Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

Theo dự báo, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài, gây tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết nguồn nước từ các công trình thủy lợi, nhằm khai thác hiệu quả nguồn nước, chống thất thoát, lãng phí.

Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ nguồn nước.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có 110 hồ thủy lợi, trên 1.800 công trình cấp nước sinh hoạt cho 96% dân số vùng nông thôn. Bên cạnh đó, còn có sông Đà dài 280 km, với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90 km với 17 phụ lưu; 35 con suối lớn, với tổng lượng nước mặt khoảng 19 tỷ m3/năm; tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất gần 4 triệu m3/ngày.

Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Bảo đảm nước sinh hoạt, Sở phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương rà soát, đề xuất với tỉnh đầu tư các trang, thiết bị bảo vệ nguồn nước sinh hoạt; tăng cường bảo vệ rừng đầu nguồn; chỉ đạo UBND xã, các đơn vị quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa đường ống nước rò rỉ, tránh gây thất thoát nguồn nước; hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Với mục tiêu đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất, phương án được đưa ra đó là điều tiết nước từ hồ chứa theo kế hoạch kết hợp với thông báo nhân dân các vùng sản xuất chủ động lấy và tích trữ nước. Tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, sửa chữa, khơi thông dòng chảy của mương dẫn nước phục vụ sản xuất.

Nhân viên Trạm cấp nước xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu vận hành công trình cấp nước.

Bảo vệ nguồn nước ngầm, ngày 19/9/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2049/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó, có 160 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, tổng diện tích gần 77.000 ha.

Ông Vì Văn Khoán, bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, chia sẻ: Thường xuyên được tuyên truyền, chúng tôi hiểu rõ về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước. Do vậy, chúng tôi chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ đầu nguồn nước đã được đưa vào hương ước, quy ước của bản; sử dụng nước tiết kiệm, với mong muốn có đủ nguồn nước sạch, sử dụng thường xuyên, lâu dài.

Còn tại huyện Phù Yên, một trong những địa phương có nền nhiệt cao của tỉnh, việc đảm bảo nước phục vụ sản xuất đã được địa phương sớm triển khai từ đầu năm. Toàn huyện có trên 210 công trình thủy lợi, UBND huyện chỉ đạo các địa phương yêu cầu tổ thủy nông rà soát, sửa chữa, khắc phục và nạo vét mương dẫn nước bị hư hỏng. Bên cạnh đó, trong thời điểm nắng nóng kéo dài, cơ quan chức năng hướng dẫn nhân dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra độ ẩm của đất, bổ sung nước tưới.

Nhân dân bản Hang Mon 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu dùng nước sạch sinh hoạt

Bà Bạc Thị Cầm Siêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên, cho biết: Đối với vườn trồng các loại cây lâu năm, phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân chỉ làm cỏ quanh gốc cây với bán kính từ 0,8 - 1,5m và để lại cỏ ở khu vực trong vườn giữ độ ẩm cho đất. Đồng thời, có thể tái sử dụng nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân làm nguồn nước tưới cho cây trồng. Hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Từ năm 2023 đến nay, huyện đã hỗ trợ 2 HTX đầu tư hệ thống tưới ẩm chủ động, diện tích trên 3 ha cây trồng.

Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt thường xuyên, lâu dài, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay của nhân dân thông qua những việc làm hằng ngày, đó là tham gia bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/su-dung-nuoc-tiet-kiem-hieu-qua-RSoY30bIg.html