Sử dụng lao động đúng độ tuổi quy định

Với mục tiêu phát hiện, hỗ trợ, can thiệp kịp thời trẻ em lao động trái quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện, huyện Sốp Cộp đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa và chấn chỉnh sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.

Đơn vị thi công nâng cấp tuyến đường vào xã Mường Lạn sử dụng lao động địa phương đúng độ tuổi quy định.

Đơn vị thi công nâng cấp tuyến đường vào xã Mường Lạn sử dụng lao động địa phương đúng độ tuổi quy định.

Hiện nay, huyện có 18.411 trẻ em từ 16 tuổi trở xuống, trong đó có 5.707 trẻ sống trong các gia đình hộ nghèo, cận nghèo; 1.386 trẻ mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV... Thời gian qua, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ; phòng ngừa trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, xưởng sản xuất được theo dõi chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ quy định về lao động và bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, tạo sự răn đe, cảnh báo đối với những người có ý định sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 24 doanh nghiệp, nhiều năm nay, không có đơn vị nào sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.

Công ty TNHH Trang Quang, huyện Sốp Cộp, là một trong những đơn vị thường xuyên sử dụng lao động thời vụ. Ông Bùi Văn Quang, Giám đốc công ty, cho biết: Doanh nghiệp luôn sử dụng lao động đúng với độ tuổi quy định. Hiện nay, đơn vị duy trì từ 20-30 lao động độ tuổi từ 20-40, có tay nghề cao, nhờ đó hoạt động của đơn vị luôn ổn định, các công trình đảm bảo tiến độ, kỹ thuật.

Huyện còn chú trọng tạo môi trường xã hội và gia đình lành mạnh, nơi trẻ được yêu thương, chăm sóc và có điều kiện phát triển toàn diện. Các chương trình giáo dục và đào tạo được xây dựng và thực hiện hiệu quả, đảm bảo mọi trẻ em có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng và phát triển kỹ năng phù hợp với độ tuổi của mình. Qua đó, trẻ được khuyến khích và hỗ trợ để tham gia vào quá trình học tập và rèn luyện, phòng ngừa việc lao động trái phép.

Tuy nhiên, là huyện biên giới, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng biên, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên vẫn còn tình trạng học sinh bậc THCS bỏ học đi lao động ở ngoài tỉnh. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, toàn huyện có 82 học sinh bỏ học, trong đó 28 em đi làm thuê ngoài tỉnh.

Theo bà Tòng Thị Kiên, mặc dù đi ra ngoài tỉnh, nhưng các doanh nghiệp cũng không sử dụng trong lao động, nên một số cháu đã quay trở về. Đối với những cháu bỏ học, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã tuyên truyền, vận động các cháu trở lại trường học tập; thành lập các tổ công tác nắm bắt tình hình, phối hợp với gia đình học sinh để vận động các em bỏ học trở lại lớp học. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chỉ sử dụng lao động đúng độ tuổi quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Nhằm tạo môi trường an toàn và phát triển cho trẻ, đồng thời phòng ngừa trẻ em lao động trái pháp luật, huyện Sốp Cộp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân phòng ngừa sử dụng lao động trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật.

Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/su-dung-lao-dong-dung-do-tuoi-quy-dinh-xRVLsKC4g.html