồ hởi chia sẻ: "Để thực hiện ước mơ, cháu phải học thật tốt, học đều các môn, luôn theo sự hướng dẫn của thầy cô, có điều gì không hiểu không được giấu dốt, phải hỏi ngay thầy cô”.

Cở đang nói về những dự định, ước mơ tương lai thì thập thò ngoài cửa là cậu bé Mùa Đông Anh đang học lớp 4A, thấy có khách cậu nhi nhí: "Con chào cô! Chị Cở cho em hỏi bài”.

Cở gật đầu, vẫy tay Đông Anh rồi giới thiệu: "Em này cùng bản với cháu. Em còn bé nên vẫn hơi nhút nhát”. Đông Anh còn nhỏ chưa biết được mình muốn làm nghề gì trong tương lai, nhưng em chắc chắn rằng: "Cháu muốn học tốt như chị Cở”.

Vậy là ước mơ của anh chị đi trước sẽ viết tiếp những câu chuyện ước mơ của những em nhỏ ở bản Cu Vai. Ở Trường PTDTBT TH&THCS Xà Hồ có 52 học sinh từ bản Cu Vai xuống học, trong đó có 25 học sinh tiểu học và 27 học sinh THCS. Các thầy cô giáo luôn đánh giá học sinh ở Cu Vai rất hiếu học.

Thầy Lò Văn Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trước mỗi năm học, thầy cô đi lên Cu Vai để thông tin học sinh ra lớp thì đều nhận được những câu hỏi rất dễ thương từ học trò: Thầy ơi, bao giờ con được ra lớp, con nhớ trường, nhớ lớp rồi... Đặc biệt, phụ huynh ở đây cũng rất muốn cho con đi học, phần vì các con được hưởng đầy đủ chế độ, phần vì cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc học”.

Không chỉ học đến THCS, những đứa trẻ ở Cu Vai đã học cao hơn với ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Mùa A Chua đang học lớp 12D, Trường THPT Trạm Tấu. Chua là một trong số ít học sinh ở Cu Vai đang học cao so với mọi người ở bản. Nhờ những chính sách nhân văn, Chua cùng các bạn được ở nội trú, được hưởng nhiều ưu đãi, đó cũng là một trong những động lực để Chua tiếp tục đi học, song hơn cả là sự thôi thúc muốn tìm kiếm hướng đi mới thoát nghèo cho gia đình.

Chua chia sẻ: "Cháu cũng có những dự định cho tương lai sau khi học xong lớp 12 nhưng nhất định sẽ phải tìm mọi cách để giúp gia đình thoát nghèo”. Những tính toán thoát nghèo của Chua hay ước mơ làm chiến sĩ Công an của Cở; hay đơn giản chỉ là mong muốn được học giỏi của Đông Anh… điển hình của những trẻ người Mông ở Cu Vai "vén mây” xuống núi "tìm chữ”, mang theo mong ước thoát nghèo của người Mông nơi đây.

Cu Vai cũng như nhiều bản người Mông ở vùng cao Yên Bái, sống biệt lập trên ngọn núi cao, nhưng những đứa trẻ nơi đây không biệt lập với thế giới bên ngoài. Từ vòng tay ấm áp của những cô giáo mầm non, những chính sách giáo dục nhân văn thêm động lực và khát khao về một tương lai tươi sáng hơn đối với bản làng, những đứa trẻ nơi đây chắc chắn là một thế hệ người Mông có tri thức góp sức xây dựng bản làng, quê hương ngày một tươi đẹp hơn.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/304628/su-hoc-o-cu-vai.aspx