Sự hấp dẫn của 'Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm'

Tính hấp dẫn của tác phẩm không chỉ ở cốt truyện, mà còn ở cách dụng từ, trí tưởng tượng bay bổng tạo nên không gian đầy chất văn học trong ngòi bút sáng tạo của Diễm Thúy.

Tác phẩm Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm. Ảnh: Đình Ba.

Dù chưa mở ra để thưởng thức nội dung Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm của Lê Thị Diễm Thúy, nhưng độc giả chắc chắn sẽ không giấu được sự tò mò bởi những lời giới thiệu trang trọng của báo chí và nhà văn nổi tiếng dành cho tác phẩm.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt, nổi tiếng với tập truyện ngắn Người tị nạn, như đồng cảm với tác phẩm của đồng hương gốc Việt nên đã ghi: "Chiến tranh đã định hình nên một thế hệ và cùng lúc đẽo gọt ra thế hệ kế tiếp, như những gì Lê Thị Diễm Thúy đã bày ra trong Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm".

Trong khi ấy, New York Times nhận xét: "Một sự gợi nhắc tuyệt vời về nỗi buồn và khát vọng của những phận người... Nhói lòng và xúc động... Sâu sắc như một câu chuyện cổ, trầm ẩn như một áng thơ xưa". Và đây là lời trên tạp chí Vogue: "Hấp dẫn đến nghẹt thở.... Quá khứ và hiện tại đan xen trong từng đoạn văn lấp lánh đem đến một cảm thức chảy trôi về thời gian".

Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm của Lê Thị Diễm Thúy có gì trong 170 trang sách mà được dành nhiều lời khen tặng đến vậy? Tác phẩm là tiểu thuyết đầu tay của Diễm Thúy, nhưng sẽ không quá khi cho rằng đó là tự truyện về một quãng đời của tác giả khi nhân vật chính không ai khác, chính là cô bé 6 tuổi cùng cha mình vượt biển đến Mỹ.

Trong phần lớn dung lượng ở phần đầu tiểu thuyết, ký ức hồi lại trong cô bé đến từ đất biển Phan Thiết như cuốn phim vùn vụt trôi. Đó là những ngày lênh đênh trên Thái Bình Dương trong con thuyền đánh cá mỏng manh giữa biển khơi; là trại tị nạn Singapore cho đến sự cưu mang của gia đình ông bà Russell và người con trai Melvin.

Sự ngây thơ con trẻ của cô bé gốc Việt trên đất Mỹ lại vô tình gây ra hậu quả đẩy cả cộng đồng nhỏ sáu người khỏi gia đình nhà Mel vì cuộc giải cứu chú bướm thủy tinh mà hiểu biết non nớt chưa hiểu hết sự đời, ngỡ đó là cánh điệp bị giam hãm trong khuôn kính. Không chỉ cánh bướm thủy tinh vỡ nát, mà cả bộ sưu tập thú thủy tinh được chủ nhân gìn giữ cũng không còn nguyên vẹn nữa.

Nhưng giấc mơ Mỹ đâu dừng lại ở đó. Gia đình dần ổn định, đoàn tụ, cô bé dần lớn và đối mặt với những va chạm cảm xúc đầu tiên. Nhân vật trong truyện, cũng là tựa đề cho tác phẩm, gã du đãng lại không phải là một thanh niên nào khác, mà là người cha, xuất thân du đãng thuở thanh niên, tham gia chiến trận được hồi ức vụn nát của người mẹ kể lại.

Tác giả Lê Thị Diễm Thúy. Ảnh: Sàn Art.

Dẫu đến vùng đất mới, nhưng những xung đột gia đình, quá khứ chiến tranh, người con trai mất khi còn nhỏ, lối sống và công việc hiện tại, đã tạo nên những va đập tình cảm mạnh mẽ phía sau rèm cửa giữa vợ-chồng, cha-con... Sự pha trộn giữa hiện tại và quá khứ cứ dập dềnh như những đợt sóng va vào nhau. Nhưng rồi sau tất cả, là sự bình yên.

Tính hấp dẫn của Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm không chỉ ở cốt truyện, mà còn ở cách dụng từ, trí tưởng tượng bay bổng tạo nên không gian đầy chất văn học trong ngòi bút sáng tạo của Diễm Thúy, để từ đó, tác phẩm đạt được nhiều giải thưởng văn học, dù là tiểu thuyết đầu tay của nữ nhà văn.

Đình Ba

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-hap-dan-cua-ga-du-dang-chung-ta-dang-lung-kiem-post1442453.html