Sự giống nhau kỳ lạ của 1.572 bức ảnh trên Tinder

Các nhà nghiên cứu cho biết hình ảnh trên Tinder thường giống nhau và có thể phân thành các nhóm. Mỗi nhóm thể hiện những đặc điểm, sở thích, mong muốn của người dùng.

Những bức ảnh giống nhau trên Tinder. Ảnh: Matilde Duarte/Match.

Người dùng TikTok từng tạo ra một loạt clip chỉ ra sự giống nhau kỳ lạ về cách để ảnh đại diện trên app hẹn hò tại mỗi nước. Trong clip "POV: You have Tinder in Canada", một người cho thấy hàng chục tài khoản cùng đăng ảnh câu cá.

"Tinder in Japan" thì tràn ngập các bức ảnh thú cưng, đồ ăn. "Tinder in Korea" luôn có hình mọi người đeo khẩu trang, selfie trước gương. Người dùng Tinder Việt Nam cũng tìm thấy rất nhiều tài khoản đăng ảnh tay cầm vô lăng ôtô. "Cứ tưởng rằng đang dùng app gọi xe công nghệ", một người hài hước bình luận.

Một số nghiên cứu, thống kê chỉ ra rằng dù hồ sơ hẹn hò trên ứng dụng là vô tận, nhiều hình ảnh lại giống nhau một cách kỳ lạ và sự trùng lặp này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.

Đi cùng một mẫu xe, ở cùng một khách sạn

Trong cuốn sách Love me, Tinder, tác giả Estela Ortiz và Nuria Gómez Gabriel nhấn mạnh rằng hồ sơ nam giới trên ứng dụng hẹn hò thể hiện rất nhiều điểm tương đồng và có thể chia làm 10 nhóm chính. Vì vậy, mặc dù các nhà phát triển app hẹn hò tuyên bố thúc đẩy sự đa dạng, trên thực tế, người dùng lại đang xây dựng hồ sơ rất giống nhau.

Điều tương tự cũng được nghệ sĩ Matilde Duarte chú ý, người vừa ra mắt Match: A Visual Study of Representative Self-display in Tinder Profiles, cuốn sách có 1.572 ảnh hồ sơ được lấy từ Tinder. Chúng được nhóm theo các tư thế, kịch bản, bố cục và cử chỉ, như tiêu đề của ấn phẩm thể hiện.

Kiểu chụp ảnh từ sau lưng phổ biến trên app hẹn hò. Ảnh: Matilde Duarte/Match.

Duarte giải thích: "Cuối cùng, những bức ảnh Tinder phản ánh những gì hiện có, những gì đã tồn tại. Vì vậy, hiện tượng xuất hiện trong ứng dụng có thể được quan sát ở những nơi khác. Chẳng hạn như trong một trung tâm mua sắm, những người cùng tầng lớp xã hội mua hàng hóa và dịch vụ giống nhau mà tôi không biết là do nhu cầu hay vì mục đích khác".

Điều này tương tự với cách lý giải của triết gia Horkheimer và Adorno: Những người có cùng mẫu xe hoặc cùng sức mua, thường gặp nhau ở cùng khách sạn, có những cuộc trò chuyện rất giống nhau và phát hiện rằng càng tách biệt, họ lại càng trở nên tương đồng hơn".

Nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu lập luận rằng "ngoài ý định rõ ràng của người chụp ảnh, ngay cả bức ảnh tầm thường nhất cũng thể hiện những nhận thức, suy nghĩ và đánh giá chung của cả một nhóm người".

Vì vậy, không chỉ ảnh chân dung, ngay cả những bức ảnh tưởng như bình thường, vô nghĩa trên các ứng dụng hẹn hò lại có thể nói lên rất nhiều điều về một con người.

Thế nào là một bức ảnh thu hút trên Tinder?

Các dự án như Duarte xử lý ảnh hồ sơ Tinder như thể chúng là ảnh tư liệu để rút ra những kết luận xã hội học. Thế nhưng, cần lưu ý rằng mục đích đầu tiên mà người dùng tải những bức ảnh đó lên là để thu hút sự chú ý của người khác.

Vì vậy, để giúp các tài khoản không bị quẹt trái chỉ trong tích tắc, nhiếp ảnh gia Lucía Alonso đưa ra một số lời khuyên, với tư cách là chuyên gia về hình ảnh hơn là một người dùng "hầu như không có trải nghiệm tốt trên ứng dụng".

"Bạn phải tìm ra điểm trung gian giữa sự bình thường nhàm chán nhất và bầu không khí bí ẩn. Tất nhiên, tôi nghĩ chúng ta nên thể hiện con người thật của mình, không để lại quá nhiều chỗ cho trí tưởng tượng. Đó là bởi vì nếu cuối cùng cuộc hẹn hò với người mà chúng ta lý tưởng hóa không thành công, nó sẽ khiến chúng ta thất vọng", nhiếp ảnh gia nói.

Hình ảnh đẹp trên app hẹn hò không nhất thiết phải rõ ràng về chủ thể, bố cục mà phải truyền tải được cảm xúc, nói lên cá tính. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels.

Về bí quyết để có hình ảnh thu hút, Alonso giải thích: "Quan niệm thế nào là một bức chân dung đẹp giờ đã thay đổi. Bức chân dung đẹp có thể là một bức ảnh selfie trong phòng tắm ở bất kỳ quán bar nào trong thị trấn. Kỹ thuật chụp không còn quan trọng bằng sự rung cảm mà hình ảnh truyền tải. Nếu hình ảnh thể hiện bạn, bạn trông ổn và muốn đăng nó để ai đó chọn bạn thì chẳng sao cả".

Nhiếp ảnh gia khẳng định sự hoàn hảo hay chuyên môn kỹ thuật không liên quan gì đến những bức ảnh tán tỉnh. Hơn nữa, nhìn chung, đây là những giá trị được đánh giá thấp hơn so với "tính thẩm mỹ và sự xấu xí của những năm 2000".

"Bạn có thể thấy điều đó rõ ràng hơn trên Instagram so với các ứng dụng hẹn hò. Ngay cả trong chụp ảnh thời trang và đám cưới, sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật cũng không còn quá phổ biến, chúng ta đang tìm kiếm những bức ảnh mờ (không sắc nét lắm do máy ảnh bị rung) hoặc được chụp bằng đèn flash đã làm mất đi các đặc điểm. Mọi người thích thú với những nét lộn xộn, bừa bộn đó. Và sẽ không tệ khi đi theo xu hướng, nếu nó thực sự nói lên cá tính của bạn".

Vì vậy, Alonso chỉ dám đưa ra một số lời khuyên cụ thể: "Xin đừng tải lên những bức ảnh mà bạn đã cắt bỏ người ngồi cạnh mình trong khi vai của họ vẫn lộ rõ ở khung hình".

Duarte ước tính rằng cô đã xem khoảng 50.000 bức ảnh trong vòng 4 tháng để đưa ra lựa chọn cho cuốn sách ảnh. "Khi kết thúc nghiên cứu, khả năng phân biệt giữa khuôn mặt quen và lạ của tôi giảm đi. Nói cách khác, tôi thấy ai cũng quen quen, na ná nhau", cô nhớ lại.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-giong-nhau-ky-la-cua-1572-buc-anh-tren-tinder-post1461358.html